Tập trung thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng và đổi mới công nghệ, tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân… là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Theo đánh giá, tình hình thời gian qua có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là cuối tháng 10, đầu tháng 11 khi cạnh tranh chiến lược vẫn diễn ra gay gắt, áp lực lạm phát trên toàn cầu, chính sách chống lạm phát của các nước tác động tới toàn cầu, trong khi quy mô nền kinh tế Việt Nam còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu có hạn, một biến động nhỏ bên ngoài cũng tác động lớn tới bên trong. Giá nguyên, vật liệu, xăng dầu tiếp tục không ổn định, biến động. Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam bị thu hẹp.
Những bất lợi trên đã tác động rất lớn đến nền kinh tế trong nước, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát, đồng hành của Quốc hội, sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, nước ta vẫn giữ vững ổn định, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát trong tầm kiểm soát (tăng 3,02% so với cùng kỳ năm 2021); tăng trưởng GDP đạt 8% (theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 15); cán cân thương mại ước tính xuất siêu 10,6 tỷ USD… Riêng Thừa Thiên Huế, mức tăng trưởng kinh tế đạt cao hơn bình quân chung của cả nước (8,56%); thu ngân sách vượt kế hoạch đề ra, ước đạt gần 13 nghìn tỷ đồng.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, những yếu tố bất lợi trên sẽ tác động mạnh hơn trong tháng cuối năm 2022 và quý 1 năm 2023. Bởi, với các thị trường lớn và truyền thống của Việt Nam, như EU, Mỹ, Nhật Bản… thời điểm mua sắm cuối năm đã cận kề và các nhà nhập khẩu đã chuẩn bị đủ hàng cho nhu cầu thị trường. Việc nhập thêm hàng hóa là rất hạn chế, còn chuẩn bị hàng cho năm mới thì các nhà nhập khẩu vẫn đang nghe ngóng thị trường để tránh tồn kho. Điều này sẽ tiếp tục tác động mạnh đến sản xuất trong nước, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu, khiến tình hình thiếu đơn hàng sẽ còn tiếp diễn, gây áp lực lên thị trường lao động và vấn đề an sinh xã hội của nước ta.
Để ứng phó với tình trạng trên, cùng với sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cũng cần linh hoạt hơn trong việc tìm kiếm thị trường mới, thử nghiệm các sản phẩm mới với các yêu cầu cao hơn nhằm đa dạng hóa thị trường và đón đầu xu hướng tiêu dùng mới, tiêu dùng xanh của các thị trường khó tính. Đồng thời, nghiên cứu sản xuất phục vụ nhu cầu nội địa theo tiêu chí hàng tiêu thụ trong nước phải tốt, bền, đẹp và giá cả hợp lý bằng hoặc hơn hàng hóa xuất khẩu, chứ không phải là hàng lỗi mốt, hàng xuất khẩu không đạt yêu cầu mới tiêu thụ nội địa. Bởi, với dân số khoảng 100 triệu, tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều, sức mua ngày càng lớn, thị trường nội địa còn rất nhiều dư địa để khai phá.
Thị trường Trung Quốc vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu hàng hóa của nước ta, chủ yếu là hàng nông, lâm, thủy sản (xuất khẩu rau quả năm 2021 chiếm 56% tổng xuất khẩu rau quả của cả nước). Hiện nay, Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng thích nghi, sống chung với COVID-19 sẽ tạo nhiều thuận lợi cho việc xuất khẩu sang thị trường giàu tiềm năng này. Tuy nhiên, hiện các quy định về nhập khẩu nông sản của Trung Quốc ngày càng khắt khe, yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm ngày càng cao và chặt chẽ.
Để vào thị trường này, trong khi con đường xuất khẩu tiểu ngạch ngày càng hẹp dần, các doanh nghiệp, người sản xuất trong nước cần có sự chuyển đổi phương thức sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tiên tiến, đăng ký mã vùng trồng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm mới có thể đáp ứng xuất khẩu chính ngạch. Đây cũng là yêu cầu chung của các thị trường lớn, nên dù khó cũng phải từng bước thay đổi tư duy và phương thức sản xuất để bắt kịp với xu hướng, yêu cầu của thị trường thế giới, đảm bảo phát triển bền vững.
Hoàng Minh