Một điểm tập kết rác thải điện tử của TP. Huế
Bất cứ mỗi người trong chúng ta hiện nay ít hay nhiều đều sử dụng đồ điện tử. Một cá nhân, hay một gia đình đều có thể sở hữu chiếc tivi, một điện thoại, bếp điện, quạt máy... Khi các thiết bị này hết tuổi đời lại góp phần làm gia tăng của rác thải điện tử (RTĐT).
Nhận định từ Trung tâm Phát triển và hội nhập (CDI-Việt Nam), trung bình mỗi năm, một người Việt thải ra môi trường 1kg RTĐT. Nếu nhân với hơn 90 triệu dân hiện nay thì tổng lượng rác này thải ra mỗi năm là không ít.
RTĐT là loại rác thải cực độc hại, có nguy cơ hủy diệt môi trường (không khí, đất, nước) và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, như: các bệnh ung thư, đường hô hấp, tim mạch, thần kinh.
Một cán bộ điều phối Dự án "Huế - Thành phố giảm nhựa của miền Trung Việt Nam" do WWF-Việt Nam tài trợ đang triển khai ở TP. Huế cho rằng, sự thay đổi công nghệ nhanh chóng đã rút ngắn vòng đời của sản phẩm điện tử. Ở nhiều nước trên thế giới, các sản phẩm điện tử hư hỏng hoặc lỗi thời bị thải bỏ trở thành RTĐT đang phát triển với tốc độ nhanh gấp 3 lần các loại rác thải khác. Song, đến nay Việt Nam vẫn chưa có một nghiên cứu toàn diện về an toàn vệ sinh lao động trong ngành điện tử, cũng như các chương trình nâng cao nhận thức các tác động tiêu cực của ngành này đối với sức khỏe con người và môi trường.
Tại hội thảo "Cách mạng công nghệ 4.0-Thời cơ và thách thức của doanh nghiệp", do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức mới đây, một chuyên gia môi trường trao đổi bên lề, trong thời đại 4.0, tỷ lệ tiêu thụ thiết bị điện và điện tử ngày một cao. Trong khi đó vòng đời các thiết bị ngày một ngắn, dẫn đến số RTĐT bị thải loại ngày một nhiều. Tuy nhiên, tỷ lệ RTĐT được tái chế rất thấp. Nếu một lượng lớn RTĐT không được chôn lấp, xử lý đúng cách, bị vứt bừa bãi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và nguồn nước vì loại rác thải này chứa nhiều chất độc hại, như: chì, asen và cadmium… Do đó, vấn đề kiểm soát RTĐT cần được các ngành chức năng quan tâm hơn. Nhất là việc chú trọng thực hiện Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.
Ngành chức năng cần chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ. Chính quyền sở tại cần chú trọng ban hành chính sách, thực hiện hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất thiết lập các điểm thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ trên địa bàn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trước khi quyết định loại bỏ một sản phẩm điện tử. Nếu sản phẩm còn có thể sửa chữa thì nên sửa chữa để sử dụng. Nếu sản phẩm còn giá trị thì có thể trao đổi mua bán. Trong trường hợp sản phẩm không thể sử dụng, nên đưa đến nơi tái chế hoặc bán lại cho người có nhu cầu tái chế; tránh vứt bỏ bừa bãi gây ảnh hưởng đến môi trường.
Hiện nay TP. Huế đang đồng hành với DA "Huế - Thành phố giảm nhựa của miền Trung Việt Nam". Mong rằng có sự phối hợp hỗ trợ nhiều giải pháp trong việc thu gom, xử lý liên quan đến loại RTĐT tại địa phương thiết thực, hiệu quả hơn.
Bài, ảnh: Song Văn