Thế giới

COP29:WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu

ClockThứ Sáu, 08/11/2024 14:58
TTH.VN - Ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng kêu gọi chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời ủng hộ sự thích ứng và phục hồi lấy con người làm trung tâm.

WHO ghi nhận “làn sóng gia tăng” của các bệnh không lây ở Tây Thái Bình DươngWHO triển khai chiến lược toàn cầu ứng phó với bệnh sốt xuất huyết

 Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) sẽ được tổ chức tại Baku, Azerbaijan. Ảnh minh họa: Reuters/CLO

Ra mắt báo cáo đặc biệt về khí hậu và sức khỏe COP29, và một hướng dẫn kỹ thuật về những đóng góp do quốc gia tự quyết định về sức khỏe, WHO kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tại COP29 từ bỏ cách tiếp cận tách biệt trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và sức khỏe.

Được biết, COP29 sẽ diễn ra tại Thủ đô Baku, Azerbaijan từ ngày 11 - 22/11 tới đây.

Theo đó, WHO nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa sức khỏe vào trọng tâm của mọi cuộc đàm phán, cũng như các chiến lược, chính sách và kế hoạch hành động về khí hậu, nhằm cứu sống và đảm bảo tương lai khỏe mạnh hơn cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

“Cuộc khủng hoảng khí hậu là một cuộc khủng hoảng sức khỏe, khiến việc ưu tiên sức khỏe và hạnh phúc trong hành động ứng phó với khí hậu không chỉ là một mệnh lệnh về mặt đạo đức và pháp lý, mà còn là một cơ hội chiến lược để mở khóa những lợi ích mang tính chuyển đổi cho sức khỏe hướng đến một tương lai công bằng và bình đẳng hơn”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO nhận định.

Cũng theo người đứng đầu WHO, COP29 là cơ hội quan trọng để các nhà lãnh đạo toàn cầu đưa những cân nhắc về sức khỏe vào các chiến lược thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu. WHO đang hỗ trợ công việc này bằng các hướng dẫn thực tế và hỗ trợ cho các quốc gia.

Được WHO phát triển cùng sự hợp tác với hơn 100 tổ chức và 300 chuyên gia, báo cáo đặc biệt về biến đổi khí hậu và sức khỏe COP29 xác định các chính sách quan trọng trên 3 yếu tố tích hợp, bao gồm: con người, địa điểm và hành tinh.

Trong đó, báo cáo vạch ra các hành động chính nhằm bảo vệ tất cả mọi người, đặc biệt là khoảng 3,6 tỷ người sống ở những khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất bởi tình trạng biến đổi khí hậu; nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quản lý, đưa y tế vào hoạch định chính sách khí hậu, và khí hậu vào hoạch định chính sách y tế. Đây được xem là điều cần thiết cho sự tiến bộ.

Bà Maria Neira, Giám đốc phụ trách môi trường, biến đổi khí hậu và sức khỏe của WHO cho biết thêm: “Sức khỏe là trải nghiệm sống của biến đổi khí hậu. Bằng cách ưu tiên sức khỏe trong mọi khía cạnh của hành động ứng phó với khí hậu, chúng ta có thể mở ra những lợi ích đáng kể cho sức khỏe cộng đồng, khả năng phục hồi khí hậu, an ninh và ổn định kinh tế. Sức khỏe là lý lẽ mà chúng ta cần để thúc đẩy hành động khẩn cấp và trên quy mô lớn trong thời điểm quan trọng này”.

Các đóng góp do quốc gia tự quyết định về khí hậu là các kế hoạch và cam kết quốc gia do các quốc gia đưa ra theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Trong khi sức khỏe được xác định là ưu tiên trong 91% các đóng góp nói trên, thì rất ít đóng góp nêu rõ các hành động cụ thể để tận dụng lợi ích sức khỏe của việc giảm thiểu và thích ứng với khí hậu, hoặc để bảo vệ sức khỏe khỏi các rủi ro liên quan đến khí hậu.

