Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tính tới nửa đầu tháng 2/2019, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường EU đạt 33,1 triệu USD, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là những tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường EU trong những tháng tiếp theo.
Cũng trong thời gian này, giá trị cá tra xuất khẩu sang 4 thị trường đơn lẻ nhập khẩu lớn nhất là: Hà Lan, Anh, Đức, Bỉ cũng tăng mạnh, lần lượt là 2,2%; 36%; 73,7% và 89% so với cùng kỳ năm 2018.
Nhiều tín hiệu vui cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong năm 2019. (Ảnh minh họa: KT)
Thống kê của Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) cho thấy, năm 2018, phile cá Cod đông lạnh vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nhập khẩu của EU, chiếm từ 22 - 31% tổng nhập khẩu cá thịt trắng, cá phile cá Alaska pollack chiếm từ 12-20%.
Phần lớn cá tra nhập khẩu vào thị trường EU là cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, một số thị trường cũng đang nhập khẩu cá tra từ Indonesia nhưng so với tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam không lớn.
Hầu hết philê cá tra được nhập khẩu vào châu Âu dưới dạng philê đông lạnh. Sản phẩm chế biến sơ cấp hay một số loại sản phẩm gia tăng giá trị khác lại được thực hiện tại các công ty chế biến thủy sản ở châu Âu.
Năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu phát triển ngành hàng cá tra phấn đấu đạt sản lượng 1,51 triệu tấn (tăng 6,6%), kim ngạch xuất khẩu khoảng 2,4 tỷ USD (tăng 12%).
Để đạt mục tiêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, sản xuất cá tra thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó tập trung đầu tư phát triển cá tra đi vào chiều sâu để nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững. Đẩy mạnh việc mở rộng thị trường tiêu thụ.
Theo VOV