|
Các cơ sở chế biến thực phẩm dịp tết ở Huế phần lớn đều nhỏ lẻ |
Yếu tố hàng đầu
Theo kế hoạch, Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tổ chức kiểm tra các cơ sở chế biển nông sản, thực phẩm, nem chả… Đây là những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân.
Tại nhà máy chế biến nông sản Tân Ký - Bảo Ký ở cụm Công nghiệp An Hòa, công ty này đăng ký công bố 8 sản phẩm gồm các loại hạt rang sấy đưa ra thị trường. Qua kiểm tra, các loại hạt nhập khẩu từ Mỹ đều có chứng từ rõ ràng, ghi chép nhãn phụ. Khu vực sản xuất được đầu tư máy móc dây chuyền tự động, khép kín. Khách bên ngoài vào xưởng đều phải mang đồ bảo hộ như công nhân làm việc bên trong.
Chuẩn bị hàng hóa cho đợt tết từ sớm để phục vụ khách hàng ở Huế và các tỉnh thành lân cận, tuy nhiên, cận tết rồi nhưng sản lượng tiêu thụ giảm 30% so với năm ngoái. Giá bán ra thị trường năm nay giảm khoảng 5% so với năm trước do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Ông Phạm Hữu Thương, Phó Giám đốc Nhà máy chế biến nông sản Tân Ký - Bảo Ký không mấy làm vui. 27 năm sản xuất ở lĩnh vực này, lần đầu tiên hàng bán chậm và đơn đặt hàng giảm. Ngay tại nhà xưởng, một thiết bị rang sấy hạt hướng dương trị giá 3 tỷ đồng công suất 15 tấn/ngày chưa đưa vào vận hành vì sức tiêu thụ thấp. “Thường mọi năm phải làm đêm mới kịp đơn hàng mà năm nay sản xuất cầm chừng. Tuy nhiên, yếu tố chất lượng và đảm bảo ATTP lúc nào cũng được đặt lên hàng đầu, vì đây là thương hiệu chúng tôi xây dựng gần 30 năm qua”.
Là một trong những cơ sở sản xuất nem chả có mức tiêu thụ lớn, bà Huỳnh Thị Hoàng Oanh, chủ cơ sở sản xuất nem chả Bảy Khánh (TP. Huế) cũng cẩn trọng rà soát khâu sản xuất thủ công. Nhiều lần đón tiếp đoàn đến rà soát hồ sơ, kiểm tra khu sản xuất, bà đều nghe góp ý để hoàn thiện, nhất là các quy định mới. Bà Oanh nói: “Sản phẩm phần lớn làm thủ công, lại phải phục vụ tết nên cơ sở nhắc nhở nhân viên chú trọng khâu chế biến hàng ngày. VSATTP là phải nghiêm túc chấp hành, vì sức khỏe của khách hàng và vì uy tín của nhà mình nữa. Phải giữ khách để còn duy trì hoạt động chứ đâu phải chuyện đùa”.
Với các cơ sở sản xuất mứt gừng thủ công, thịt nguội, pa tê quy mô nhỏ, đoàn nhắc nhở thực hiện vệ sinh khu vực chế biến luôn sạch sẽ; tách biệt thành phẩm, thực phẩm chín - sống trong quá trình sản xuất; nâng cấp khu vực sản xuất rộng rãi; chú ý khâu bảo quản, vận chuyển trong quá trình sản xuất, phân phối. Chủ một cơ sở sản xuất mứt gừng Kim Long (TP. Huế) phân bua: “Do làm thời vụ chỉ vào mùa giáp tết nên chúng tôi chưa đầu tư nhiều cho nơi sản xuất. Song, trong quá trình chế biến, bắt mứt đều để ý đảm bảo vệ sinh, bảo quản cẩn thận trước khi đóng vào bao”.
Qua kiểm tra, có tình trạng một số sản phẩm được các cơ sở kinh doanh chia nhỏ trọng lượng 0,5 - 1kg bày bán không đúng với nhãn mác đã đăng ký ban đầu. Đoàn kiểm tra liên ngành đề nghị đơn vị sản xuất rà soát các mặt hàng bán ra thị trường thống nhất rõ ràng nhãn mác, ngăn chặn tình trạng hàng hóa kém chất lượng lợi dụng thương hiệu.
Huy động tối đa các kênh truyền thông
Trước tết, các cơ quan chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều tấn thực phẩm, hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ. Các vụ việc xuất hiện trên truyền thông, đánh động nhận thức của nhiều người trong việc lựa chọn sản phẩm an toàn. Dưới góc độ người tiêu dùng, bà Nguyễn Thị Hiền, một người dân sống ở Thủy Bằng, TX. Hương Thủy kiến nghị các ngành chức năng thanh kiểm tra các khu vực chợ nông thôn, ngăn chặn thực phẩm kém chất lượng tuồn về. “Nhiều khi hàng không nhãn mác rõ ràng hoặc người ta chiết ra từng túi nhỏ, dán nhãn rất sơ sài, không ngày sản xuất, không hạn sử dụng. Tui cũng từng mua hàng như vậy rồi nên chừ rút kinh nghiệm. Phải đọc kỹ, hỏi kỹ, thấy không an tâm là thôi”, bà Hiền kể.
Từ đầu tháng 1 đến nay, Đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP kiểm tra hơn 20 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm. Bên cạnh đó, các địa phương xã phường, huyện, thị xã cũng đồng loạt tiến hành ra quân kiểm tra cho đến ngày 20/3. Một tiểu thương ở chợ Sịa (Quảng Điền) cho biết, từ trước tết đã nghe loa ở chợ đọc các văn bản pháp luật, mức xử phạt; hướng dẫn chọn thực phẩm, cách chế biến và bảo quản; thậm chí dấu hiệu nhận biết bị ngộ độc thực phẩm và cách khai báo với cơ sở y tế. “Càng gần tết nghe tuyên truyền càng nhiều để nhớ. Người bán cũng phải biết trách nhiệm của mình khi lấy hàng, người mua khôn ngoan hơn để lựa chọn sản phẩm”, tiểu thương này nói.
Theo Chi cục VSATTP, ngành chức năng huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân. Huy động các cơ quan báo chí ở tỉnh, huyện, thị xã, thành phố tham gia truyền thông về bảo đảm an toàn thực phẩm cho nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng chấp hành pháp luật, quản lý an toàn thực phẩm tại nơi diễn ra lễ hội; kịp thời công khai các trường hợp vi phạm quy định, phổ biến các cơ sở sản xuất an toàn cho cộng đồng.
BSCKII. Trương Thị Lan Hương, Chi cục trưởng Chi cục ATVATP tỉnh thông tin: “Các cơ sở sản xuất của tỉnh hoạt động cao điểm mùa Tết Nguyên đán phần lớn là sản xuất nhỏ lẻ, mùa vụ nên chưa có sự đầu tư đảm bảo quy trình hoàn thiện. Chúng tôi vừa kiểm tra vừa nhắc nhở khắc phục. Nếu phát hiện vi phạm, sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Sự vào cuộc của cơ quan chức năng không chỉ nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán mà còn tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm”.