ClockThứ Bảy, 23/03/2024 12:34

Lực đẩy từ các chương trình mục tiêu quốc gia

TTH - Nguồn vốn tín dụng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh không chỉ góp phần quan trọng tạo chuyển biến trong đời sống của người dân, mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu lớn tỉnh đang theo đuổi.

Đẩy nhanh tiến độ các chương trình mục tiêu quốc giaGiảm nghèo bền vững từ Chương trình mục tiêu Quốc giaNam Đông cần huy động nguồn lực, đẩy nhanh các chương trình mục tiêu quốc gia

Các chương trình tín dụng đều được công khai tại các điểm giao dịch xã 

Cùng người dân thoát nghèo

Toàn huyện A Lưới có 18 xã, thị trấn thì đã có 12 xã và 2 thôn của xã Hồng Thượng thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, với đặc thù 77,5% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, là khó khăn không nhỏ trong tiến trình thực hiện mục tiêu đưa A Lưới thoát khỏi 74 huyện nghèo.

Nhưng với quyết tâm của hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp của nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, mục tiêu này đã không còn quá xa vời. Khi trong 2 năm (2022 - 2023), toàn huyện A Lưới đã có 3.537 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 24,4%, đủ điều kiện để đưa huyện A Lưới thoát khỏi 74 huyện nghèo quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Bà Trần Thị Đơn, thôn Diên Mai, xã A Ngo (huyện A Lưới) là một trong những điển hình minh chứng cho sự đồng hành trong hành trình thoát nghèo của người dân A Lưới. Với sự trợ lực của nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nguồn vốn từ chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bà Đơn đã có những bước đi vững chắc trong hành trình phát triển kinh tế, từ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo và giờ đây là một hộ tiêu biểu trong phát triển kinh tế tại A Ngo.

Theo bà Đơn, nhờ sự đồng hành của chính quyền, nguồn vốn tín dụng chính sách, mình đã nắm bắt cơ hội để phát triển kinh tế. Mình đã cởi bỏ tư tưởng ngại đầu tư, ngại vay vốn phát triển kinh tế để làm chủ chính cuộc sống, kinh tế gia đình. Mình rất biết ơn sự đồng hành, hỗ trợ từ ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn; hội phụ nữ và sự hỗ trợ tận tình của cán bộ NHCSXH giúp mình vươn lên tự khẳng định chính mình.

Hiện, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã và đang thực hiện trên 20 chương trình tín dụng chính sách xã hội. Các chương trình đều phục vụ đắc lực cho các mục tiêu lớn của Trung ương, địa phương với gần 96.400 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang được vay vốn. Tổng dư nợ thực hiện trên địa bàn đến cuối năm 2023 là 4.375 tỷ đồng, tăng 576 tỷ đồng, tăng trưởng 15,18% so với năm 2022. Nguồn vốn này đã góp phần không nhỏ trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm và ổn định xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, là công cụ phục vụ đắc lực của Đảng bộ và chính quyền các cấp trong việc thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn hiện nay.

Phát huy hiệu quả nguồn vốn

Sự đồng hành từ các chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh qua các năm. So với năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2023 trên toàn tỉnh chỉ còn 2,27% giảm 1,29% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025).

Một trong những chương trình có ý nghĩa quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội là chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Chương trình được hiện thực hóa ở 3 chương trình cho vay đầu tư sản xuất kinh doanh với đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Hiện, dư nợ cho vay với các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo là 2.018 tỷ đồng, chiếm 46,13 % tổng dư nợ, với 56.329 hộ đang còn dư nợ.

Đặc biệt, dư nợ cho vay các chương trình này tại huyện A Lưới đạt 238 tỷ đồng, chiếm 45,41% tổng dư nợ của phòng giao dịch với 5.580 khách hàng còn dư nợ.

Với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, dư nợ được tập trung cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa với hơn 2.905 tỷ đồng, chiếm gần 66,39% tổng dư nợ của NHCSXH. Trong đó, dư nợ tập trung vào một số lĩnh vực chính như: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với 1.680 tỷ đồng; cho vay tiêu dùng trên địa bàn nông thôn (xây nhà ở; cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường; giáo dục và đào tạo…) là 811 tỷ đồng; ngành công nghiệp, thương mại và cung ứng dịch vụ phi nông nghiệp 414 tỷ đồng.

Ngoài ra, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng có dư nợ đạt 714,4 tỷ đồng, với 11.892 khách hàng còn dư nợ.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh, nguồn vốn vay từ các chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng, là kênh hỗ trợ người dân thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. Vì thế, chi nhánh triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai các chính sách liên quan đến chương trình vay vốn đến các điểm giao dịch xã; vừa tăng cơ hội tiếp cận tín dụng, vừa giúp phát huy hiệu quả nguồn vốn vay của người dân.

Bài, ảnh: HOÀNG ANH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quản lý cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng đổi mới chương trình

Trong 2 ngày 23 và 24/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn hướng dẫn công tác quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng đổi mới chương trình giáo dục mầm non (GDMN). Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Quản lý cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng đổi mới chương trình
Chuẩn bị thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới

Trong 2 ngày 19-20/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo trực tuyến về công tác chuẩn bị thí điểm chương trình giáo dục mầm non (GDMN), tham vấn quy trình thí điểm, các biểu mẫu báo cáo kết quả thí điểm chương trình GDMN. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Chuẩn bị thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới

TIN MỚI

Return to top