ClockThứ Hai, 14/02/2022 06:50

Kỳ vọng vào chính sách mới

TTH - Gói tài chính có quy mô 350.000 tỷ đồng vừa được Quốc hội thông qua và những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) của tỉnh triển khai sẽ là cú hích mạnh mẽ giúp DN phát triển, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế sớm phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2022.

Huy động ngân sách/GRDP thấpChưa chạm “điểm nghẽn” của doanh nghiệp

Tranh hoa giấy May paperflower nhận được khá nhiều sự hỗ trợ từ các sở, ngành

Nhiều khó khăn sẽ được tháo gỡ

Tại hội nghị bàn về giải pháp phục hồi kinh tế và hỗ trợ DN mới đây, nhiều thông tin tích cực đã được đại diện các ban, ngành, cộng đồng DN chia sẻ với nhiều kỳ vọng mới. Trong đó, gói tài chính với tổng quy mô lên tới 350.000 tỷ đồng, tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực phòng, chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội; hỗ trợ các DN, HTX, hộ kinh doanh (HKD)… được cho là dòng tiền có tác động khơi thông nguồn lực phục hồi và phát triển kinh tế.

Theo đó, thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại, Chính phủ sẽ thực hiện hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỷ đồng cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các DN, HTX, HKD có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi vay vốn. Thực hiện các biện pháp liên quan đến chính sách tiền tệ như giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn; tiếp tục giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1% trong 2 năm 2022 và 2021; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch...

Đồng thời, cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 5.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách cho vay ưu đãi; hỗ trợ lãi suất cho đối tượng vay vốn theo các chương trình tín dụng chính sách có lãi suất cho vay hiện hành trên 6%/năm. Một điểm đáng chú ý trong gói hỗ trợ này chính là, sẽ giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% kể từ tháng 2 đến hết năm cho một số hàng hóa dịch vụ hiện đang có thuế suất 10%.

Thông qua hệ thống ngân hàng, Chính phủ sẽ bổ sung nguồn lực thực hiện hỗ trợ giảm lãi suất cho vay

Chủ tịch Hiệp hội DN Dương Tuấn Anh cho rằng, các chính sách tài khóa liên quan tới việc hỗ trợ lãi suất, bổ sung nguồn vốn ưu đãi được xem là giải pháp giúp DN vực dậy trong thời điểm khó khăn như hiện nay. Riêng về chính sách giảm thuế này được kỳ vọng sẽ giúp giá thành sản phẩm, dịch vụ giảm theo, từ đó kích thích tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Chính vì vậy, đây được xem là chính sách cần thiết để vực dậy nền kinh tế đang khó khăn do dịch COVID-19.

Bên cạnh các chính sách vĩ mô này, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã và đang đề xuất xây dựng một số chính sách quan trọng bám sát vào các chính sách trên như: giảm thêm 2% thuế suất GTGT trong năm 2022, 2023 cho các đối tượng đã được Trung ương hỗ trợ; hỗ trợ thêm 2% lãi suất cho các DN, HTX, HKD; bổ sung 100 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để cho vay giải quyết việc làm, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đồng thời ban hành quy định hỗ trợ phát hành chứng thư bảo lãnh (bằng 50% giá trị khoản vay) cho các DN đã được tổ chức tín dụng thẩm định và quyết định cho vay theo quy định của pháp luật về cho vay của tổ chức tín dụng.

Mục tiêu tăng trưởng 7,5% sẽ không xa

Không thể phủ nhận, các chính sách tài chính trong năm 2021 đã thực sự là cú hích trong phát triển kinh tế. Nhờ đó, thu ngân sách trên địa bàn có những tăng trưởng ở mức 11.330 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Kết quả này ngoài nỗ lực trong công tác kiểm soát dịch bệnh thì việc tác động từ các chính sách từ vĩ mô đến vi mô là một điều rất quan trọng.

Chỉ tính riêng chính sách thuế, đến cuối năm 2021 đã gia hạn 1.106 đơn đề nghị, với số tiền 723 tỷ đồng; giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với DN, HTX, đơn vị sự nghiệp và tổ chức có doanh thu dưới 200 tỷ đồng/năm, với số thuế TNDN được giảm khoảng 27,5 tỷ đồng. Ngoài ra, trong năm 2021, Cục Thuế tỉnh đã giảm tiền thuê đất khoảng 36 tỷ đồng; giảm thuế theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 và Nghị định số 92/2021/NĐ-CP với số tiền 110 tỷ đồng… cho các đối tượng liên quan.

Cùng với đó, các tổ chức tín dụng đều triển khai các chương trình đồng hành hỗ trợ DN với mức giảm lãi suất từ 1 đến 2%, triển khai cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi cho các khách hàng gặp khó khăn.

Những giải pháp này đã phần nào làm bàn đạp cho sự phát triển kinh tế trong năm 2021. Và dự báo trong năm 2022, các chính sách mới vừa được thông qua sẽ là cú hích và mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 6,5 - 7,5%; thu ngân sách phấn đấu đạt 12.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD sẽ không quá xa vời, khi các chính sách này đi vào cuộc sống.

Theo ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước, Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được ban hành trong bối cảnh tỷ lệ phủ vắc-xin cao, tốc độ tiêm chủng nhanh và chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đây cũng là những nền tảng quan trọng để Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2022. Vấn đề đặt ra vào lúc này là làm sao để nguồn lực hỗ trợ đi được đúng nơi, đúng đối tượng cần thiết, giúp cho tăng trưởng kinh tế thực chất và hiệu quả, tránh những rủi ro cho nền kinh tế.

Bài, ảnh: HOÀNG LOAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng

Ngày 20/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết vừa phối hợp với Công an huyện Nam Đông phá chuyên án liên quan đến hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo, xâm phạm sở hữu công nghiệp các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam.

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng
Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Return to top