Được mùa cá cơm tại biển Quảng Công
Ký ức
Hồi còn học phổ thông, buổi đi học, buổi còn lại tôi cùng nhóm bạn trong xóm đi kéo lưới thuê để phụ giúp gia đình. Tôi và một người bạn được “biên chế” tại một chiếc xuồng nhỏ, làm nghề “bủa rùng”, chuyên kéo cá cơm, cá me, cá duội... ở ven bờ. Mỗi chuyến bủa lưới, chúng tôi cùng ba ngư dân nữa chèo thuyền ra biển vây cá, còn hai nhóm ngư dân khác khoảng 7-8 người đứng trên bờ, cầm chắc hai đầu lưới để kéo cá vào bờ. Khổ nỗi, chiếc thuyền bằng nan tre bị thủng nhiều lỗ, nước biển cứ tràn vào lênh láng. Những lúc như thế tôi chỉ biết nhắm mắt bủa lưới sao cho nhanh để chèo vào bờ...
Trong câu chuyện về một thời nghề biển, ông Trần Hùng trải lòng: “Nghề biển thời mô cũng vất vả. Nhưng so với 15-20 năm về trước thì nghề biển chừ quá sướng. Hồi trước, nghề biển thiếu thốn trăm bề. Thuyền thì rách nát, không có tiền sửa chữa. Máy móc thì cũ kỹ, bị banh (hư hỏng) trong khi làm nghề là chuyện thường. Lưới chài lạc hậu, rách nát, rất tốn nhiều thời gian chắp vá...”.
Vùng biển từ Điền Hòa đến Phong Hải (Phong Điền) có khoảng 500 chiếc thuyền máy, nhưng chỉ có mỗi ông Trần Thừa ở xã Phong Hải là sửa máy giỏi. Cũng nhờ “độc quyền” mà gia đình ông Thừa phất lên khá giả. Máy móc hư hỏng phải mất cả buổi, thậm chí một vài ngày mới sửa xong. Ngặt nỗi, không phải chỉ một vài thuyền mà có lúc đến cả chục chiếc bị hỏng.
Ngư dân Quảng Công với thành quả sau chuyến ra khơi
“Thợ thì ít nên phải mất nhiều ngày mới đến lượt máy của mình được sửa chữa. Những ngày máy hỏng thì thuyền phải nằm bờ. Nhiều lúc sốt ruột vì gánh nặng “cơm áo gạo tiền” nên phải chèo thuyền đánh bắt ven bờ. Thuyền máy cỡ 15CV mà chèo bằng tay thì không vất vả nào bằng, ai nấy đều mệt nhoài. Tôm cá ven bờ cũng rất ít nên mỗi chuyến nhiều lắm cũng chỉ chừng 5-10kg”, ông Nguyễn Thân ở thôn 11, xã Điền Hòa chia sẻ.
Nghề bủa lưới một thời phải kể đến là lưới “thanh ba” bủa cá thu, chủa, kè, ác mó... có giá trị kinh tế cao; hay lưới “một mắt” thì bủa cá trích, nục, bạc má, chỉ vàng, ghẹ... Các loại hải sản này đều có giá trị kinh tế, nhưng hiệu quả đánh bắt không cao. Lưới chài cũ kỹ, rách nát không có tiền sửa chữa, thay mới nên cứ sau mỗi chuyến đánh bắt trở về, cả nhà phải quây quần để vá cho chuyến sau. Lưới rách một vài “mắt” thì không sao, nhưng rách nhiều chỗ, nhiều lỗ thủng cỡ lớn thì cá chui ra hết. Nhiều lần cá “dô” (ngoi lên mặt nước) trắng xóa cả vùng biển nhưng khi bủa, kéo lưới lên thì chẳng được bao nhiêu...
Và bây giờ...
