Hoạt động thông quan hàng hóa, thúc đẩy xuất nhập khẩu
Dù giảm tốc trong tháng 11 do lượng đơn hàng xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại, song tính từ đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước vẫn tăng trưởng hai con số, nhờ đó thặng dư thương mại tiếp tục giữ ở mức cao.
Nhóm chủ lực giữ vững tăng trưởng
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11 ước đạt 29,18 tỷ USD, giảm 3,9% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính chung 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 342,21 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 11 tháng tiếp tục đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu với kim ngạch ước đạt 294,5 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 86% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.
Trong nhóm hàng này, xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao, như: phân bón các loại tăng 127,8%; hóa chất, tăng 32,5%; sản phẩm hóa chất tăng 28,2%; Túi xách, vali, mũ, ô dù tăng 39,3%; Hàng dệt và may mặc tăng 18,5%...
Cũng trong 11 tháng, xuất khẩu nhóm hàng nông sản, lâm thủy sản ước đạt 28,3 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Còn xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản cũng tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước…
Đáng chú ý, nhờ tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, xuất khẩu của Việt Nam sang nhiều thị trường tiếp tục giữ được mức tăng trưởng cao.
Theo ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, qua số liệu xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên của hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong năm 2021 và 2022 cho thấy các doanh nghiệp ngành hàng đã nắm bắt được cơ hội mà hiệp định này mang lại để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
Đáng chú ý, không chỉ tăng trưởng về xuất khẩu hàng hoá mà số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào quá trình xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP đang tăng rất tích cực.
Trong đó, thống kê của Tổng cục Hải quan, có khoảng 50.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP.
"Hiệp định CPTPP đã hỗ trợ, khuyến khích khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia xuất khẩu sang thị trường tiềm năng này cũng như tự tin bước vào sân chơi quốc tế rộng lơn," ông nói.
Còn theo bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, hiện thành phố có khoảng 2.600 doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất khẩu sang các nước ký kết FTA và có khoảng 7.900 doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu từ các nước ký kết các Hiệp định FTA.
Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Hà Nội sang các thị trường FTA như CPTPP, EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam) và UKVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh) trong năm 2022 ước đạt khoảng 5,88 tỷ USD và chiếm 33,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố.
Tập trung các giải pháp phát triển thị trường
Ở chiều ngược lại, trong tháng 11, cả nước đã chi 28,4 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Lũy kế 11 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 331,61 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước.
Với kết quả trên, sau 11 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 10,6 tỷ USD.
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa sẽ khép lại năm 2022, vì vậy để thúc đẩy xuất khẩu, theo bà Nguyễn Kiều Oanh, Sở Công Thương Hà Nội đã tham mưu, triển khai rất nhiều hoạt động để hỗ trợ và đồng hành với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu sang các thị trường có FTA.
Trong đó, Hà Nội đã tổ chức thành công nhiều hội nghị kết nối doanh nghiệp công nghiệp chủ lực của thành phố với các đối tác trong, ngoài nước; Tăng cường xúc tiến đầu tư thương mại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình và tìm kiếm đối tác.
Thành phố cũng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các FTA và các thị trường trong các FTA, tổ chức các hội nghị tập huấn liên quan đến nội dung các hiệp định và thông tin thị trường, về các kỹ năng để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu vào các thị trường FTA.
Trong khi đó, Bộ Công Thương cũng triển khai nhiều giải pháp, trong đó phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để mở rộng, đa dạng hoá thị trường và mặt hàng xuất khẩu.
Các cơ quan chức năng của bộ cũng tập trung hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký kết, đồng thời triển khai mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu.
“Tập trung khai thác tốt thị trường nội địa vẫn còn dư địa gia tăng, là trụ đỡ trong bối cảnh thị trường nước ngoài bị thu hẹp nhằm giữ ổn định sản xuất cho doanh nghiệp và việc làm cho người lao động,” đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Theo Vietnam+