ClockThứ Bảy, 10/12/2022 08:41

Năm 2023, xuất khẩu tiếp tục tỏa sáng?

Năm 2023 được dự báo còn nhiều khó khăn, song theo giới chuyên gia kinh tế, nếu tận dụng tốt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ có những bứt phá. Trong đó, những FTA thế hệ mới như EVFTA và CPTPP sẽ đem đến những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu...

Nỗ lực vượt khó, xuất khẩu cả nước sau 11 tháng vượt 342 tỷ USDHai tấn bưởi da xanh Bến Tre đầu tiên đã được xuất khẩu sang MỹLinh động và ưu đãi để người lao động yên tâm đi làm việc ở nước ngoàiNhận diện yếu tố tác động đến doanh nghiệp nông nghiệp trong năm 2023Xuất khẩu thủy sản của cả nước dự đoán sẽ cán mốc 11 tỷ USDBắt kịp xu hướng để gia tăng xuất khẩu vào thị trường EUChương trình hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa

Các Hiệp định thương mại tự do mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu

Tận dụng tốt cơ hội các FTA

Cùng với 2 trụ cột chính là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam trong 11 tháng qua.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước 11 tháng năm 2022 đạt gần 674 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 342,21 tỷ USD, tăng 13,4%; nhập khẩu 331,61 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2021. Nhận định về tình hình xuất nhập khẩu năm 2022, Bộ Công thương cho biết, khả năng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thể đạt khoảng 740 tỷ USD nhờ nguồn lực được khai thác tối đa. Trong đó, riêng ngành nông nghiệp đã đóng góp tỷ trọng xuất siêu đáng kể cho nền kinh tế với gần 8 tỷ USD.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản trong 11 tháng qua đạt 90,26 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt khoảng 49,04 tỷ USD, tăng 11,8%; nhập khẩu 41,22 tỷ USD. Giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt 7,82 tỷ USD, tăng 47,8% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, ngành thủy sản chính thức ghi tên vào “Câu lạc bộ chục tỷ USD” với cán cân xuất khẩu có thể vượt 11 tỷ USD trong năm nay. Cùng với thủy sản, ngành gỗ và sản phẩm làm từ gỗ dù những tháng cuối năm rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng nhưng hết tháng 11 vẫn đạt giá trị xuất khẩu 14,6 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, kết quả xuất nhập khẩu trong thời gian qua là minh chứng cho thấy doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã và đang tận dụng tốt các FTA.

Đơn cử, với Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sau 3 năm thực thi, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường trong khối tăng trưởng lên đến 75 - 100%. Nhóm điện thoại và linh kiện, nhóm điện tử và máy vi tính, máy móc, phụ tùng, dệt may, da giày... là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang khu vực này.

Còn với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), nhiều sản phẩm chủ lực của Việt Nam đã xuất khẩu sang EU với mức tăng trưởng cao, đặc biệt là một số nhóm hàng như: Sắt thép (tăng trưởng 200%), cà phê (tăng trưởng 75,2%), hạt tiêu (tăng trưởng 55,8%).

Đối với những cơ hội từ các FTA, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM cho rằng, trước khi thực hiện CPTPP, hàng hóa thực phẩm chế biến của Việt Nam không thể tiếp cận được những thị trường này do rào cản về thuế quan. Tuy nhiên, từ khi CPTPP đi vào thực thi, hàng hóa của Việt Nam đã tiếp cận được những thị trường này. Trong 3 năm qua, tăng trưởng xuất khẩu của các DN ngành lương thực thực phẩm đều đạt mức cao. Đây là nỗ lực rất lớn của các DN để thay đổi tư duy sản xuất, đảm bảo chất lượng hàng hóa.

Nói về bức tranh xuất nhập khẩu của cả nước, bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) khẳng định, lĩnh vực này tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam thời gian qua. Theo lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, với những kết quả tích cực của hoạt động xuất khẩu đã giúp cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thặng dư với mức xuất siêu cao.

