Đào tạo nghề theo yêu cầu sẽ đáp ứng được nguồn lao động cho các doanh nghiệp
Nhu cầu lao động tăng
Được đánh giá là KKT trọng điểm khu vực miền Trung, KKT Chân Mây - Lăng Cô trong những năm qua đã thu hút được nhiều dự án đầu tư và đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 82.000 tỷ đồng. Trong đó, nổi bật đã thu hút một số nhà đầu tư trong và ngoài nước có thương hiệu đầu tư vào KKT như: Tập đoàn Banyantree, Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn SunGroup... Qua đó, đã giải quyết việc làm hơn 4.600 lao động.
Với hạ tầng kỹ thuật từng bước được đầu tư hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại, môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, thông thoáng, cùng với xu thế dịch chuyển ngày càng rõ ràng của các tập đoàn lớn ra khỏi các nước mạnh, phát triển sau đại dịch COVID-19, chắc chắn Chân Mây - Lăng Cô sẽ là địa chỉ thân thiện thu hút nhiều DN đến đầu tư sản xuất kinh doanh.
Ngoài việc thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các DN phát triển, công tác hỗ trợ tuyển dụng lao động cho DN luôn được Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh (BQL KKT, CN) xác định là khâu then chốt để tạo đột phá, tạo lợi thế khác biệt trong công tác thu hút, xúc tiến đầu tư so với các địa phương trong vùng Duyên hải miền Trung.
BQL đã từng bước chủ động trong việc xây dựng kế hoạch tạo việc làm hàng năm và 5 năm, nắm bắt nhu cầu của DN kết hợp với công tác dự báo để chủ động kết nối với các đơn vị tuyển dụng, đào tạo nghề nghiệp chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đề ra. Vì vậy, lao động tại KKT Chân Mây - Lăng Cô tăng trong những năm gần đây. Ngoài giải quyết việc làm cho hơn 4.600 lao động hiện có, giai đoạn 2021-2025, KKT Chân Mây - Lăng Cô dự kiến giải quyết việc làm cho khoảng 17.000 lao động và giai đoạn 2026 - 2030 giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 21.000 lao động.
Để đạt được mục tiêu giải quyết việc làm cũng như cung cấp nguồn lao động đáp ứng yêu cầu của DN, theo đại diện BQL KKT, CN, vẫn còn thách thức lớn cần phải vượt qua để giải quyết bài toán thu hút đầu tư đó là phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có kỹ năng tay nghề cao. Vì thực tế, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ nói chung còn thấp. Thậm chí nhiều DN hiện vẫn chưa biết đào đâu ra một nhóm lao động có tay nghề, kỹ thuật để vận hành dây chuyền đã được lắp đặt sản xuất.
Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực
Theo định hướng phát triển KKT Chân Mây - Lăng Cô, thời gian tới sẽ tập trung kêu gọi, phát triển các ngành công nghiệp thuộc thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh, ngành công nghiệp chủ lực về phát triển công nghiệp và xuất khẩu, tăng dần các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực may mặc, điện tử, lắp ráp ô tô…
Để có đủ nguồn nhân lực thuộc các ngành, lĩnh vực nói trên đáp ứng nhu cầu phát triển, BQL KKT, CN tỉnh tiến hành khảo sát, đánh giá nguồn nhân lực (hiện có và dự báo) trên địa bàn và mở rộng các vùng lân cận, bao gồm nguồn lao động của địa phương đi làm ăn xa có khả năng trở về. Bên cạnh đó, xây dựng các chính sách hỗ trợ cho DN, đa dạng hóa hình thức tuyển dụng nhân lực, như: tuyển qua nguồn lao động được đào tạo theo chương trình đào tạo nghề nông thôn, qua hợp đồng với các cơ sở đào tạo nghề và các trường đại học. Trong đó, không bỏ qua nhiệm vụ chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, cả về chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng giao tiếp... nhằm đáp ứng làn sóng đầu tư và chuyển dịch đầu tư mới từ các DN FDI.
Quan điểm của chính quyền cũng như của ngành lao động tỉnh, trong thời kỳ hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0, đào tạo nghề là nhiệm vụ cấp thiết, góp phần quan trọng cung ứng nhân lực cho tăng trưởng, tăng năng suất lao động, giúp NLĐ thoát “bẫy thu nhập trung bình”. Muốn đào tạo nghề thành công, đáp ứng yêu cầu phát triển đòi hỏi có các giải pháp đột phá, từ đổi mới khung pháp lý, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến đổi mới và hội nhập quốc tế về đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề và cả nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh về lộ trình học nghề và cơ hội việc làm đối với nhân lực nghề.
Nói gì thì nói, NLĐ được đào tạo, có tay nghề luôn chủ động và chiếm lợi thế vừa trong tìm kiếm việc làm, thu nhập của bản thân và vừa đáp ứng được các tiêu chuẩn, yêu cầu của DN. Để đáp ứng mong muốn này, các ngành, các trường, cơ sở đào tạo nghề phải nhập cuộc liên kết cùng DN đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho các dự án đầu tư tại KKT Chân Mây - Lăng Cô, trong đó tập trung vào nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân lực cho các ngành công nghệ cao.
Ngoài ra, các trường, cơ sở đào tạo cần liên kết đào tạo nghề theo địa chỉ và các loại hình đào tạo nghề mà DN cần hoặc để cung ứng hoạt động trong các ngành, lĩnh vực có lợi thế của tỉnh như: du lịch, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Thậm chí trong tương lai gần nên ưu tiên xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng các trường đào tạo, các trung tâm huấn luyện và chuyển giao công nghệ tại KKT Chân Mây - Lăng Cô. Khuyến khích các DN ưu tiên tiếp nhận và đào tạo lao động tại chỗ để giải quyết việc làm cho lao động của các hộ gia đình bị ảnh hưởng tại khu vực đầu tư dự án.
Theo dự báo của BQL KKT, CN tỉnh, giai đoạn 2020- 2025, KKT Chân Mây - Lăng Cô cần tuyển dụng khoảng hơn 12.000 lao động thuộc các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như: may mặc, sợi, cơ khí, điện tử, du lịch dịch vụ… Trong đó, Công ty TNHH Chế xuất Billion Max cần 2.500 lao động; 2 dự án sản xuất, lắp ráp ô tô cần khoảng 6.000 lao động; dự án của Công ty Laguna Việt Nam và Công ty CP Quốc tế Minh Viễn và một số dự án trong lĩnh vực du lịch dịch vụ cần khoảng 2.500- 3.000 lao động…
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG