ClockChủ Nhật, 01/01/2023 07:15

Kinh tế - xã hội năm 2022: Bứt phá ấn tượng

TTH - 2022 dù là năm vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh, thiên tai, song kinh tế - xã hội Thừa Thiên Huế đã có những bứt phá ấn tượng.

2023 - Năm tăng tốc, tạo bứt phá trong phát triểnCơ hội để bứt phá

Chỉ số tiêu dùng tăng là tín hiệu cho thấy nền kinh tế có những phục hồi tốt

100% chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Ấn tượng nhất trong báo cáo phát triển kinh tế - xã hội năm nay là tất cả 14 chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch ở cả 3 lĩnh vực: Kinh tế, xã hội và môi trường. Ấn tượng nhất là tốc độ tăng GRDP ở mức từ 8,5-9%, cao hơn mức trung bình cả nước gần 1% và hơn mức dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) khoảng 2%. Tiếp đến là thu ngân sách cũng vượt hơn 85% dự toán, tăng 12% so với cùng kỳ, tương đương con số thu hơn 12.000 tỷ đồng.

Theo ngành thuế, các khoản thu tốt của năm nay bao gồm thu từ tiền thuê đất, DN có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, xổ số kiến thiết, lệ phí trước bạ… Để có kết quả đó, tỉnh, các ban, ngành, địa phương, nhất là ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để tạo nguồn thu cũng như chống thất thu thuế ở nhiều lĩnh vực, đồng loạt áp dụng hóa đơn điện tử…

Hoạt động xuất, nhập khẩu cũng có những tăng trưởng tốt, vượt 9% kế hoạch, tăng 11,4%, ước đạt 1.230 triệu USD. Theo đó, Thừa Thiên Huế đã xuất khẩu đến 44 quốc gia, với các sản phẩm chủ lực là dệt may, gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Tuy vậy, hiện lĩnh vực này vẫn đang gặp một số khó khăn do thiếu đơn hàng. Song, đây là khó khăn chung của cả nước và thế giới do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine, dịch bệnh làm ảnh hưởng chuỗi cung ứng...

Với lĩnh vực du lịch dịch vụ, dù chưa đạt như kỳ vọng, song vẫn vượt chỉ tiêu đề ra 12,5%. Đây cũng là năm đầu tiên sau hai năm gián đoạn do đại dịch, Thừa Thiên Huế đón đoàn khách tàu biển đầu tiên cập cảng Chân Mây. Tín hiệu này mở ra những cơ hội tốt cho mùa du lịch năm tới. Hiện, đường phố Huế đã không còn vắng bóng khách tây như hai năm trước. Họ đã và đang tới Huế và Việt Nam - thành phố và đất nước được đánh giá an toàn, là điểm đến lý tưởng sau đại dịch.

Có lẽ nói về sự phục hồi thì chỉ tiêu ở lĩnh vực bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng xã hội sẽ phản ánh đầy đủ nhất mức sống của người dân. Đáng mừng là năm qua, chỉ tiêu này ở Thừa Thiên Huế tăng cao hơn mức trung bình cả nước khoảng 3%, tương đương với mức tăng 20,4%, vượt 16,3% kế hoạch với hơn 52.000 tỷ đồng. Chỉ khi có đời sống ổn định, thu nhập tốt họ mới mạnh tay chi tiêu cho các dịch vụ tiêu dùng, hàng hóa, tất nhiên ngoại trừ hàng hóa thiết yếu.

Cho mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

2023 là năm được đánh giá có vai trò quyết định trong việc thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội để đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm 2020-2025. Một trong những mục tiêu quan trọng đó có xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Thuận lợi là Thừa Thiên Huế có sự ủng hộ từ Trung ương, các bộ, ngành. Vấn đề còn lại là từ nội lực của địa phương. Xác định tầm quan trọng đó, tỉnh đã triển khai khá nhiều các chủ trương, đề án, dự án… để tạo động lực cho phát triển, như thu hút đầu tư, mở rộng, nâng cấp nhà ga, bến cảng, đầu tư cho hạ tầng đô thị…

Có thể kể tên một vài dự án tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và thay đổi diện mạo đô thị động lực Huế và các đô thị vệ tinh, như: Nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài, đầu tư đê chắn sóng - giai đoạn 2 tại cảng Chân Mây; đầu tư tuyến đường Tố Hữu nối dài đến sân bay Phú Bài; đường Phú Mỹ - Thuận An, Cam Lộ - La Sơn, khởi công cầu Nguyễn Hoàng bắc qua sông Hương…

