ClockChủ Nhật, 31/01/2021 07:54
CÁC GÓI HỖ TRỢ VAY VỐN KHẮC PHỤC COVID-19:

Không nới lỏng, doanh nghiệp chỉ “đứng nhìn từ xa”

TTH - Gần 20% doanh nghiệp (DN) phải ngừng hoạt động, trên 60% DN giảm quy mô kinh doanh và gần 5% DN phải chuyển đổi ngành nghề khác, chỉ có 1,7% DN hoàn thành kế hoạch.

Chưa chạm “điểm nghẽn” của doanh nghiệpĐề xuất một loạt chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp sau COVID-19

Công nhân Công ty SCAVI Huế hoàn thiện sản phẩm theo dây chuyền

Thông tin trên được Hiệp hội Doanh nghiệp (HHDN) tỉnh đưa ra trong báo cáo khảo sát tác động của đại dịch COVID-19 đối với cộng đồng DN Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, có đến gần 50% số DN có mức doanh thu giảm từ 50% trở lên và trên 10 ngàn lao động ngành dịch vụ du lịch thất nghiệp. Số DN và đơn vị trực thuộc đăng ký tạm ngưng hoạt động tăng trên 40% so cùng kỳ; gần 200 DN giải thể/chấm dứt hoạt động.

Khó tiếp cận

Những khó khăn lớn nhất mà DN gặp phải là không có khách hàng, đơn hàng, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, doanh thu giảm mạnh trong khi DN vẫn phải “gánh” nhiều khoản chi phí hàng ngày và áp lực nuôi bộ máy. “Đầu vào” khó khăn, “đầu ra” lại hạn chế do sức mua giảm mạnh kèm theo những thách thức về dòng tiền, nguồn nguyên liệu khiến nhiều DN “tê liệt”.

Để kịp thời làm bệ đỡ cho DN trước đại dịch COVID-19, Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ “giải cứu” ở nhiều lĩnh vực, như tín dụng, chính sách về thuế, bảo hiểm xã hội… Chủ tịch HHDN tỉnh Dương Tuấn Anh cho rằng, chính sách hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ đã thể hiện sự đồng cảm, sẻ chia của Chính phủ với DN, người lao động trong giai đoạn khó khăn, thách thức do dịch bệnh gây nên. Tuy nhiên, theo ông Tuấn Anh, "số DN được hưởng lợi từ chính sách này đến nay còn hạn chế, chủ yếu DN mới tiếp cận được gói gia hạn nộp thuế”.

Việc triển khai các gói hỗ trợ kịp thời góp phần giúp doanh nghiệp, người dân nhanh chóng phục hồi, ổn định sản xuất

“Chúng tôi “coi như không có” các gói hỗ trợ vay vốn để khắc phục hậu quả của COVID-19”, Giám đốc Công ty TNHH Volga Việt Nga Đặng Thị Thuỳ Dương thẳng thắn. “DN đa phần “tự bơi” để tìm đường sống vượt qua đại dịch”.

Các gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng và 62.000 tỷ đồng, DN và người lao động trong lĩnh vực du lịch rất khó tiếp cận do những khó khăn về quy trình, thủ tục, điều kiện hồ sơ… “Gói cho DN vay trả lương qua Ngân hàng Chính sách xã hội, nói thật, đọc xong khỏi cần làm. Bởi chờ xong toàn bộ thủ tục nhiêu khê, phức tạp theo quy định thì DN đã “chết”, Giám đốc Công ty CP Du lịch Đại Bàng - Eagle Tourist Nguyễn Đình Thuận nói.

Còn “Hướng dẫn viên du lịch hành nghề tự do phải chứng minh không có thu nhập, rồi phải về quê chứng minh chưa được hưởng hỗ trợ gì nên khó càng thêm khó”, chị Hoàng Dương, hướng dẫn viên ngôn ngữ hiếm than thở.

Một số DN phản ánh, họ đang gặp nhiều khó khăn vẫn cố gắng duy trì việc làm và thu nhập cho người lao động, nhưng lại được sắp xếp vào đối tượng DN có năng lực, có tính bền vững nên không tiếp cận được chính sách hỗ trợ này.

Nới lỏng để tiếp sức

Bên cạnh hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh cũng có những chính sách hỗ trợ, tác động vào sản xuất kinh doanh của DN. Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các ngân hàng thương mại tổ chức các hộ thảo, đối thoại và có các kênh trực tiếp để hỗ trợ cho DN trong quá trình vay vốn.

Theo Chủ tịch HHDN tỉnh, nguyên nhân chủ yếu vì DN không đáp ứng được điều kiện, thủ tục nhận hỗ trợ phức tạp. “Trong quá trình tiến hành, triển khai vẫn có những vấn đề làm chậm tiến trình đó. Ví như với khối ngân hàng, DN kỳ vọng được vay ở mức lãi suất không đồng, điều này rất khó. Bởi, ngân hàng cũng là DN và cơ chế của mỗi ngân hàng đều có sự khác biệt. Hay DN phải có báo cáo kinh doanh 2019 và giai đoạn đầu của 2020, nhưng giai đoạn này chưa thể hiện sự thiệt hại của DN trong quá trình vận hành… Vì vậy, một số DN quyết định không nộp hồ sơ hoặc “tự cứu”, ông Tuấn Anh chia sẻ.

Giám đốc Công ty SCAVI Huế Trần Văn Mỹ cho rằng, chúng ta sợ có tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi nên thường quy định rất chặt chẽ. Càng “chặt”, DN càng khó tiếp cận. Đó cũng là rào cản để chính sách đi vào cuộc sống. “Năm 2021, tình hình sẽ rất căng thẳng, không “dễ thở” như 2020, khi dịch bệnh COVID-19 vẫn còn phức tạp, trong khi tiềm lực sức khoẻ của DN đến hồi cạn kiệt. Những chính sách hỗ trợ cần được sửa đổi nhiều hơn để DN tiếp cận được”, Giám đốc SCAVI Huế nói.

“Phải nới lỏng các điều kiện, thủ tục. Việc triển khai gói hỗ trợ cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 phải làm như cách phản ứng với đại dịch: nhanh, gọn, kịp thời chứ không thể rườm rà thủ tục để cứu DN qua giai đoạn khó khăn”, Giám đốc Eagle Tourist Nguyễn Đình Thuận đề xuất.

Vấn đề lớn nhất cần tháo gỡ là điều kiện được vay và tiếp cận vốn, trong đó, cần giảm bớt các điều kiện liên quan đến tài chính, tài sản đảm bảo sao cho phù hợp. “Nếu vẫn giữ nguyên những điều kiện xét cho vay như hiện nay thì dù có thêm nhiều gói hỗ trợ, DN cũng chỉ có thể “đứng nhìn từ xa”, không tiếp cận được”, một DN kinh doanh dịch vụ du lịch bày tỏ.

Chủ tịch HHDN tỉnh cho rằng, gói hỗ trợ phải hướng đến mục tiêu cao hơn là hỗ trợ DN vượt khó, phục hồi và cấu trúc lại, nhất là hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm. Làm thế nào để đơn giản hoá thủ tục, quy trình và báo cáo mà vẫn đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng. Cộng đồng DN đang kỳ vọng về việc tiếp tục hỗ trợ của Chính phủ, nhất là các gói giãn đóng bảo hiểm, cần thiết là miễn đóng bảo hiểm, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ chi phí…

Bài, ảnh: LIÊN MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

TIN MỚI

Return to top