Văn bản (bản photo) liên quan tàu của Đội Hoàng Sa được lưu giữ tại làng Mỹ Lợi
Dấu xưa còn ghi
Làng Mỹ Lợi, không chỉ được biết đến với tên gọi “làng nói tiếng Quảng trên đất Huế” mà còn là bề dày truyền thống với bao lớp người khai canh, lập làng từ thời chúa Nguyễn Hoàng mở cõi. Ông Nguyễn Hải, nguyên Trưởng Ban nghi lễ làng Mỹ Lợi kể: “Làng thành lập vào khoảng giữa cuối thế kỷ 16. Lớp tiền nhân từ Sầm Sơn (Thanh Hóa) mang cả gia đình vào dựng trại ở phường Mỹ Toàn (làng Mỹ Lợi ngày nay). Ban đầu, dựng nhà 10 gian ở khe Long, cho quân lính đồn trú làm ăn. Các thôn dân trong làng qua nhiều thế hệ đắp đập be bờ, khai khẩn làm ăn, trị thủy bằng việc biến vùng đầm La Hồng, một vùng sinh lầy làm nơi canh tác”.
Mỹ Lợi có một dải bờ biển dài theo chiều dọc của làng, nên từ rất sớm, nghề đánh cá biển được người dân các vạn chài chọn làm kế sinh nhai. Mùa đánh bắt từ tháng 4 đến tháng 8. Các loài thủy sản có giá trị kinh tế như cá bẹ, ngừ, thu, chim, ngứa, thường được ngư dân đánh bắt, sản phẩm cung cấp cho những ngôi chợ lớn nhỏ trong và ngoài huyện. Ngoài ra, ngư dân còn đánh bắt con khuyết làm ruốc theo mùa và câu mực để xuất khẩu. Từ năm 1965 trở về sau, Mỹ Lợi có 500 ghe gọ và nhiều tàu trọng tải lớn đóng bằng gỗ, lắp động cơ diezel để khai thác hải sản xa bờ.
Ông Nguyễn Hải, nguyên Trưởng Ban nghi lễ làng Mỹ Lợi tự hào về lịch sử của làng
Cho đến cuối thế kỷ 19, Mỹ Lợi còn có nghề làm muối. Thời xưa, vùng này giáp ranh với đất Diêm Trường-Phụng Chánh-hai làng chuyên làm muối biển. Cách làm muối ở Mỹ Lợi cũng khá đặc biệt do vùng này sân phơi không có nên thôn dân trong làng đã đắp đất sét, chống thấm nước. Mặc dù tốn nhiều công sức trong việc vận chuyển và đầu tư kinh phí nhưng lại làm được nhiều lần.
Dấu tích truyền thống nghề biển, bảo vệ chủ quyền, được thôn dân Mỹ Lợi tự hào hơn cả là việc lưu giữ được hai văn bản quý có bút phê của nhà vua liên quan đến Hải đội Hoàng Sa. Lật cuốn lịch sử của làng còn lưu hình ảnh hai văn bản trên, ông Hải giọng hào sảng: “Văn bản này ghi rõ năm Quý Hợi (1743), dưới thời nhà Lê, được viết bằng chữ Hán trên giấy dó với nội dung xử lý một vụ kiện giữa phường Mỹ Toàn (làng Mỹ Lợi) và phường An Bằng (làng An Bằng), về việc tranh chấp một vỏ tàu của Đội Hoàng Sa”.
Ông Phan Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Mỹ cho biết, việc phát hiện ra văn bản quý liên quan đến tàu thuyền của cai đội Hoàng Sa trên đất Huế không chỉ niềm tự hào cho con dân làng Mỹ Lợi, mà còn là minh chứng cho chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Hiện nay, làng vẫn giữa hơn 1.400 trang văn bản liên quan đến lịch sử khai canh, khai khẩn, khế ước, hương ước của làng. Trong số này, có tư liệu liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa.
