Hiện trường vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp do các phương tiện phun bê tông
Thời điểm cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) ghi nhận nhiều trường hợp có mức tiêu thụ điện tăng bất thường, khiến khách hàng phải chi trả tiền điện rất cao.
Như ở Phú Vang, qua theo dõi trên chương trình RF - Spider, phát hiện khách hàng P. H. H. ở tại thôn Hà Úc (Vinh An), khách hàng N. T. ở thôn 3 (Vinh Thanh) có sản lượng điện tiêu thụ cao bất thường. Sau khi kiểm tra, phát hiện đường dây sau công tơ của khách hàng bị chạm, chập.
Một trường hợp khác là khách hàng P.T. C. ở thôn Trường Hà (Phú Đa), sau khi thấy sản lượng điện tăng đột biến, đơn vị đã cử người đến kiểm tra và phát hiện dây sau công tơ của khách chạm vào mái tôn trên trần nhà, gây mất an toàn điện.
Việc phát hiện sớm, qua đó kịp thời hỗ trợ khách hàng xử lý các điểm chạm chập dây sau công tơ là nhờ sử dụng “Chương trình giám sát sản lượng điện” để rà soát, theo dõi kiểm tra khi sản lượng điện của khách hàng có biến động bất thường. Bên cạnh đó, khách hàng có thể cài đặt ứng dụng “EVNCPC CSKH” để theo dõi mức tiêu thụ điện hàng ngày và nhanh chóng báo cho nhân viên điện lực khi phát hiện mức tiêu thụ điện tăng bất thường, ông Trần Duy Hưng – Giám đốc Điện lực Phú Vang thông tin thêm.
Liên quan đến an toàn điện, cũng trong thời điểm cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Điện lực Bắc sông Hương phát hiện nhiều trường hợp thi công công trình đã vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ).
Đơn cử, tại đường Lê Duẩn, trong quá trình kiểm tra hiện trường, Điện lực Bắc sông Hương phát hiện hộ gia đình ông N. H. đang thi công giàn giáo để xây dựng nhà tại vị trí giữa của khoảng cột 99-100 thuộc xuất tuyến 22kV 475 Huế 2 đang vận hành mang điện.
Tại hiện trường, khoảng cách từ điểm gần nhất của giàn giáo đến đường dây trung áp 22kV là 1,9 mét, có nguy cơ vi phạm khoảng cách HLATLĐ theo quy định (theo Nghị định 14/2014/NĐ-CP, quy định khoảng cách 1m đối với dây dẫn có bọc cách điện).
Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, Điện lực Bắc Sông Hương đã đề nghị gia đình ông H. dừng thi công và không tự ý cơi nới giàn giáo về phía đường dây; trong quá trình vận chuyển vật liệu, xây dựng, lợp nhà… phải đảm bảo khoảng cách an toàn; cam kết chịu mọi trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố hư hỏng thiết bị, công trình điện, tai nạn về người do vi phạm HLATLĐ trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương.
Một trong những vi phạm HLATLĐ điển hình khác là các xe cẩu vươn vòi phun bê tông cho các công trình xây dựng. Chỉ riêng trên địa bàn quản lý lưới điện của Điện lực Bắc sông Hương, năm 2022, số vụ việc tương tự chiếm hơn 80% (29/36 vụ) tổng số vụ vi phạm HLATLĐ.
Theo ông Nguyễn Văn Thái Hưng – cán bộ an toàn chuyên trách Điện lực Bắc sông Hương, trong quá trình triển khai, các vòi phun này hoạt động, vận hành rất gần với các đường dây điện đang mang điện với khoảng cách từ 1,2 đến 1,5m, do đó, đơn vị thi công có thể gây sự cố, tai nạn điện và nguy cơ đình trệ cung cấp điện cho khách hàng.
Để đảm bảo an toàn điện, Điện lực Bắc sông Hương đã gửi thông báo an toàn và hướng dẫn chủ đầu tư, đơn vị thi công nhận biết mức độ nguy hiểm và ảnh hưởng của việc thi công gần lưới điện trên tuyến đường dây trung áp 22kV cấp điện khu vực nếu không tuân thủ đúng quy định. Điện lực cũng đã yêu cầu các tài xế, nhân viên của đơn vị thi công phải dừng thi công và đưa phương tiện ra khỏi HLATLĐ cao áp.
Ngoài những vụ việc trên, một số hành vi khác, như: lắp đặt bảng hiệu quảng cáo, trồng cây xanh hay treo cây nêu... cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra các sự cố lưới điện, làm gián đoạn việc cung cấp điện, hư hỏng các thiết bị điện. Thậm chí một số trường hợp có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng về người.
Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG