ClockThứ Năm, 02/11/2017 13:31

Nguồn rong suy kiệt, nuôi cá lồng gặp khó

TTH - Hai năm trở lại đây, nguồn rong tảo trên vùng đầm phá dùng làm thức ăn cho cá trắm suy kiệt, khiến mô hình nuôi cá lồng trên phá Tam Giang ở huyện Quảng Điền hiệu quả thấp.

Bèo tây được dùng thay thế nguồn thức ăn từ rong tảo ngày càng cạn kiệt trên phá Tam Giang

Cách đây 2 năm, nuôi cá trắm cỏ bằng lồng trên phá Tam Giang là hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xã hội ở các xã vùng đầm phá huyện Quảng Điền. Tận dụng nguồn rong tảo trên đầm phá làm thức ăn, không chỉ giảm chi phí đầu tư mà cá nuôi còn chóng lớn.

Ông Trần Hiệu ở thôn Trung Làng, xã Quảng Thái thông tin, từ khi có mô hình nuôi cá lồng, chủ yếu cá trắm cỏ trên vùng đầm phá, đời sống của gia đình ông cũng như nhiều hộ dân được cải thiện rõ rệt. Hầu hết các hộ nuôi từ 3-5 lồng đã thoát được nghèo, có cơ hội vươn lên khá giả, như hộ ông Nguyễn Ty, Nguyễn Hiếu...

Hộ ông Hiệu nuôi 5 lồng cá trắm cỏ, mỗi năm một lứa. Giá bình quân từ 55-60 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí thức ăn, giống, mỗi lồng cá cho thu nhập từ 10-12 triệu đồng. Với 5 lồng cá nuôi, mỗi năm ông Hiệu thu lãi 50-60 triệu đồng.

Tuy nhiên, hiện nay, mô hình nuôi cá lồng trên phá Tam Giang khó khăn do nguồn rong tảo cạn kiệt.

Theo ông Ty, trước đây, có rong tảo, cá nuôi chỉ 10-11 tháng cho thu hoạch, bình quân mỗi con từ 2-2,5 kg. Chất lượng sản phẩm đảm bảo, thịt cá thơm ngon nên bán giá cao. Hai năm nay rong tảo cạn kiệt phải dùng bèo tây làm thức ăn, cá chậm lớn, mất một năm rưỡi mới thu hoạch, trọng lượng chỉ đạt 1-1,5 kg/con. Chất lượng cá giảm, giá bình quân cũng sụt giảm chỉ còn 37-38 ngàn đồng/kg.

Hiệu quả kinh tế ngày càng giảm khiến số lượng lồng nuôi sụt giảm đáng kể. Một số hộ bỏ nuôi, các hộ còn lại cũng giảm số lượng lồng, từ 4-5 lồng nay chỉ còn nuôi 1-2 lồng.

Ông Lê Mến, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Quảng Điền cho rằng, đến thời điểm này vẫn chưa nhận được phản ánh của các địa phương về tình trạng nguồn rong tảo trên đầm phá bị suy giảm, đồng thời cũng chưa rõ nguyên nhân cụ thể. Sắp đến ngành TN&MT huyện phối hợp với các ban ngành, các chuyên gia, nhà khoa học tổ chức kiểm tra, khảo sát để đánh giá thực trạng, tìm nguyên nhân, qua đó có biện pháp xử lý môi trường, tái tạo nguồn rong tảo.

Chủ tịch UBND xã Quảng Thái, ông Hoàng Tuấn Nam thông tin, từ năm 2015 trở về trước, toàn xã có 500 lồng cá trắm cỏ, tập trung tại hai thôn Trung Làng và Lai Hà. Sản lượng cá hằng năm đạt 200 tấn, thu nhập bình quân từ 8-10 tỷ đồng. Mô hình nuôi cá lồng giải quyết thời gian lao động nông nhàn, mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Hiện, số lồng nuôi chỉ còn khoảng một nửa so với trước. Quảng Thái hiện chỉ còn khoảng 200 lồng cá, chủ yếu ở thôn Trung Làng.

Chính quyền địa phương đã trích 150 triệu đồng từ vốn sự nghiệp của Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, hỗ trợ người dân mua vật liệu, con giống để khôi phục nghề nuôi cá lồng nhưng hiệu quả bấp bênh.

Ông Nam khẳng định, nguyên nhân chính khiến hiệu quả nuôi cá lồng thấp chủ yếu do thiếu nguồn rong tảo làm thức ăn. Cho cá ăn bèo tây thì chậm lớn, chất lượng sản phẩm thấp; nếu cho ăn bằng các loại bột công nghiệp thì không có lãi, thậm chí thua lỗ.

Theo ông Hoàng Tuấn Nam, đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân cụ thể dẫn đến nguồn rong tảo trên đầm phá bị suy kiệt. Người dân cho rằng, từ khi nguồn nước trên sông Ô Lâu đổ về đầm phá có màu đục cũng là lúc nguồn rong tảo ngày càng suy giảm.

Nghề nuôi cá lồng ở xã Quảng Lợi cũng lâm vào cảnh tương tự, từ vài trăm lồng trước đây, nay chỉ còn 80 lồng.

Ông Hồ Lành, Chủ tịch UBD xã Quảng Lợi bày tỏ sự lo ngại trước nguồn rong tảo trên đầm phá ngày càng suy kiệt. Nếu không có biện pháp bảo tồn, tái tạo rong tảo thì ngoài ảnh hưởng đến nghề nuôi cá lồng còn gây mất cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học trên vùng đầm phá...

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nuôi cá lồng tránh lũ

Từ kinh nghiệm nuôi cá lồng nhiều năm và hướng dẫn từ ngành chức năng cùng chính quyền địa phương, người dân ở Phú Lộc đã áp dụng các giải pháp để nuôi cá lồng giảm được rủi ro, thiệt hại trong mùa mưa lũ.

Nuôi cá lồng tránh lũ
Thả tôm sú và cua giống ra đầm phá

Hưởng ứng Ngày môi trường thế giới (5/6), Ngày Đại dương thế giới (8/6) và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (từ ngày 1/6 đến ngày 8/6), Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với Tỉnh Hội nghề cá, dự án WWF – Việt Nam tổ chức thả tôm, cua tái tạo nguồn lợi thủy sản đầm phá và phát động tháng hành động vì môi trường, vì một đại dương không rác thải nhựa.

Thả tôm sú và cua giống ra đầm phá
Phòng, chống trộm cắp thủy sản trên đầm phá

“Phòng, chống trộm cắp thủy sản trên đầm phá” tại phường Thuận An (TP. Huế) được Công an TP. Huế, Công an tỉnh đánh giá là một trong những phong trào “Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc” mang lại hiệu quả thiết thực tại cơ sở.

Phòng, chống trộm cắp thủy sản trên đầm phá
Return to top