ClockThứ Sáu, 28/06/2024 06:53

Nhiều sai phạm tại các mỏ khai thác khoáng sản

TTH - Quá trình thanh tra việc chấp hành các quy định trong hoạt động khai thác khoảng sản tại 28 mỏ trên địa bàn tỉnh, đã phát hiện nhiều mỏ khai thác đất làm vật liệu san lấp (VLSL) vi phạm về sản lượng khai thác, tiến hành khai thác đất trước khi làm thủ tục thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Quản lý mỏ khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng

Nhiều mỏ đất trên địa bàn vi phạm về sản lượng khai thác, tiến hành khai thác đất trước khi làm thủ tục thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng 

Hiện nay trên địa bàn tỉnh trong quy hoạch 45 khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản với diện tích hơn 834ha, trữ lượng tài nguyên dự báo hơn 60 triệu m3. Đến nay, UBND tỉnh đã cấp phép 38 khu vực mỏ, trong đó có 20 mỏ còn hiệu lực với tổng diện tích 360ha, tổng trữ lượng hơn 18 triệu m3.

Tháng 6/2024, Thanh tra tỉnh đã tổ chức công bố kết luận thanh tra việc cấp phép, quản lý, khai thác mỏ khoáng sản đất làm VLSL trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn từ 2017-2022. Theo đó, cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định trong việc cấp phép thăm dò, khai thác, quản lý khai thác, đất đai, bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản đối với 28 mỏ trên địa bàn tỉnh.

Kết quả thanh tra việc kê khai và thực hiện nghĩa vụ tài chính tại các đơn vị khai thác cho thấy, có 19/28 mỏ có vi phạm trong việc kê khai thiếu sản lượng, kê khai không đúng thuế suất, đơn giá tính thuế tài nguyên, hệ số tính phí bảo vệ môi trường (BVMT) theo phương pháp khai thác lộ thiên. Sản lượng khai thác lớn hơn so với giấy phép khai thác (GPKT) được cấp, dẫn đến phải xử lý truy thu nộp vào ngân sách nhà nước số tiền hơn 4,56 tỷ đồng.

Cụ thể, có 15/28 mỏ kê khai thiếu thuế tài nguyên với số tiền hơn 2 tỷ đồng đồng; 16/28 mỏ kê khai thiếu phí BVMT với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng; 4/28 mỏ khai thác sản lượng lớn hơn so với GPKT được cấp dẫn đến phải truy thu giá trị khoáng sản thu được đối với sản lượng khai thác lớn hơn giấy phép số tiền là hơn 1,3 tỷ đồng. Trách nhiệm của các vi phạm trên thuộc về giám đốc và các cá nhân có liên quan của các đơn vị khai thác.

Kết luận thanh tra cũng chỉ ra nhiều vi phạm đối với các mỏ khai thác khoáng sản đất làm VLSL ở các địa phương. Trong đó, có 12/28 mỏ được UBND tỉnh cấp GPKT khoáng sản và các đơn vị khai thác chưa thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng và lập phương án trồng rừng thay thế, nhưng đã tiến hành khai thác là không đúng theo quy định của Luật Phát triển và Bảo vệ rừng năm 2004 và Luật Lâm nghiệp năm 2017.

Trách nhiệm vi phạm trên thuộc về giám đốc của các đơn vị khai thác. Trách nhiệm do chưa kịp thời kiểm tra và phát hiện các vi phạm của các đơn vị khai thác thuộc về giám đốc, chi cục trưởng chi cục kiểm lâm và các cá nhân có liên quan của Sở NN&PTNT qua các thời kỳ.

Với chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp Sở NN&PTNT chưa xử lý vi phạm hành chính đối với các đơn vị thực hiện khai thác khoảng sản đất làm VLSL khi chưa thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật.