Lãnh đạo tỉnh nhìn nhận, năm 2023 sẽ cần rất nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là lĩnh vực hạ tầng đô thị để tạo diện mạo mới cho đô thị Huế. Vì lẽ đó, ngân sách tỉnh sẽ cần có thêm nhiều nguồn thu. Ngoài những lĩnh vực có thế mạnh như thu ở lĩnh vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh, khoáng sản, phí và lệ phí… để tạo được nguồn thu bền vững và có tính chiến lược, không có gì tốt hơn bằng kêu gọi được doanh nghiệp lớn đến đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh. Có thể nói, năm 2022, tỉnh đã bước đầu thay đổi một số cơ chế, chính sách, cách thức để kêu gọi đầu tư. Và 2023 được lãnh đạo tỉnh đặt mục tiêu sẽ còn đổi mới hơn nữa trong kêu gọi đầu tư để thu hút được những doanh nghiệp, thương hiệu lớn được ví như “con sếu đầu đàn” và đại bàng đến “làm tổ”.

Bởi xét trên bình diện tăng trưởng, có thể thấy 2022 là một năm thành công, khi cả 14/14 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch. Tuy nhiên, so với cả nước, hoặc một số địa phương có thế mạnh tương đồng thì nhiều chỉ tiêu của Thừa Thiên Huế chưa cao. Điều đó có nghĩa là chất lượng tăng trưởng chưa như kỳ vọng. Có thể kể tên một số chỉ tiêu như, GRDP bình quân đầu người chỉ đạt 2.405 USD, trong khi bình quân cả nước con số này đã là 3.869 USD/người. Điều đó chứng tỏ thu nhập bình quân trên đầu người của Thừa Thiên Huế còn thấp. 

Đối với công tác thu ngân sách, dù chúng ta đạt hơn 12.000 tỷ đồng/năm 2022, song chưa nói những địa phương có thế mạnh về công nghiệp, sản xuất, chỉ những địa phương ở khu vực miền Trung, thậm chí không có nhiều thế mạnh về du lịch, dịch vụ, tài nguyên, đầm phá... như Nghệ An, nhưng nguồn thu ngân sách năm 2022 đạt hơn 20.350 tỷ đồng; hay Bình Định dù là tỉnh mới nổi về du lịch nhưng đã có nhiều bứt phá trong thu ngân sách với 16.500 tỷ đồng, tăng 2.000 tỷ đồng so với năm 2021. Riêng Quảng Ngãi và Quảng Nam luôn là hai địa phương trong top dẫn dầu thu ngân sách trong khu vực miền Trung lần lượt là 34.167 tỷ đồng và 19.300 tỷ đồng.

Lĩnh vực du lịch dịch vụ, dù có những tăng trưởng đáng mừng trong năm qua, nhưng so với thời điểm chưa xảy ra dịch, ngành du lịch - dịch vụ Huế vẫn tăng trưởng chưa như kỳ vọng. Dù là thế mạnh, song có lẽ cũng cần cả những chủ trương, chính sách, cách làm mới, cụ thể, thiết thực hơn thì mới có thể kỳ vọng cho nguồn thu ngân sách năm 2023 cũng như giải quyết việc làm, an sinh xã hội...

Cùng với đó, cũng cần có những cải cách mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực hành chính. Làm thế nào đó, để mỗi khi nhắc đến Huế người ta chỉ nhớ đến sự thân thiện, nhiệt tình. Phải làm sao để khi muốn xê dịch, muốn đầu tư, cái tên người ta nghĩ ngay đến phải là Huế, thì lúc đó du lịch, dịch vụ mới thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghiệp mới có những nhà máy lớn, những công trình to… Lúc đó, ngân sách mới không lo thiếu nguồn thu bền vững.

Bài, ảnh: Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội

Đó là yêu cầu của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình tại phiên họp Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh nhằm đánh giá kết quả hoạt động quý I/2024 và triển khai nhiệm vụ các tháng còn lại năm 2024, tổ chức chiều 17/4.

Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội
IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa nâng triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay, đồng thời duy trì dự báo ảm đạm trong trung hạn, theo dữ liệu mới được công bố ngày 16/4.

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

TIN MỚI

Return to top