“Bộ Công thương luôn đồng hành cùng các DN. Đặc biệt là thông qua hệ thống thương vụ, cũng như hệ thống cảnh báo sớm để kịp thời cung cấp những thông tin về diễn biến thị trường giúp cho DN có thể cập nhật nhanh và có những biện pháp để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thị trường nhập khẩu, hướng tới sự phát triển xuất nhập khẩu bền vững” - bà Trang nhấn mạnh.

Xây dựng kịch bản ứng phó

Dù năm 2022 đạt được những con số tăng trưởng ấn tượng song trong báo cáo mới nhất của mình, Ngân hàng HSBC đưa ra những phân tích, nhận định về kinh tế Việt Nam, trong đó nhấn mạnh tới các rủi ro của thị trường xuất khẩu. Theo HBSC, trong 2 năm qua, các nhà xuất khẩu châu Á đã hưởng lợi nhiều nhờ nhu cầu đối với một số sản phẩm tăng lên. Với bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều lần xảy ra nhưng nhìn chung, Việt Nam vẫn tỏ ra vượt trội, tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu. Đà tăng trưởng này kéo dài tới 6 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, đã đến lúc ngành xuất nhập khẩu của Việt Nam cần chuẩn bị cho một đoạn đường không mấy bằng phẳng sắp tới

Thực tế cho thấy, dù các FTA đã đem lại cơ hội và kết quả khả quan song theo đánh giá của giới chuyên gia, thị phần hàng hoá nhập từ Việt Nam mới chỉ chiếm gần 2% trong tổng quy mô nhập khẩu khoảng 2,1 nghìn tỷ Euro tại thị trường EU. Việc mở rộng thêm thị phần không hề đơn giản khi tình hình quốc tế dự báo vẫn diễn biến phức tạp, nhất là các bất ổn địa chính trị khu vực và toàn cầu, tiềm ẩn rủi ro suy thoái kinh tế, gián đoạn chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, các DN Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều quy định phi thuế quan ngặt nghèo hơn, đặc biệt là tại các thị trường FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA mới đây EU đã công bố chiến lược dệt may tuần hoàn, tạo áp lực lớn cho các sản phẩm dệt may của Việt Nam.

Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, từ cuối năm 2021, các DN dệt may đều dự báo năm 2022 ngành dệt may sẽ tăng trưởng rất tốt và trên thực tế đúng như vậy cho đến giữa năm, tuy nhiên sau đó một số DN dần thiếu đơn hàng. “Tình hình sẽ khó khăn hơn trong năm 2023 vì hiện tại có những đơn hàng đã chốt nhưng khách hàng đã phải hoãn vì tồn kho lớn. Chính vì vậy, để giảm thiểu áp lực cho các DN dệt may, đặc biệt là các DN xuất khẩu, các chính sách về tỉ giá và lãi suất phải có tiên liệu, dự báo trước. Bởi, một đơn hàng từ lúc nhập nguyên phụ liệu, thiết kế mẫu mã, xuất khẩu thường kéo dài khoảng 6 tháng” - ông Việt chia sẻ.

Còn theo ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An, để tận dụng được lợi thế của FTA, các DN phải chọn lọc sản phẩm để xuất khẩu, xây dựng thương hiệu cho riêng mình. Ví dụ, nếu muốn xuất khẩu vào châu Âu, DN cần sản xuất những sản phẩm nông sản chất lượng cao. Châu Âu là thị trường khó tính nhưng là phân khúc tiêu dùng đẳng cấp hạng sang. “Nếu đáp ứng được thị trường này, các sản phẩm xuất khẩu của chúng ta sẽ không khó để tiếp cận với các thị trường khó tính khác” - ông Bình nói.

Theo Đại đoàn kết

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng

Ngày 20/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết vừa phối hợp với Công an huyện Nam Đông phá chuyên án liên quan đến hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo, xâm phạm sở hữu công nghiệp các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam.

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng
Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Return to top