Bám nghề, giữ biển
Thời thịnh nhất của nghề biển ở Mỹ Lợi vào khoảng năm 80-90 thế kỷ trước, với đội thuyền 15 chiếc đánh bắt xa bờ. Ông Trần Thuận, Vạn trưởng Vinh Mỹ hồi ức: “Trước đây, ngư dân Mỹ Lợi được trang bị các loại ghe, gọ sườn gỗ, đan tre, trét dầu rái, đánh bắt bằng hình thức dùng lưới vây, câu, giạ. Thời thịnh nhất Vinh Mỹ có 15 tàu lớn đánh bắt xa bờ, đến mùa có khi ra tới ngư trường Hạ Long, Trường Sa, Hoàng Sa”.
Niềm vui sau mỗi chuyến biển thuyền đầy ắp cá
Nghề biển ở Vinh Mỹ dẫu có lúc thăng trầm nhưng với ngư dân, biển cả luôn là bầu sữa mẹ từ thuở khai canh lập ấp, đắp đổi hàng trăm năm cho sinh kế của làng. Ông Trần Thuận, tâm sự: “Nghề biển hiện nay được cư dân 4 thôn trên địa bàn tham gia sản xuất. Công việc đánh bắt khai thác thủy sản gần bờ dẫu không làm giàu nhưng bà con vẫn giữ nghề, nhờ nó mà duy trì được kế sinh nhai, nuôi con cái ăn học đàng hoàng”. Mỗi mùa vụ đánh bắt, từ đầu thôn cuối xóm vui như ngày hội. Thanh niên trai tráng trong làng như bao lớp cha ông, ra khơi trên chiếc thuyền nan.
Ngồi sửa sang lại tay lưới, ngư dân Trần Phụng (làng Mỹ Lợi) chia sẻ: “Cá tôm dẫu thời nay đánh bắt ít hơn nhưng biển chưa bao giờ phụ lòng ngư dân. Mỗi ngày ra biển từ 5-10 hải lý với nghề bủa lưới câu, bình quân mỗi thuyền cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng”.
Đình làng Mỹ Lợi- di lích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia
Ở Vinh Mỹ hiện nay ngoài làm ruộng, bà con chủ yếu ra biển đi lộng và đi khơi. Nghề lộng với các loại lưới rùng, xăm, giải, thả lưới và câu lừ với các loại hải sản như cá cơm, me, nục, chù… Nghề khơi gồm những tàu đánh bắt xa bờ, dùng các loại lưới vây, câu.
Ngoài bán các loại hải sản tươi, từ xưa ngư dân làng Mỹ Lợi còn chế biến các loại mắm chuồn, thính, ruốc, cá phơi khô để dự trữ trong mùa mưa bão. Toàn xã Vinh Mỹ hiện nay có 44 chiếc thuyền công suất trên dưới 20CV với gần 100 lao động tham gia đánh bắt. Ông Phan Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Mỹ đánh giá, với sản lượng đánh bắt còn khiêm tốn, khoảng 100 tấn hải sản/năm. Nhiều năm qua, địa phương luôn tạo điều kiện, khuyến khích ngư dân mua sắm mới ngư lưới cụ, tàu mới để vươn khơi. Đặc biệt sau Nghị định 67 của Chính phủ (sau này là Nghị định 89), đã thêm động lực cho ngư dân vươn khơi. Việc chi trả đền bù sự cố môi trường biển, nếu nhìn rộng ra, nó cũng là một cơ hội cho ngư dân đổi mới, cải hoán tàu thuyền để tiếp tục nghề truyền thống của cha ông.
Trước đây, Mỹ Lợi còn nổi tiếng về cau, vì loại này thích hợp với đất cát pha bùn. Ở địa phương có những hộ gia đình trồng hàng trăm cây cau. Cau Mỹ Lợi đặc điểm ruột nhiều, thịt lại mềm ngọt, xưa nổi tiếng chốn kinh kỳ, có mặt từ Bắc vào Nam. |
Bài, ảnh: Hà Nguyên