Trở lại các vùng bãi ngang ven biển Quảng Điền trong những ngày ngư dân trúng đậm mẻ cá cơm. Trên khuôn mặt của ngư dân, ai cũng nở nụ cười rạng rỡ mỗi khi thuyền về chở đầy ắp cá. Thuyền nào trúng đậm được hơn 2 tấn, ít cũng 7-8 tạ cá. Đây là vụ thứ hai ngư dân Quảng Điền trúng đậm cá cơm kể từ sau sự cố môi trường biển. Không chỉ cá cơm, mấy ngày gần đây, ngư dân đánh bắt gần bờ còn trúng nhiều mẻ cá nục, bạc má... cho thấy biển đã thật sự “hồi sinh”.
Ông Trần Khang ở xã Quảng Công (Quảng Điền), ngoài 60 tuổi vẫn còn theo con cháu tham gia đánh bắt gần bờ. Ông kể: “Thời tôm, cá dồi dào nhưng đánh bắt chẳng được là bao. Chỉ mỗi nghề “ra dạ” (kéo ruốc) gần bờ là hiệu quả nhất, nhiều hộ ổn định cuộc sống nhờ nghề này. Còn lại các nghề khác rất vất vả vì thiếu thốn ngư cụ, lại còn hư hỏng thường xuyên... Nghề biển bây giờ thì khác hẳn”.
TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh thông tin, thời điểm này, toàn tỉnh có khoảng 1.950 chiếc thuyền đánh bắt gần bờ, trong đó có đến trên 90% chiếc được lắp máy. Hầu hết ngư dân đầu tư ngư lưới cụ một cách thỏa đáng, đánh bắt hiệu quả. Công suất thuyền bình quân cao gấp rưỡi, gấp đôi so với cách đây 10 năm về trước. Người dân đa dạng hóa nghề đánh bắt gần bờ, như câu mực, câu cá ngừ, cá nục, mở rộng chiều cao, chiều dài các loại lưới trích, nục, bạc má, chỉ vàng, cá cơm...
|
Trước đây, chỉ có loại thuyền cỡ lớn 10-15CV, đánh bắt hải sản vùng biển khơi thì thuyền mới được lắp máy, xuồng nhỏ khai thác ven bờ chỉ chèo bằng tay. Còn bây giờ hầu hết từ thuyền to đến xuồng nhỏ đều được lắp máy. Các loại máy hiện nay đảm bảo chất lượng, hiếm khi xảy ra sự cố, khác với các loại máy trước đây chủ yếu là Hưng Đạo, ER19... thường xuyên hư hỏng.
Ông Nguyễn Hữu Truyền, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công cho biết, kinh tế biển đóng góp rất lớn trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Chính quyền địa phương vận động ngư dân cải hoán, mua sắm ngư lưới cụ để đánh bắt hiệu quả. Từ khi được lắp máy, người dân được giải phóng sức lao động khi ra vào lộng, ra khơi.
Các nghề “bủa xăm”, “bủa rùng”, câu mực vùng lộng... được chạy bằng máy rất nhanh nên đuổi kịp luồng cá để bủa lưới, hiệu quả cao. Mỗi chuyến đánh bắt tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với thời điểm trước. Ngư dân Trần Phúc ở xã Quảng Công chia sẻ, ngoài được lắp máy, hầu hết các thuyền đều đóng bằng gỗ kiền, khác với trước đây phần lớn mạn thuyền làm bằng gỗ chò, chất lượng thuyền không cao. Nan thuyền trước đây trét bằng dầu hắc, nay ngư dân thay bằng dầu rái, không chỉ đảm bảo chất lượng mà còn có tính thẩm mỹ.
Các loại lưới bây giờ không chỉ được cải tiến, chất lượng mà còn mở rộng chiều cao, chiều dài đánh bắt hiệu quả cao hơn. Giá trị một bộ lưới trích, nục, bạc má... cũng không quá cao nên khi hư hỏng nặng thì ngư dân có thể mua sắm mới, không còn chắp vá như trước, vừa tốn thời gian, lại đánh bắt kém hiệu quả.
Bài, ảnh: Hoàng Triều