Ngồi chiêm nghiệm và mạnh dạn nêu ra suy nghĩ của mình, về du lịch. Trước tiên là nghĩ về Hội An. Hội An thì quá nức tiếng về một điểm đến, đặc biệt là với du khách nước ngoài. Tôi có nhiều kỳ nghỉ ở Hội An và bây giờ nếu có dịp đi du lịch, Hội An vẫn là một sự lựa chọn.
Khó có thể cắt nghĩa một cách rốt ráo về sức hấp dẫn của Hội An, điều này có lẽ dành cho các chuyên gia về nghiên cứu văn hóa và du lịch, thậm chí nhà những nhà kinh tế. Nhưng với riêng tôi, sức hấp dẫn đặc biệt của Hội An là nó có “hồn” trong lòng đô thị. Bề ngoài là một đô thị cổ, rất tập trung và rất đặc trưng. Chứa đựng trong nó là con người phố Hội với giọng nói cũng đặc trưng không kém. Tính chân tình, chân chất, hiền hòa, gần gũi… lại càng dễ nhận thấy.
Đến đây, chúng ta thấy một thành phố du lịch có “lõi”. Lõi của nó chính là đô thị cổ. Trong đô thị cổ có một đời sống chân chất và không kém phần sinh động. Có phải vậy không mà nó đặc biệt thu hút khách nước ngoài, nhất là khách phương Tây?
Với khách phương Tây, cái đẹp về sự cổ kính đối với họ không thiếu. Họ qua du lịch châu Á để tìm kiếm cái gì? Phải chăng cái mà họ thấy khác biệt chính là đời sống thường nhật, có vẻ “quê quê”, “chậm tiến”… của người phương Đông và quang cảnh “kém hiện đại” nữa. Hội An có vẽ hiểu rõ điều này nên sinh ra “các món” chèo thuyền thúng, hái lá dừa nước, trồng rau, đi cày ruộng… Chúng ta bắt gặp nhan nhản ở Hội An là những ngôi nhà lá, nhà hàng lá, quán lá. Cái này e rằng phương Tây ít có, mà nếu có đặt ở phương Tây cũng… “chẳng giống ai”. Có phải vậy mà họ đi tìm. Và họ đã tìm thấy ở Hội An?
Tôi đã đi du lịch ở Hàng Châu (Trung Quốc). Hàng Châu thì cũng nức tiếng là một đô thị cổ. Riêng chùa Hàng Sơn với 500 pho tượng phật gắn với bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc của nhà thơ Trương Kế đã là một câu chuyện đầy thú vị. Hàng Châu còn vô số điểm đến hấp dẫn khác, nhưng tôi nghĩ, điều thú vị hơn chính là đô thị cổ Hàng Châu. Đó là những dãy nhà cổ đẹp đến hút hồn. Nơi đây là trung tâm thương mại phục vụ du lịch (cũng giống như Hội An). Người Trung Quốc còn dùng nơi đây như là một phim trường. Tức là Hàng Châu có lõi của thành phố. Thành phố thì rộng nhưng “lõi” chính là phố cổ Hàng Châu.
Giờ nói đến du lịch Huế. Huế cũng là một điểm đến hấp dẫn không kém cạnh nơi đâu ở Việt Nam. Nhưng có vẻ như chúng ta đang xây dựng một đô thị du lịch rộng lớn chứ chưa “có lõi”. Khoan nói về “cái hồn” của đô thị cổ mà nói về không gian. “Lõi” không gian đô thị cổ du lịch Huế nằm ở đâu? Dọc sông Hương, bờ Nam sông Hương, bờ Bắc sông Hương…? Thú thật là chưa rõ. Nếu chúng ta xây dựng được "cái lõi” của đô thị với những nét đặc trưng riêng thì từ đó, nó có sức hấp dẫn và sức lan tỏa mạnh mẽ hơn. Cũng như người ta đến Hội An, gì thì gì chứ phải thăm khu phố cổ; đến Hàng Châu cũng vậy… rồi mới đi đâu thì đi. Ở Hội An thì thăm Thánh địa Mỹ Sơn. Ở Hàng Châu thì thăm thêm Tây hồ, làng trà cổ Long Tỉnh…
Ở Huế, nếu có một cái lõi đô thị thì tôi cho rằng, đó chính là khu vực quanh Đại Nội. Về kiến trúc thì nó như thế nào? Hồi xưa nó ra sao, bây giờ phải xây dựng nó như thế nào… Tất nhiên đây là những câu hỏi quá khó, chỉ có những nhà nghiên cứu, các chuyên gia… tầm cỡ mới có thể chỉ ra được. Tôi thì cứ hình dung nếu như không gian (hiện là những dãy phố) bao quanh Thành nội là những dãy phố cổ, view là Hộ Thành hào, những bức tường rêu phong của Thành nội thì sẽ có sức hấp dẫn biết chừng nào. Biết đâu khi ấy phố đêm không phải là không gian hiện tại mà nó sẽ chuyển về đây?
Nói tóm lại, tôi mơ ước thành phố du lịch Huế có “lõi” của đô thị, có không gian đặc trưng, có một đời sống của đô thị đặc trưng bên trong. Điều này không chỉ dành cho vài hội thảo du lịch, hội thảo về văn hóa… mà còn ở những tham vấn, đóng góp, kiến nghị từ những nhà nghiên cứu, những chuyên gia tầm cỡ...
Nguyên Lê