ClockThứ Hai, 25/12/2023 06:40

Để doanh nghiệp FDI là động lực thúc đẩy tăng trưởng

TTH - Đóng góp trên 10% GRDP toàn tỉnh, nộp ngân sách ước đạt 4.050 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 36,8% trong tổng thu ngân sách toàn tỉnh năm 2023 là con số khá ấn tượng về những đóng góp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào tăng trưởng chung của kinh tế Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp FDICần xác định lại vị trí của Huế trong bản đồ thu hút đầu tư nước ngoàiMở cơ hội, đón dòng vốn FDI

 Các nhà đầu tư nghiên cứu về các thế mạnh của Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô

Điểm nhấn thu hút đầu tư

Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư gián tiếp không còn ổn định vì tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, vốn ODA có xu hướng giảm dần khi Việt Nam tham gia vào hàng ngũ nước có thu nhập trung bình, nguồn vốn trong nước còn hạn chế, đầu tư nước ngoài (FDI) trở thành nguồn lực quan trọng cho mục tiêu phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thực tế phát triển kinh tế trong năm qua phần nào chứng minh điều này, khi khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp một phần không nhỏ đến sự phát triển kinh tế xã - hội địa phương. Cụ thể, năm 2023, doanh thu khu vực này ước đạt hơn 1.400 triệu USD, đóng góp trên 10% GRDP toàn tỉnh, nộp ngân sách gần 4.050 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 36,8% trong tổng thu ngân sách toàn tỉnh.

Ngoài ra, khu vực FDI cũng giải quyết việc làm cho hơn 24.500 lao động trên địa bàn tỉnh. Điều đó chứng tỏ, dòng vốn FDI không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế mà còn là góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách khác của xã hội.

Bên cạnh những giá trị thực tế có thể nhìn nhận, các doanh nghiệp FDI còn mang lại những giá trị vô hình khác mà theo nhìn nhận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương, khối các doanh nghiệp FDI đã tác động, lan tỏa tích cực đến các thành phần kinh tế khác, khơi dậy các nguồn lực đầu tư trong nước, hỗ trợ quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước và hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm nâng cao sức cạnh tranh chung của địa phương. Ngoài ra, doanh nghiệp khối FDI cũng thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, góp phần cải thiện hiệu quả sản xuất và quản trị doanh nghiệp, nâng cao trình độ và năng lực trong một số ngành phù hợp lợi thế của tỉnh như: công nghiệp công nghệ cao, điện tử, bất động sản du lịch, thương mại dịch vụ, dệt may…

Xác định được tầm quan trọng đó, trong những năm vừa qua, tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, đưa ra các giải pháp, định hướng nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư FDI. Đồng thời luôn quan tâm, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp FDI để tháo gỡ khó khăn trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

 Nhờ đó, tình hình thu hút FDI được cải thiện đáng kể. Trong năm, Thừa Thiên Huế cấp mới 11 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 11 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 141,7 triệu USD tương đương 3.389 tỷ đồng. Như vậy, trên địa bàn tỉnh hiện có 126 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.524 triệu USD.

Các hoạt động gặp gỡ giúp chính quyền nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp 

Không để doanh nghiệp đơn độc

Theo ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, trên cơ sở xác định các doanh nghiệp FDI là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Tỉnh đã và đang đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Thừa Thiên Huế. Trong đó, ưu tiên thu hút doanh nghiệp FDI tham gia vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường; sản xuất thiết bị y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại trên nền tảng công nghiệp 4.0.

Ngoài ra, để đảm bảo chuyển đổi phát triển năng lượng xanh, sạch theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050, tỉnh cũng ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án năng lượng sạch, tái tạo hướng đến phát triển đô thị xanh, không gian khu công nghiệp xanh.

Và để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI tham gia đóng góp cũng như nghiên cứu đầu tư vào Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cam kết, Thừa Thiên Huế đang tập trung tạo dựng một môi trường kinh doanh ổn định, nhất quán giúp doanh nghiệp FDI cảm thấy yên tâm và tin tưởng hơn khi đầu tư và hoạt động kinh doanh tại địa phương. Điều này bao gồm việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt rào cản, tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng. Đầu tư vào phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ doanh nghiệp bao gồm: giao thông, viễn thông, điện lực và nước sạch...

Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế cũng nghiên cứu áp dụng các chính sách khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp, các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp FDI. Đồng thời, Thừa Thiên Huế cũng đang tập trung xây dựng quan hệ đối tác tin cậy với các doanh nghiệp FDI bằng cách tạo ra một kênh giao tiếp và thường xuyên tương tác thông qua các diễn đàn, các buổi gặp mặt… cho phép chính quyền hiểu rõ các vấn đề và khó khăn mà doanh nghiệp FDI đang gặp phải và cung cấp, hỗ trợ các thông tin cần thiết mà doanh nghiệp cần.

Điều này đang được Thừa Thiên Huế thực hiện khá tốt, nhất là khi 4 tổ công tác do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng chính thức đi vào hoạt động. Các tổ này đã trực tiếp theo sát từng dự án và phân công từng sở, ngành, cán bộ bám sát các dự án để tháo gỡ khó khăn, không để doanh nghiệp đơn độc khi nghiên cứu đầu tư cũng như đầu tư vào Thừa Thiên Huế.

Bài, ảnh: Hoàng Loan
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm có những dấu hiệu khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng trở lại, lãi suất ngân hàng hạ nhiệt… là những yếu tố thuận lợi để doanh nghiệp chủ động thực hiện tốt kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng
Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

Hiện nay, doanh nghiệp (DN) muốn tham gia sâu vào thị trường quốc tế phải có tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon được hiểu là chứng nhận để giao dịch thương mại và đổi quyền được phát thải khí nhà kính.

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp
ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

Đầu tư cho sản xuất tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bùng nổ. ASEAN đã trở thành điểm đến mục tiêu của các công ty đa quốc gia và có vai trò cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Khối 10 quốc gia với hơn 660 triệu dân này được hưởng lợi từ các chiến lược “Trung Quốc + 1” vốn đã tăng tốc kể từ sau đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang một hoặc nhiều quốc gia ASEAN để tránh việc quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

TIN MỚI

Return to top