|
Du khách tham quan lăng vua Gia Long trải nghiệm dịch vụ xe đạp. Ảnh: Bảo Minh |
Trong những năm gần đây, kinh tế xanh đang dần trở thành kim chỉ nam trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội - môi trường bền vững. Cùng với tinh thần khẩn trương từ Thủ tướng Chính phủ, kinh tế xanh là xu hướng theo đuổi bắt buộc của Việt Nam, địa phương và doanh nghiệp. TP. Hồ Chí Minh xác định kinh tế xanh là chìa khóa để đạt mục tiêu tăng trưởng cao; TP. Đà Lạt đi đầu thúc đẩy tăng trưởng xanh; tỉnh Hà Tĩnh thuộc nhóm đi đầu tăng trưởng xanh; TP. Hải Phòng mong muốn lập khu kinh tế xanh đầu tiên của Việt Nam. Trong năm 2022, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) và Nhóm công tác Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức hội nghị “Gặp gỡ Thừa Thiên Huế xanh: Xác định tương lai tăng trưởng kinh tế xanh". Bốn lĩnh vực xanh được ưu tiên bao gồm: Du lịch, nông nghiệp, năng lượng và môi trường.
Qua gần 2 năm kể từ hội nghị trên, thuật ngữ kinh tế xanh đã không còn là khái niệm mà đã đi vào nhận thức của doanh nghiệp, người dân; nhiều diễn đàn thảo luận nghiên cứu đã làm rõ hơn hướng đi phù hợp cho Việt Nam. Các địa phương cũng thực hiện những hành động thiết thực tác động tích cực đến môi trường. Các tổ chức tài chính trong và ngoài nước cũng vào cuộc cung cấp tài chính xanh và tài chính carbon. Trong chuyển đổi giao thông xanh, Huế, TP. Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội cùng nhiều thành phố khác đã triển khai xe đạp, xe đạp điện công cộng; quy hoạch đường dành riêng cho xe đạp. Ngoài ra, xe buýt điện, ô tô điện cũng là phương tiện được người dân ưu tiên sử dụng với nhận thức giảm thải ô nhiễm môi trường. Gần đây nhất, Nghị định 80/2024/NĐ-CP cho phép dự án điện mặt trời mái nhà, điện gió, sinh khối có thể được mua bán trực tiếp không qua EVN là bước khởi đầu quan trọng để chuyển đổi năng lượng sạch như năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Trong du lịch, các công ty lữ hành đã tổ chức tour du lịch thân thiện với môi trường, giảm rác thải như sử dụng chai, cốc dùng nhiều lần, thực dưỡng, sử dụng xe đạp du lịch…
|
Mô hình trồng cà chua nhà lưới. Ảnh: NGỌC HÒA |
Nhìn ra phạm vi thế giới, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng hóa, tiếp cận thị trường rộng lớn thì sản phẩm dịch vụ phải đạt tiêu chí thân thiện môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn giảm thải carbon.Theo khảo sát năm 2023 của Nielsen IQ cho thấy, 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết xanh và sạch, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường. Đó cũng là lý do các doanh nghiệp Việt ngày càng quan tâm đến sản xuất và tiêu dùng bền vững. Tại Huế, chúng ta dễ dàng nhận thấy người tiêu dùng có xu hướng dịch chuyển mua sắm tại siêu thị thay cho chợ truyền thống, các sản phẩm được yêu thích và luôn “cháy” hàng là rau củ quả sạch.
Từ các bằng chứng trên chúng ta có thể tin rằng, kinh tế xanh là một hành trình dài, đầy thách thức nhưng cũng đầy trái ngọt: Thúc đẩy phát triển kinh tế cao và bền vững, bảo vệ được môi trường, nâng cao chất lượng sống cho người dân. Đối với Thừa Thiên Huế, chúng ta đã hình thành được một phần nền tảng tốt để phát triển kinh tế xanh. Ngành du lịch Huế phát triển dựa trên nền tảng văn hóa - di sản, du lịch sinh thái; nền nông nghiệp cũng đã hình thành nhiều sản phẩm OCOP chất lượng, đang mở rộng theo hướng nông nghiệp tuần hoàn; môi trường Huế đang được cải thiện hơn với các dự án thu gom rác, tái chế rác hiệu quả. Tuy nhiên, con đường để kinh tế xanh đóng vai trò là động lực trong phát triển kinh tế nhanh và bền vững còn dài, lĩnh vực kinh tế xanh ngày càng được mở rộng. Thách thức lớn mà Huế đang đối mặt đó là nguồn lực về tài chính và nguồn nhân lực xanh, công nghệ sản xuất hiện đại như: Công nghệ chế biến sâu nông nghiệp tuần hoàn; nhận thức của doanh nghiệp và người dân về kinh tế xanh còn hạn chế nên quá trình chuyển đổi sản xuất - tiêu dùng xanh còn chậm.
Về cơ hội, Huế đang được sự hỗ trợ chuyển đổi xanh từ các tổ chức quốc tế có nguồn lực về tài chính và kinh nghiệm. Một gợi ý của Amcham phù hợp với tỉnh là tập trung trước tiên vào quản lý đô thị về xây dựng, năng lượng tái tạo và đổi mới sáng tạo. Với những thành tựu đã đạt được trong xây dựng đô thị thông minh, đô thị xanh, Huế có đủ tiềm năng để phát triển đô thị xanh. Từ đô thị xanh, Huế tạo tiền đề để chuyển đổi giao thông xanh, năng lượng xanh, tiêu dùng xanh. Hình thành sản xuất dịch vụ xanh trong ngành nông nghiệp, du lịch và phát triển thị trường tiêu dùng xanh.
Mặc dù tỉnh đang nỗ lực phát triển kinh tế xanh trên nhiều lĩnh vực nhưng sự tham gia của doanh nghiệp chưa nhiều, nhận thức người dân chưa cao. Đó là thách thức lớn cho việc hình thành chuỗi sản xuất – tiêu dùng xanh, thúc đẩy kinh tế xanh mang tính khả thi. Chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, khuyến khích sự tham gia của người dân và doanh nghiệp sản xuất - tiêu thụ sản phẩm xanh. Kết nối cung cầu sản phẩm xanh sẽ tạo niềm tin để doanh nghiệp đầu tư xanh tại Huế và tính khả thi của thị trường xanh thúc đẩy tài chính xanh từ các tổ chức quốc tế, ngân hàng.
Rất mong những người thân, người bạn, người hàng xóm được truyền tải đầy đủ hơn về tri thức kinh tế xanh để người dân Huế cùng chung tay góp sức với chính quyền phát triển đô thị xanh giàu mạnh.