ClockChủ Nhật, 24/10/2021 08:19

Nghề đóng tàu “trôi” theo dòng nước

TTH - Không khó để lý giải về cái nghề thịnh vượng chừng mấy năm trước bây giờ đang ngắc ngoải. Thợ đóng tàu vỏ gỗ số chuyển nghề, số ít còn cầm cự như để níu giữ những khoảnh khắc phồn vinh.

Nghề đóng tàu đang thiếu lớp kế cận

1. Nghị định 67 của Chính phủ mở ra cơ hội lớn cho ngư dân. Nhiều con tàu cả ngàn mã lực vươn khơi bám biển cho thấy nhu cầu đóng mới tàu cá trong cộng đồng ngư dân rất lớn.

Hồi ức về nghề đóng tàu trong ông Phạm Bá Hiếu (phường Thuận An, TP. Huế) đến giờ vẫn còn nguyên. Chỉ hơn nửa thập kỷ trước, xưởng đóng tàu của ông Hiếu bên đập Hòa Duân tấp nập kẻ vào người ra. Tàu muốn lên đà thời điểm ấy phải sắp lịch, ông Hiếu cũng xuôi ngược nhập nguyên vật liệu để kịp các đơn hàng. Có lúc, ông nắm cả gần trăm quân phục vụ đóng tàu.

Bây giờ, nhắc đến nghề đóng tàu, ông Hiếu xua tay với ánh mắt buồn sâu thẳm. Ông bảo, dù không nói nhưng ai cũng biết khi nhìn vào khung cảnh đìu hiu ở các cơ sở. Chính ông Hiếu cũng đã giã từ cái nghề mang lại cho gia đình ông của ăn của để. “Nếu như trước đây, xưởng đóng tàu nhiều khi phải “thối” đơn hàng nhưng nay thì khan hiếm đơn hàng. Và dù có đơn hàng đi chăng nữa cũng khó có thể đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu, lao động”, ông Hiếu nói.

Một chủ trương đúng đắn của Chính phủ mở ra nhiều cơ hội không chỉ cho ngư dân mà còn tạo cơ hội việc làm cho hàng ngàn lao động. Nhưng bây giờ, “67” đang mang lại nhiều nỗi buồn. Những khoản nợ phình to, thậm chí có tàu cá của ngư dân đã bị tịch thu vì nợ xấu, câu chuyện pháp lý tạo ra vòng luẩn quẩn chưa hồi kết. “Nỗi buồn 67” không chỉ xảy đến ở ngư dân hay các bên liên quan mà những người thợ đóng tàu cũng mất việc làm, hơn hết, một nghề truyền thống của nhiều gia đình theo năm tháng dần mai một.

Ngư dân Nguyễn An (phường Thuận An) nói rằng, nhu cầu đóng mới tàu cá trong dân vẫn còn, nhưng so với trước đây, con số này không đáng kể. “Muốn sở hữu tàu cá phải có nguồn vốn lớn. Nghị định 67 đã giúp chúng tôi gỡ khó vấn đề này. Mỗi con tàu có tuổi thọ hàng chục năm, do vậy nhu cầu đóng tàu mới đang bão hòa. Hơn thế nữa, nhiều chủ tàu đóng theo Nghị định 67 khó khăn trong việc xoay xở trả nợ. Việc khai thác, thu mua trên biển hiện cũng không còn thuận như trước nên ai cũng ngại đóng mới tàu cá”, ông An chia sẻ.

Chừng nào ngư dân còn vươn khơi thì nghề đóng tàu vẫn còn đất sống

Không chỉ tại các cơ sở đóng tàu lớn ở Thuận An, các cơ sở khác ở Phú Lộc còn bi đát hơn. Bãi đà, xưởng đóng tàu vắng khách, nghề như “trôi” theo dòng nước, lao động đóng tàu cũng tùy nghi di tản. Những thanh gỗ mục ruỗng nghiêng ngả giữa nơi mà mấy năm trước thôi vẫn còn nhộn nhịp khiến ai cũng tiếc rẻ cho một thời đã qua.

Ông Ngô Văn Bảy (Phú Lộc) dù là thợ đóng tàu lâu năm, nhưng giờ tạm “gác kiếm”. Việc rời xa bãi đà được ông xem như số phận. Xuất phát từ cái nghề đóng thuyền cha ông truyền lại, ông tự học hỏi để trở thành thợ đóng tàu chuyên nghiệp. 30 năm làm bạn cùng lưỡi cưa, thanh gỗ đã đủ giúp ông cảm nhận được sự nghiệt ngã của nghề. Ông Bảy bây giờ tự an ủi mình bằng việc chuyển sang làm nghề mộc để vơi bớt nỗi nhớ mùi gỗ. “Nghề gì cũng vậy, lúc phồn vinh khi ngắc ngoải. Những người thợ như tôi đành chấp nhận bởi đó là thực tế của cuộc sống. Nghề mai một nhưng người thì phải sống. Trước khi chờ đợi vào sự hồi sinh thì lao động đóng tàu phải chuyển nghề để tìm kế sinh nhai”, ông Bảy tâm sự.

2. Ngoài biển kia, tàu cá đang chòng chành trên mặt nước. Phía trên bờ những “kiến trúc sư” tạo nên tác phẩm ấy cũng lao đao. Có ai nhớ rằng, ngoài những cơ sở đóng tàu cố định, Huế có cả một đội quân đóng tàu lưu động, thâm nhập “thị trường” trong cả nước.

