ClockThứ Sáu, 07/07/2023 06:58

Mong những “điểm kém” được nâng lên

leftcenterrightdel
 Tại đường Bùi Thị Xuân (TP. Huế), nước thải sinh hoạt chẳng biết về đâu cứ tràn ra lòng đường

Trước đây, không ít người dân ở khu vực TP. Huế khi làm nhà hay trong quá trình sinh hoạt còn lấn cấn vì không biết thải nước thải sinh hoạt vào đâu cho đảm bảo môi trường. Đến thời điểm này, những băn khoăn trên cơ bản được giải quyết tạm ổn bởi nhờ dự án (DA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế có tổng kinh phí 24,8 tỷ yên (tương đương khoảng 5.052 tỷ đồng) từ nguồn vay ODA Nhật Bản, thực hiện từ tháng 8/2015. DA triển khai trên địa bàn 11 phường phía nam TP. Huế với 7 gói thầu, gồm hệ thống đường ống thoát nước, 7 trạm bơm và nhà máy xử lý nước thải ở tại đô thị Đông Nam Thủy An đang xử lý khoảng 70% lượng nước thải sinh hoạt khu vực nội thị phía nam TP. Huế…

Bên cạnh đó, hiện nay TP. Huế cũng đã, đang tận dụng nguồn tài trợ từ DA Chương trình Phát triển đô thị loại II (các đô thị Xanh) do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và một số tổ chức như AIMF, SIAAP... cải tạo hệ thống thoát nước, chỉnh trang, nâng cấp mặt đường và xây kè các hồ trong khu vực các phường nội thành…, góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải không được kiểm soát, không được xử lý và chống ngập úng cho thành phố…

Theo tính toán của đơn vị chuyên môn, những công trình của các DA trên tuy góp phần lưu thông dòng chảy, điều hòa và thoát nước, nhưng so với hiện trạng thực tế chỉ mới đáp ứng khoảng 40% nhu cầu thoát nước thải sinh hoạt (chưa tính diện tích TP. Huế mở rộng). Trong khi đó, mật độ dân cư ngày càng tăng, nhất là khi TP. Huế được mở rộng lên gấp hơn 3,5 lần, nên việc đầu tư hệ thống thoát nước thải sinh hoạt cần sớm được tính đến để giữ được đô thị Huế xanh - sạch - sáng, văn minh, hiện đại.

Về tuyến huyện, hệ thống thoát nước thải lại càng thiếu trầm trọng. Hầu hết các địa phương chỉ mới đầu tư hệ thống thoát nước mặt, nước mưa tại các khu trung tâm, còn lại việc thoát nước thải đều do các hộ dân tự xử lý. Nhà nào có điều kiện thì xây hầm rút rồi tự thấm xuống đất, nhà không có hầm rút thì mặc cho nước thải đi về đâu. Ngay cả nước thải trong chăn nuôi cũng đang được thải tràn ra môi trường cùng nước thải sinh hoạt...

Mỗi người dân đang đóng phí bảo vệ môi trường nước thải sinh hoạt thông qua tổng tiền nước sử dụng hàng tháng. Tuy nhiên, nguồn thu này còn quá nhỏ so với thực chi và nhu cầu chi cho việc đầu tư hệ thống thoát nước thải đảm bảo môi trường sống. Vì muốn xây một công trình thoát nước đồng bộ, quy mô cần hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Ngay cả những DA phát triển các khu đô thị mới, dân cư mới cũng chưa đầu tư đến nơi đến chốn hệ thống thoát nước thải sinh hoạt.

Trong điều kiện còn khó khăn vì cần phải chi rất nhiều khoản cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khác, nhưng việc chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường vẫn cấp thiết. Dù bằng nội lực hay kêu gọi từ các nguồn vốn vay, nguồn hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài, tỉnh cũng nên dành nguồn lực ưu tiên đầu tư hệ thống thoát nước, giải quyết từng bước, từng tuyến đường, từng khu dân cư có mức độ nước thải ứ đọng lớn, hạn chế ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.

Bài, ảnh: SONG MINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thôn 4 Phú Sơn mong mỏi một cây cầu

Cứ vào mùa mưa, người dân thôn 4 xã Phú Sơn (thị xã Hương Thủy) lại thấp thỏm lo âu khi băng qua đoạn ngầm dài khoảng 40m để đi lại. Những khi nước chảy xiết, ngập nặng thì giao thông bị chia cắt, buộc người dân phải đi đường vòng với khoảng cách xa gấp đôi...

Thôn 4 Phú Sơn mong mỏi một cây cầu
Return to top