Có 1/28 mỏ là mỏ của Công ty TNHH Tân Bảo Thành được UBND tỉnh cho thuê đất diện tích hơn 98.840m2, nhưng Sở TN&MT không tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất đối với diện tích này (toàn bộ diện tích này do UBND phường Hương Vân quản lý) là chưa đúng theo quy định.

Có 6/28 mỏ được UBND tỉnh cấp GPKT, nhưng các đơn vị này không thực hiện các thủ tục thuê đất là không đúng quy định dẫn đến không thực hiện các nghĩa vụ của người sử dụng đất (nộp tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp).

Sở TM&MT, Ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh vẫn không có biện pháp quyết liệt, kịp thời để ngăn chặn việc khai thác. Hiện nay, 6 mỏ này này đã hết thời hạn khai thác hoặc tạm dừng khai thác nhưng Sở TN&MT chưa tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất để bàn giao địa phương quản lý.

Kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh cũng chỉ ra rằng, có 8/28 mỏ không thực hiện đầy đủ các quy định trong quá trình khai thác như không lắp đặt camera giám sát, không bố trí trạm cân, không bố trí trạm vệ sinh xe tại cổng khu mỏ.

Trước đó, tại Thông báo số 751/TB-KTNN ngày 23/8/2022 về kiểm toán chuyên đề công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017 – 2020, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra việc nhiều mỏ không lắp đặt trạm cân, camera giám sát nhưng vấn đề này đến nay vẫn không được khắc phục triệt để.

Theo Thanh tra tỉnh, trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban ngành, địa phương trong việc tháo gỡ những vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác các mỏ VLSL, do đó đã giải quyết kịp thời nhu cầu đất san lấp, phục vụ các công trình, dự án trọng điểm.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Sở TM&MT, Sở NN&PTNT, Ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh, các đơn vị khai thác khoáng sản vẫn còn những thiếu sót, vi phạm trong việc cấp GPKT, hoạt động khai thác, thực hiện các quy định về đất đai, BVMT, đóng cửa mỏ, chuyển mục đích sử dụng rừng, thực hiện các nghĩa vụ tài chính.

Từ những vi phạm phát hiện tại kết luận thanh tra, Thanh tra tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, Ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh nghiêm túc tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xác định rõ trách nhiệm đối với tập thể và các cá nhân có liên quan đối với các thiếu sót, vi phạm.

Các sở, ngành tăng cường công tác phối hợp trong việc thực hiện các thủ tục về đầu tư, cấp GPKT, thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đảm bảo quy định pháp luật. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản, môi trường, đất đai đối với các đơn vị được cấp phép để kịp thời ngăn chặn, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật của các đơn vị khai thác.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1: Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”

Huế được mệnh danh là “Thành phố vườn” với gần 100 nhà vườn, nhà rường cổ (gọi chung là nhà vườn Huế). Mỗi ngôi nhà vườn như một “Bảo tàng sống” chứa đựng những giá trị về văn hóa và đời sống lễ nghi, hương vị ẩm thực và phong cách ứng xử của người dân. Phát triển du lịch gắn với trùng tu và chống xuống cấp là giải pháp tối ưu nhằm giữ lại nhà vườn, giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy giá trị di sản Cố đô theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1 Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”
Kiểm soát chặt sản lượng khai thác khoáng sản

Hiện trên địa bàn tỉnh còn có 53 mỏ khai thác khoáng sản đang hoạt động, nhưng có 2 mỏ chưa lắp đặt trạm cân và camera tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực. Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã yêu cầu 2 chủ mỏ này tạm dừng hoạt động khai thác.

Kiểm soát chặt sản lượng khai thác khoáng sản
Khai thác thị trường du lịch y tế

Nhu cầu du khách nước ngoài đến Việt Nam để kết hợp giữa du lịch nghỉ dưỡng và khám, chữa bệnh rất cao. Với thương hiệu y tế của cả đông - tây y và đặc điểm yên bình của Huế, du lịch Cố đô có thể đầu tư khai thác thị trường tiềm năng này.

Khai thác thị trường du lịch y tế

TIN MỚI

Return to top