|
Chuyển đổi số ngành ngân hàng góp phần tạo đà cho kinh tế số |
Phát triển kinh tế số trên nền tảng hạ tầng
Nếu nói kinh tế số là một nền kinh tế được vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử trên internet, thì hầu hết các hoạt động đều dựa trên hoặc được đổi mới bởi công nghệ số, hạ tầng số, nền tảng số, sản phẩm số, dữ liệu số, thể chế số, kỹ năng số. Nói vậy để thấy, đặc trưng của kinh tế số sẽ là các giao dịch online, không giấy tờ, không tiền mặt. Ở đó, mọi doanh nghiệp đều sử dụng thương mại điện tử, công nghệ số để nâng cao năng suất lao động, tạo ra dịch vụ mới, công việc mới. Với sự đầu tư hoàn thiện về hạ tầng phụ trợ, bao gồm ngân hàng, viễn thông và chính quyền điện tử, kinh tế số tại Thừa Thiên Huế sẽ có những bước đi đột phá.
Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, các chi nhánh ngân hàng thương mại đã xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin, nền tảng vận hành, xử lý nghiệp vụ dựa trên công nghệ, dữ liệu và có thể tiếp cận khách hàng qua các kênh số. Hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập, kết nối giữa dịch vụ ngân hàng với nhiều dịch vụ khác, nhiều chi nhánh có tỷ lệ giao dịch trên kênh số đạt trên 80% như ACB, VP Bank, TP Bank… tỷ lệ này còn đạt trên 90% ở Vietcombank, MBBank.
Ngoài ra, Thừa Thiên Huế cũng đã đẩy mạnh việc áp dụng chính quyền điện tử để nâng cao chất lượng dịch vụ công. Nhờ vào các dịch vụ công trực tuyến, người dân và doanh nghiệp không còn phải tốn thời gian và công sức trong việc thực hiện các thủ tục hành chính truyền thống. Việc nộp đơn xin cấp giấy phép kinh doanh, đăng ký kinh doanh và tra cứu thông tin đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
|
Thanh toán số sẽ tạo đà thúc đẩy kinh tế số |
Tính đến cuối năm 2023, Thừa Thiên Huế đã xây dựng được mô hình chuyển đổi số các cấp, các nền tảng chuyển đổi số trong xây dựng chính quyền số, xã hội số và xây dựng kiến trúc chuyển đổi số cấp tỉnh. Dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3,4 được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 100%. Tất cả hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, huyện đều được xử lý trên môi trường mạng, có khoảng 20% doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn với khoảng 950 doanh nghiệp tiếp cận và tham gia chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số.
Các chi nhánh ngân hàng đã tích cực phối hợp kết nối hạ tầng thanh toán để cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hiện, tỷ lệ thanh toán dịch vụ thu thuế không dùng tiền mặt tăng 21% so với cùng kỳ năm 2022; dịch vụ thu tiền điện, nước tăng 45%; chi trả an sinh xã hội cũng tăng 65% so với năm 2022…
Tư duy đổi mới
Nhờ vào sự phát triển của hạ tầng phụ trợ, kinh tế số Thừa Thiên Huế hứa hẹn sẽ có những bước tiến mới trong tăng trưởng. Tuy nhiên, theo chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025 - định hướng đến năm 2030, Thừa Thiên Huế phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số đạt tối thiểu 15 - 20% GRDP và đến năm 2030 đạt tối thiểu 30%. Tuy nhiên, đến cuối năm 2023, tỷ lệ này mới đạt 10,7%, thấp hơn mức trung bình của cả nước (15%).
Các chỉ tiêu khác cũng đang nằm trong mục tiêu phấn đấu, như: tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%.
Và để hiện thực hóa chỉ tiêu này, Thừa Thiên Huế đã vạch ra nhiều chiến lược từ tổng thể nền kinh tế đến từng ngành, lĩnh vực. Trong đó, hoàn thiện thể chế, rà soát, chỉnh sửa, bổ sung cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm trong từng ngành, lĩnh vực là một giải pháp quan trọng. Tiếp đó là xây dựng chiến lược, lộ trình số hóa và thông minh hóa các lĩnh vực hạ tầng thiết yếu khác phục vụ kinh tế số; tập trung nguồn lực xây dựng phát triển khu công nghệ thông tin tập trung thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, nhân lực số. Các nền tảng số; dữ liệu số; đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng; nhân lực số; kỹ năng số, công dân số, văn hóa số, doanh nghiệp số cũng được mở rộng.
Với việc xác định người dân, doanh nghiệp là trung tâm, tỉnh tập trung xây dựng và triển khai chương trình xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trong ngành, lĩnh vực, địa bàn, có chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực đạt mức độ chuyển đổi số. Trong năm qua, các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp cũng được triển khai, như hỗ trợ chuyển đổi số cho 100 doanh nghiệp trong 100 ngày; xúc tiến thương mại trên các sàn thương mại điện tử… được tổ chức thường xuyên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với các nền tảng kinh doanh mới, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Tại hội nghị chuyển đổi số ngành ngân hàng mới đây, ông Nguyễn Dương Anh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chia sẻ, ngoài các chính sách đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, xây dựng các cơ chế chính sách về thu hút đầu tư số, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phát triển tại địa phương; ưu tiên trên các lĩnh vực thương mại điện tử, nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường, tài chính. Thừa Thiên Huế đang triển khai hỗ trợ người dân thực hiện chữ ký số cá nhân, thúc đẩy chất lượng hoạt động dịch vụ công, tăng tỷ lệ các thủ tục trực tuyến. Nâng cấp ứng dụng Hue-S trở thành siêu ứng dụng tích hợp các tiện ích thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp...
Tuy nhiên, xây dựng nền kinh tế số đòi hỏi phải chấp nhận cái mới, chuyển đổi mô hình phương thức sản xuất, kinh doanh. Vì thế, bên cạnh những nỗ lực từ chính quyền, đổi mới tư duy doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy và nhận thức trong đổi mới, sáng tạo, áp dụng mô hình kinh doanh số. Nhận thức vai trò quan trọng của hoạt động chuyển đổi số hướng tới tăng năng suất và hiệu quả kinh doanh, từ đó chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp, người tiêu dùng cần tích cực tham gia vào hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, chia sẻ thông tin, hoạt động đào tạo về chuyển đổi số.