|
|
Doanh nghiệp ngành dệt may đang đối mặt với thiếu đơn hàng |
Lãi suất cho vay còn cao
Thanh khoản hệ thống ngân hàng đang dư thừa thể hiện: Số dư tiền gửi của các tổ chức tín dụng (TCTD) tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vượt xa mức dự trữ bắt buộc và diễn biến này đã kéo dài từ đầu năm đến nay; lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh, hiện lãi suất qua đêm chỉ còn khoảng 0,7-1,2%/năm.
Theo NHNN, thanh khoản của các ngân hàng thương mại (NHTM) đang ở mức dồi dào. Tất cả các NHTM đều có khả năng cho vay rất nhiều, chứ không còn câu chuyện “cạn” room (hạn mức tín dụng) như trước.
Sau khi các quyết định về lãi suất của NHNN có hiệu lực, mặt bằng lãi suất huy động (LSHĐ) của các NHTM cũng giảm. Hiện, LSHĐ kỳ hạn dưới nửa năm chỉ còn khoảng 5-5,5%/năm, LSHĐ cao nhất kỳ hạn từ nửa năm trở lên chỉ còn dưới 9%/năm. Theo đó, LSCV ngắn hạn của nhiều NHTM đã được kéo xuống khoảng 10%/năm.
Đại diện ABBank Huế cho hay: Mức LSCV hỗ trợ sản xuất, kinh doanh khoảng hơn 8%/năm; cho vay mua nhà để ở khoảng 10%/năm trở lại; LSCV trung và dài hạn khoảng 12%/năm. ABBank còn có gói tín dụng 3.500 tỷ đồng cho các DN vừa và nhỏ với mức LSCV khoảng hơn 9%.
Sở dĩ dẫn tới tình trạng dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng hiện nay, NHNN cho rằng, một trong những nguyên nhân đến từ việc tăng trưởng tín dụng không đạt kỳ vọng trong quý I năm nay. Đến cuối tháng 4/2023, dư nợ tín dụng tại các TCTD trên địa bàn tỉnh đạt khoảng hơn 74.500 tỷ đồng, tăng 0,22% so với cuối năm 2022, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 5,29%); trong khi tín dụng toàn quốc chỉ tăng khoảng 2,06%.
Qua trao đổi về nguyên nhân của “nghịch lý” ngân hàng “thừa tiền”, DN thiếu vốn nhưng vẫn “thờ ơ” với các khoản vay, một số DN cho biết, dù lãi suất điều hành đã giảm và một số NHTM cũng đã giảm lãi vay, nhưng mặt bằng chung LSCV vẫn còn ở mức cao, ngay cả những DN đủ điều kiện cũng không dám tiếp cận.
|
|
Nguồn tiền của các ngân hàng đang dồi dào |
Doanh nghiệp vẫn ngại vay
“Hiện nay, tình hình đơn hàng với các DN trong ngành dệt may đang khó khăn. Thời điểm này, công ty chủ yếu tìm kiếm thêm đơn hàng để người lao động có việc làm chứ không hy vọng có lãi. Chúng tôi cần dòng vốn cho đầu tư dài hạn nhưng với lãi suất trên 10%, DN không dám vay chứ không phải ngân hàng không cho vay", kế toán trưởng một DN trong ngành dệt may nói.
Ví như gói hỗ trợ lãi suất 120.000 tỷ đồng vừa được các ngân hàng triển khai, nhưng các DN, người dân cho rằng vẫn khó tiếp cận gói vay. Đại diện Hiệp hội Bất động sản Huế - Lê Châu Quốc Việt cho rằng: LSCV trong thời gian ưu đãi của gói tín dụng này (từ nay đến giữa năm 2023 là 8,2%/năm) vẫn rất cao nếu so với LSCV ưu đãi 5%/năm áp dụng cho năm 2023 đối với người mua nhà ở xã hội.
Với quy định lãi suất ưu đãi chỉ áp dụng 5 năm với người mua nhà và 3 năm với chủ đầu tư, sau đó sẽ áp dụng lãi suất thỏa thuận, có ý kiến cho rằng, thời gian như vậy là quá ngắn, không phù hợp với bản chất của chính sách tín dụng ưu đãi về nhà ở xã hội là cần được vay với lãi suất thấp và trong thời hạn dài mà Luật Nhà ở 2014 đã quy định thời hạn vay ưu đãi tối đa 25 năm. Trong khi, phía ngân hàng lý giải, cơ chế cho vay giống như các khoản cho vay hiện hành và có các biện pháp ngăn chặn trục lợi; đồng thời, khách hàng phải đáp ứng điều kiện theo quy định của Bộ Xây dựng.
Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Dương Tuấn Anh thông tin: Từ đầu năm đến nay, riêng kim ngạch xuất khẩu giảm hơn 18% so với cùng kỳ. Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh giảm, tập trung chủ yếu ở nhóm hàng xơ, sợi dệt các loại giảm hơn 50%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm khoảng 80%. Kim ngạch nhập khẩu giảm 38,5% so cùng kỳ; sản phẩm nhập khẩu giảm chủ yếu tập trung nhóm hàng nguyên, phụ liệu dệt may giảm hơn 54% do nguồn đơn hàng xuất khẩu của các công ty may mặc sụt giảm mạnh.
Nhiều DN cho rằng, nếu không “mềm hóa” quy định về thế chấp, định giá tài sản, hạ chuẩn cho vay… thì DN rất khó tiếp cận vốn. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng cho rằng, ngân hàng cũng là một DN, đảm bảo thu hồi vốn và duy trì an toàn hệ thống, hạn chế tối đa nợ xấu là ưu tiên của ngân hàng.
Một trong những vấn đề được NHNN và các NHTM đồng thuận là, dù vốn tín dụng đang thừa nhưng không hạ chuẩn cho vay. Yêu cầu hàng đầu, khách hàng phải đủ khả năng trả nợ, bảo đảm an toàn hệ thống và tránh tăng nợ xấu. Dòng vốn cũng được hướng vào các lĩnh vực ưu tiên…
Tại hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023 để bàn về các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng tín dụng trong ngày 25/4, Thủ tướng Chính phủ đã họp với NHNN, các NHTM nhà nước và chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất, giảm lợi nhuận để hỗ trợ DN và người dân. Theo đó, 4 NHTM nhà nước đã đồng thuận cao về chủ trương giảm mặt bằng lãi suất trong thời gian tới. |