Trong tỉnh, đóng tàu đang bão hòa còn việc đi xa bây giờ gặp nhiều trở lực. Dịch COVID-19 không cho phép họ lưu động tự do từ nơi này sang chốn khác. Song, dù nghề đóng tàu đang đìu hiu nhưng nghiệp thì phải giữ. Chỉ khi tàu cá thôi lênh đênh cùng sóng lớn, lúc ấy nghề mới đi vào ngõ cụt, và điều đó tương lai sẽ không bao giờ xảy đến. Việc đóng mới tàu cá bây giờ khan hiếm song, nhu cầu cải hoán, nâng cấp tàu cá sau một mùa biển hiện vẫn còn hiện hữu. “Ngoài những hợp đồng đóng mới, nghề đóng tàu cũng dựa vào nguồn thu nhập để sửa sang, nâng cấp tàu cá của ngư dân”, ông Hiếu nói.

Chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ đông, cũng là thời điểm các tàu cá chuẩn bị lên đà, tu sửa. Theo tính toán của ngư dân, mỗi năm họ phải chi ra hàng trăm triệu đồng để hoàn thiện lại tàu sau mùa cá. Thời buổi này, hiện đại hóa tàu cá là nhu cầu bắt buộc. So với các tỉnh, thành ven biển khác, hạ tầng nghề cá nói chung và việc hoàn thiện trang thiết bị, công nghệ trên mỗi con tàu các địa phương trên toàn tỉnh đang có phần hạn chế, nên xu thế nâng cấp tàu cá sẽ giúp cho thợ đóng tàu có thêm một hướng giữ nghề.

Ông Bảy cho rằng, đã qua rồi thời kỳ thợ đóng tàu chui ra từ khoang tàu chật chội, nhưng hiện đại hóa tàu cá cũng đồng nghĩa với việc tay nghề của thợ phải được nâng cao hơn. “Làm mới” tàu cá sẽ là hướng đi chủ lực của các cơ sở đóng tàu hiện nay, song tay nghề của thợ phải được nâng cao, không chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của ngư dân mà còn bắt nhịp với xu thế hiện nay”, ông Bảy chia sẻ.

Đóng tàu bây giờ không còn phụ thuộc vào kỹ năng, kinh nghiệm của người thợ. Nhiều trang thiết bị hiện đại hỗ trợ, giúp con người vơi bớt nhọc nhằn, song những kỹ thuật truyền thống được lưu giữ ngàn đời cũng không thể bỏ qua. Chỉ có điều khi thị trường bấp bênh, việc giữ nghề còn lắm gian truân.

Anh Nguyễn Ngọc Cường (xã Lộc Trì, Phú Lộc) đến giờ vẫn còn hành nghề. Thay vì tự tay kẻ mực, uốn nắn những thanh gỗ vô tri thành tác phẩm ưng ý thì giờ anh lại đau đầu sửa chữa, phục dựng những con tàu sau nhiều năm “cưỡi” sóng. Sửa tàu nghe chừng đơn giản, nhưng sửa sao cho giống nguyên bản, rồi cải tiến hiện đại hơn thì không thể dùng lời nói.

“So với chục năm trước, tàu cá bây giờ hiện đại hơn nhiều. Thợ đóng tàu cần phải cập nhật kiến thức kịp thời. Kiến thức đó chính là từ ngư dân – những người trực tiếp điều khiển con tàu. Tàu đóng mới trên địa bàn tỉnh bây giờ rất ít, nhưng nhu cầu sửa sang vẫn còn lớn, nên tôi nghĩ nghề đóng tàu sẽ không mai một, chỉ có điều, những tinh hoa về nghề có giữ được mai sau hay không mà thôi. Lớp kế cận đang dần ít đi”, anh Cường tâm sự.

Không chỉ nghề đóng tàu, ảnh hưởng của COVID-19 khiến hầu hết các ngành nghề cùng lao đao. Ngoài nỗ lực giữ nghề, chuyển đổi trạng thái để thích ứng là điều bắt buộc, thợ đóng tàu cũng không nằm ngoài guồng quay đó. Thị trường nội tỉnh lúc thăng lúc trầm, nhưng nếu kết nối được thị trường ngoại tỉnh, thợ đóng tàu sẽ có nhiều hơn hướng đi. Dẫu thế nào thì sóng cứ vỗ và tàu vẫn vươn khơi.

Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Thông báo tuyển dụng lao động đợt 1 năm 2024

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế (Agribank chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế) thông báo tuyển dụng lao động đợt 1...

Thông báo tuyển dụng lao động đợt 1 năm 2024
Phát động Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân

Sáng 24/4, tại Khu công nghiệp huyện Phong Điền, Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tỉnh phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2024 với chủ đề "Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng" và Tháng Công nhân với chủ đề "Đoàn kết công nhân - Triển khai Nghị quyết".

Phát động Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân
Lồng ghép các chương trình, nguồn lực giảm nghèo bền vững

Chiều 23/4, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết giữa kỳ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh (gọi tắt Chương trình), đồng thời đưa ra những giải pháp giảm nghèo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế trong thời gian đến.

Lồng ghép các chương trình, nguồn lực giảm nghèo bền vững
Xây dựng môi trường lao động an toàn

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong lao động, sản xuất được doanh nghiệp (DN), các cấp công đoàn chủ động thực hiện nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro gây ra.

Xây dựng môi trường lao động an toàn
Nhặt “lộc biển”

Từ sau tháng Giêng đến nay, sứa biển đã bắt đầu xuất hiện. Tùy theo con nước, sứa thường bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi biển thử vận may với việc nhặt sứa.

Nhặt “lộc biển”
Return to top