Nhằm hỗ trợ các quốc gia tích hợp tốt hơn sức khỏe vào các chính sách khí hậu, WHO đã công bố tiêu chí chất lượng của WHO về việc tích hợp sức khỏe vào các đóng góp do quốc gia tự quyết định. Trong đó, hướng dẫn nêu rõ các hành động thiết thực cho các Bộ Y tế, Bộ Môi trường, và các ngành khác có yếu tố quyết định sức khỏe (ví dụ như ngành giao thông, năng lượng, quy hoạch đô thị, nước và vệ sinh) để đưa các cân nhắc về sức khỏe vào chính sách và hành động thích ứng và giảm thiểu.

Hướng dẫn kỹ thuật này đóng vai trò là khuôn khổ cụ thể để thực hiện các khuyến nghị có trong báo cáo đặc biệt COP29 của WHO, với các lĩnh vực chính như công tác lãnh đạo và môi trường thuận lợi; hoàn cảnh quốc gia và các ưu tiên chính sách; giảm thiểu; thích ứng; tổn thất và thiệt hại; tài chính; và công tác thực hiện.

Ngoài các sáng kiến của riêng mình, WHO triệu tập 90 quốc gia và 75 đối tác thông qua Liên minh Hành động thay đổi về khí hậu và sức khỏe (ATACH). Nền tảng này được thành lập để thúc đẩy các cam kết được đưa ra tại COP26 về việc xây dựng các hệ thống y tế bền vững và có khả năng phục hồi khí hậu.

Đáng chú ý, ATACH thúc đẩy việc tích hợp mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và sức khỏe vào các kế hoạch quốc gia, khu vực và toàn cầu tương ứng, bằng cách sử dụng sức mạnh tập thể của các quốc gia thành viên WHO và các bên liên quan khác để thúc đẩy chương trình nghị sự này một cách khẩn trương và có quy mô.

LÊ THẢO (Lược dịch từ WHO)
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G20:
Thế giới trông chờ bước đột phá trong đàm phán khí hậu

Tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil), từ ngày 18 - 19/11, các nhà lãnh đạo sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), với chủ đề “Xây dựng thế giới công bằng và hành tinh bền vững”, nhằm giải quyết một loạt vấn đề từ đói nghèo đến cải cách các thể chế toàn cầu.

Thế giới trông chờ bước đột phá trong đàm phán khí hậu
COP29: Công nghệ kỹ thuật số và AI có thể thúc đẩy hành động khí hậu

Cuối tuần qua, các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ và môi trường tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP29 của Liên hợp quốc (LHQ) đang diễn ra ở Baku (Azerbaijan) đã thông qua một tuyên bố cam kết sử dụng công nghệ số để đẩy nhanh hành động vì khí hậu. Đồng thời, tuyên bố cũng cam kết nỗ lực giảm lượng khí thải carbon và ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất công nghệ và giải quyết vấn đề rác thải điện tử đang ngày càng gia tăng.

COP29 Công nghệ kỹ thuật số và AI có thể thúc đẩy hành động khí hậu
TẠI CÁC HỘI NGHỊ KHÍ HẬU LHQ:
Tỷ lệ nữ gần như không được cải thiện

Nhiều thứ đã thay đổi kể từ Hội nghị đầu tiên của các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP1) năm 1995; nhưng cho đến COP29 đang diễn ra tại Baku (Azerbaijan), có một điều vẫn không thay đổi: tỷ lệ đại diện là phụ nữ tại hội nghị vẫn trì trệ, chỉ ở mức khoảng 1/3 tổng số đại biểu tham dự.

Tỷ lệ nữ gần như không được cải thiện
Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới

Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) tổ chức tại Baku (Azerbaijan) từ ngày 11 - 22/11 đưa tính cấp thiết của việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu trở lại chương trình nghị sự quốc tế.

Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới
Return to top