Các tàu cá ở thị trấn Thuận An vươn khơi, bắt đầu mùa vụ mới
Hàng năm, cứ đến lúc mãn mùa vụ vào trung tuần tháng 9 âm lịch, các chủ tàu lại đến động viên bạn tàu trước khi bước vào kỳ nghỉ đông. Điều này không chỉ thể hiện tình cảm giữa chủ và bạn tàu sau một năm dài cùng nhau lao động mà còn là cách để chủ tàu “níu” chân lao động cho vụ mùa năm sau.
Thuyền trưởng Trần Văn Cường, Chủ nhiệm CLB Ngư dân trẻ vươn khơi bám biển thị trấn Thuận An cho biết: “Sau mỗi chuyến đánh bắt dài ngày, dù được mùa hay mất mùa, các chủ tàu cũng thường đến các gia đình bạn tàu để động viên, thăm hỏi. Việc giữ chân bạn tàu là yếu tố then chốt để bắt đầu một chuyến đánh bắt mới”.
Không như các tỉnh, thành miền Trung khác, tại Thừa Thiên Huế, sau Tết Nguyên đán, lực lượng lao động đi biển, đánh bắt trên các tàu cá xa bờ không thiếu hụt. Nhiều tàu cá được đóng mới đã tạo ra nhiều việc làm cho những lao động nhàn rỗi ở các địa phương.
Thuận An là một trong những địa phương có số lượng tàu cá lớn nhất tỉnh. Vừa qua, các ngư dân đã làm lễ xuất quân đánh cá vụ Nam. Theo ông Ngô Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An, những năm gần đây, lực lượng lao động biển tại địa phương có phần “già hóa” nhưng vẫn ổn định, đảm bảo cho việc vươn khơi đánh bắt. Từ trước tết, các chủ tàu đã chủ động nguồn nhân lực để sẵn sàng cho mùa vụ mới. Qua khảo sát sau lễ xuất quân, hầu như các tàu đều đầy đủ lực lượng; chưa có trường hợp nào thiếu hụt bạn tàu.
Năm 2017, toàn tỉnh có 40/45 tàu cá được phê duyệt nguồn hỗ trợ đóng mới. Trong đó có 4 tàu vỏ thép công suất trên 829CV và 36 tàu vỏ gỗ công suất từ 400- 800CV. Hiện nay, tàu có công suất từ 400CV trở lên là 200 chiếc và 52 tàu có công suất từ 800CV trở lên. Trung bình mỗi tàu cá cần khoảng 10 bạn tàu, nên lực lượng lao động biển là khá lớn. Để không thiếu hụt, các chủ tàu cần phải nắm bắt tâm lý của bạn tàu. Đồng thời, đầu tư, cải hoán tàu cá qua từng năm để thu hút nguồn lao động.
“Những tàu cá ăn nên làm ra, có đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại thường được bạn tàu chọn đi. Nếu tàu cá làm ăn thua lỗ liên tục thì bạn tàu sẽ bỏ sang những tàu cá khác để làm việc. Mỗi năm, đến Tết Nguyên đán các chủ tàu thường đến các gia đình bạn tàu để tặng quà, đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí để trang trải trong dịp tết. Sau Tết Nguyên đán, các bạn tàu thường gặp khó khăn nên chúng tôi cũng ứng trước lương cho họ trước khi bắt đầu mùa vụ mới. Đối với những tàu cá đánh bắt xa bờ, bên cạnh chủ động nguồn nguyên liệu, ngư lưới cụ thì bạn tàu cũng phải “đặt cọc” từ trước”, ngư dân Trần Văn Dũng (thị trấn Thuận An), chia sẻ.
Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, hiện nay thu nhập từ việc đánh bắt trên các tàu cá xa bờ khá cao nên thu hút những lao động trẻ tham gia. Lao động đi biển ở các tàu vỏ gỗ truyền thống vẫn đảm bảo, song tàu vỏ thép của ngư dân Trần Văn Chiến tại địa phương lại thiếu lao động.
“Tàu vỏ thép của ngư dân Trần Văn Chiến thiếu lao động vì trải qua một năm đánh bắt sản lượng không cao nên không thu hút được bạn thuyền. Để giải quyết vấn đề này, anh Chiến từng bước chuyển đổi ngư lưới cụ để phù hợp với việc đánh bắt, qua đó thu hút nguồn nhân lực trở lại”, ông Tùy nói.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh (Sở NN&PTNT) thông tin: “Cũng như các năm trước, nguồn lao động đi biển sau tết vẫn ổn định. Tâm lý bạn tàu thường chọn những tàu cá làm ăn được, nên cũng có một số tàu cá thiếu nguồn lao động. Việc đánh bắt phụ thuộc vào kinh nghiệm, kỹ năng và sự đầu tư của từng chủ tàu. Để không thiếu nguồn nhân lực, các chủ tàu cần có sự đầu tư cũng như phương pháp đánh bắt hợp lý nhằm thu hút bạn tàu”.
Bài, ảnh: Lê Thọ