Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 7,17%, cao gấp 1,4 lần mức tăng trưởng của cùng kỳ năm trước là 4,99%.
Theo báo cáo kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm 2021 được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/9, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 7,17%, cao gấp 1,4 lần mức tăng trưởng của cùng kỳ năm trước là 4,99% (Số liệu thống kê tính đến ngày 20/9).
Về lãi suất cho vay, Tổng cục Thống kê đánh giá, để hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các ngân hàng thương mại lớn trong hệ thống ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay đối với những khoản dư nợ hiện hữu từ giữa tháng 7 đến hết năm 2021.
Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên đang ở mức 4,4%/năm, thậm chí còn thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN là 4,5%/năm.
Về lãi suất huy động, từ cuối tháng 8/2021, nhiều ngân hàng đã thay đổi mức lãi suất huy động theo hướng tiếp tục giảm trong bối cảnh ngân hàng dồi dào thanh khoản và tín dụng tăng chậm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Lãi suất tiền gửi bình quân bằng đồng Việt Nam của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,1%-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,3%-3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,2%-5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,4%-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,1%-6,9% đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Do duy trì mức lãi suất thấp nên huy động vốn của các tổ chức tín dụng 9 tháng đầu năm chỉ tăng 4,28%, thấp hơn nhiều so với mức huy động cùng kỳ năm 2020 là 7,48%
Diễn biến thị trường ngoại tệ và tỷ giá USD/VND nhìn chung ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt. Hoạt động thanh toán trong nền kinh tế diễn ra an toàn, hiệu quả, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán tiếp tục được hoàn thiện; thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng đồng thời ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Các chuyên gia cho rằng, do nhiều DN còn gặp khó khăn về dòng tiền và chịu ảnh hưởng bởi dịch, tốc độ tăng trưởng tín dụng thời gian tới sẽ phụ thuộc vào khả năng hấp thụ vốn của DN cũng như nền kinh tế. Trước đó, Báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Công ty chứng khoán VNDIRECT đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành cho năm 2021 xuống 10-12% từ mức 13% do đánh giá cầu tín dụng chưa phục hồi bởi ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh hiện nay.
Ở kịch bản cơ sở, các chuyên gia VNDIRECT kỳ vọng số lượng ca nhiễm mỗi ngày sẽ giảm và việc đi lại sẽ được nới lỏng vào cuối tháng 9. Nhờ vậy, nhu cầu tín dụng sẽ tăng trở lại vào cuối quý IV/2021. Nhìn về năm 2022, lãi suất thấp sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng khi tiêu dùng trong nước dần hồi phục sau đại dịch. Những khoảng trống tăng trưởng sẽ được bù đắp trong các quý tiếp theo khi hoạt động sản xuất kinh doanh vận hành bình thường trở lại.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh TPHCM cho hay: Tín dụng trên địa bàn Thành phố tăng trưởng chậm lại trong quý III là do đợt dịch bùng phát lần thứ 4 nhưng tình hình tín dụng vẫn có điểm tích cực, nhất là tín dụng trung, dài hạn vẫn chiếm tỷ trọng cao hơn trong tổng dư nợ tín dụng. Tình hình dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát, cộng thêm kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TPHCM được dự báo sẽ phục hồi trở lại trong quý IV.
“Việc giảm lãi suất, giảm phí, cơ cấu lại nợ để hỗ trợ DN, hộ kinh doanh theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN sẽ giúp DN vượt khó để phục hồi và tăng trưởng. Ngành ngân hàng thành phố cũng sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động đối thoại gỡ vướng, kết nối ngân hàng-DN, đưa cơ chế chính sách vào thực tiễn cuộc sống”, ông Nguyễn Hoàng Minh cho hay.
Trao đổi với báo chí, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng: Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nền kinh tế đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong 9 tháng đầu năm 2021, nền kinh tế vĩ mô vẫn bảo đảm ổn định và có điểm sáng.
Trong đó, lạm phát vẫn duy trì ở mức thấp, tăng trưởng không đạt kỳ vọng nhưng tổng thể vẫn là khá cao nếu so với các nước trong khu vực và thế giới. Cán cân thanh toán tổng thể thặng dư, tạo điều kiện gia tăng củng cố dự trữ ngoại hối. Thâm hụt ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài được kiểm soát ở mức an toàn cho phép. Thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, lãi suất cho vay giảm, tỷ giá ổn định, thanh khoản của hệ thống ngân hàng bảo đảm.
Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng thẳng thắn chỉ ra những rủi ro đối với nền kinh tế, cần hết sức quan tâm trong điều hành chính sách tiền tệ. Đó chính là tuy tình hình lạm phát hiện tại ổn định nhưng các áp lực lạm phát từ bên ngoài lớn. Tình hình khó khăn có thể khiến cán cân thương mại chuyển từ thặng dư sang thâm hụt. Tác động của dịch khiến nhiều người dân, DN gặp khó khăn khi trả nợ, dẫn đến nguy cơ nợ xấu ngân hàng tăng.
Do đó, người đứng đầu ngành ngân hàng khẳng định: Từ nay đến cuối năm, NHNN tiếp tục kiên định điều hành bám sát theo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
“Đồng thời, trong bối cảnh phải căng sức thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN, không chủ quan các diễn biến lạm phát, bảo đảm an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng. Chúng tôi sẽ kết hợp đồng bộ công cụ, giải pháp chính sách tiền tệ linh hoạt, bảo đảm ổn định tỷ giá và ngoại hối…”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Theo Cổng TTĐT Chính phủ