ClockThứ Năm, 15/08/2024 11:49

Nam Đông nỗ lực cấp nước sạch

TTH - Nhiều năm nay, một bộ phận dân cư phân tán ở Nam Đông vẫn chưa tiếp cận được nguồn nước sạch. Huyện Nam Đông huy động các nguồn lực phát triển hệ thống nước sạch trên địa bàn, phấn đấu nâng tỷ lệ người dân dùng nước sạch toàn huyện năm 2024 đạt hơn 96%.

Thêm nhiều hộ dân Phú Vang được sử dụng nước sạchNước sạch cho nông thôn

Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế phát triển mạng lưới cấp nước trên địa bàn tỉnh 

Thiếu nước sạch

Huyện vùng cao Nam Đông được mệnh danh là “chảo lửa”, bởi nhiệt độ mùa nắng nóng khu vực này luôn chênh so với các địa phương khác từ 1-2 độ. Vào mùa hè, người dân nơi đây thường thiếu nước sạch sinh hoạt, nhất là một bộ phận dân cư ở các xã vùng sâu, vùng xa. Do nhà dân ở phân tán, nằm xa trung tâm nên đường ống nước chưa “vươn” tới.

Ông Dương Sang, Trưởng thôn Phú Hòa (Hương Phú, Nam Đông) cho biết, trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền địa phương luôn chú trọng đầu tư để đảm bảo tiêu chí nước sạch trên địa bàn. Tuy nhiên, tại thôn Phú Hòa hiện nay vẫn còn 22 hộ dân ở khu vực xa khu dân cư vẫn chưa có nước sạch để sử dụng. Để có nước hợp vệ sinh, các hộ dân chủ yếu dùng nước giếng khoan, giếng đào. Nguyên nhân, khu vực này nằm xa đường ống chính, suất đầu tư lớn, trong điều kiện người dân còn khó khăn nên không có nước sạch dùng.

Vừa mới đầu tư cho 14 hộ dân có hệ thống nước sạch sử dụng từ nguồn vốn hỗ trợ cho hộ nghèo của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã Thượng Nhật đến nay vẫn còn 37 hộ dân thiếu nước sạch.

Ông Võ Văn Đờn, Chủ tịch UBND xã Thượng Nhật cho biết, vấn đề nước sạch của địa phương hiện nay khá nan giải, khi còn nhiều hộ dân nằm ở vùng xa đường ống chính, tập trung ở các thôn 1, 2, 3, cần nguồn kinh phí lớn để đấu nối hệ thống nước sạch.

Nhiều năm nay, các hộ dân vẫn dùng hệ thống nước tự chảy đã đầu tư cách đây hơn 20 năm nên rất khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật. Nguyên nhân các hộ dân thiếu nước sạch là do nằm xa địa bàn dân cư, xa đường ống chính, suất đầu tư lớn dẫn đến người dân chưa tiếp cận được. Xã đã huy động các nguồn lực từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia nhưng cũng chỉ giải quyết được phần nào.

Tình trạng thiếu nước sạch sử dụng còn tập trung một số địa phương như: Thượng Long, Hương Sơn, Hương Xuân. Hiện tại, đang ưu tiên cấp nước ở các cụm dân cư tập trung. Các địa phương này đã thực hiện thông báo của UBND huyện Nam Đông về việc rà soát nước sinh hoạt phân tán trên địa bàn và chờ được đầu tư khi điều kiện cho phép.

Huy động các nguồn lực

Theo UBND huyện Nam Đông, hệ thống cấp nước sạch do Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế quản lý vận hành đã được thực hiện tại các xã Thượng Nhật, Thượng Long, Hương Sơn, bao gồm hệ thống tuyến ống nhựa HDPE có đường kính từ D50 – D225 với tổng chiều dài hơn 53km, cấp nước sạch cho hơn 80% dân số của các xã, chất lượng đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục và áp lực hợp lý.

Để cấp nước sạch cho các hộ dân còn lại ở Thượng Nhật, Thượng Long và Hương Sơn, Hương Xuân, qua khảo sát, các hộ này đa số là hộ đơn lẻ, nằm rải rác, cách xa đường ống chính, xa trung tâm, khu dân cư. Để có thể cấp nước được cần phải đầu tư khoảng 30 tuyến D63-90 HDPE với tổng chiều dài khoảng hơn 5,5km, chi phí xây dựng dự kiến khoảng 1,9 tỷ đồng, chưa tính các chi phí khác.

Vừa qua, Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế bằng nguồn vốn công ty đã lựa chọn, đầu tư 8 tuyến ống với tổng chiều dài hơn 3,1km ở các khu vực có số lượng dân cư đông để phục vụ nhu cầu của người dân. Công ty tiếp tục cân đối nguồn vốn để xem xét tiếp tục đầu tư các tuyến ống có đông người dân hưởng lợi trong thời gian đến.

Cũng theo UBND huyện Nam Đông, đối với khu vực xã Hương Phú, dự án cấp nước cho thôn Phú Mậu và thôn Phú Hòa (Hương Phú) thuộc dự án thành phần “Nâng cấp, mở rộng mạng lưới cấp nước sạch thôn Phú Mậu, thôn Phú Hòa, xã Hương Phú, huyện Nam Đông" thuộc dự án “Cấp nước nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025” đã được HĐND tỉnh phê duyệt vào tháng 12/2023 về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cấp nước nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025.

Đối với các khu vực còn lại có địa hình phức tạp, các vùng có các hộ đơn lẻ, nằm rải rác, cách xa nguồn nước và nguồn điện, các tuyến ống thiết kế suất đầu tư cao, huyện Nam Đông đang tập trung huy động các nguồn lực cho phát triển hệ thống nước sạch trên địa bàn, nhất là mở rộng cấp nước cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế sẽ phối hợp UBND huyện Nam Đông để đề xuất sử dụng nguồn vốn đầu tư công hoặc huy động các nguồn vốn khác đầu tư thực hiện dự án trong thời gian đến.

Năm 2022, Nhà máy nước sạch Thượng Long (Nam Đông) được Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế đưa vào sử dụng. Nhà máy bao gồm các hạng mục như đập dâng nước khe A Kì, cao trình +181,6m và lắp đặt tuyến ống nước thô DN200 thép, D225 HDPE chiều dài 3.950m; khu xử lý nước sạch công suất 2.000m3/ngày đêm; nhà điều hành, phần điện nhà điều hành và bể tự hoại; lắp đặt mới các tuyến ống và phụ kiện với tổng chiều dài khoảng 43.678m.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phải nỗ lực thu hẹp khoảng cách kỹ năng AI vào năm 2025

Khi trí tuệ nhân tạo (AI) chuẩn bị tái định hình các ngành công nghiệp trên toàn thế giới, một nghịch lý đang nổi lên rằng mặc dù nhu cầu tận dụng tiềm năng của công nghệ đang ngày càng tăng, các kỹ năng liên quan đến AI nhìn chung vẫn thiếu hụt.

Phải nỗ lực thu hẹp khoảng cách kỹ năng AI vào năm 2025
Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng

Ngày 20/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết vừa phối hợp với Công an huyện Nam Đông phá chuyên án liên quan đến hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo, xâm phạm sở hữu công nghiệp các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam.

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng
Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu-thừa nhà ở xã hội

Nhằm cải thiện chỗ ở cho người thu nhập thấp, từ năm 2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, với mục tiêu đến năm 2025 có thêm 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, nhưng đến thời điểm này có thể thấy, kế hoạch có nguy cơ “phá sản”. Trong khi đó, nhiều khu nhà ở tái định cư lại bị bỏ hoang, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu-thừa nhà ở xã hội

TIN MỚI

Return to top