ClockThứ Hai, 02/01/2017 14:07

Nông nghiệp công nghệ cao hấp dẫn nhiều nhà đầu tư Việt

Vài năm gần đây, nhiều “đại gia” trên sàn giao dịch chứng khoán “quay hướng” đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; trong đó phải kể đến Vingroup, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai…

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Mặc dù kết quả còn nhiều vấn đề phải bàn nhưng bước đầu đã hình thành làn sóng đầu tư mới trong nền kinh tế.

Đáng chú ý, mới đây, một số doanh nghiệp thành công trên các lĩnh vực như công nghiệp cơ khí, bất động sản, công nghệ thông tin… cũng “nhen nhóm” đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.

Khi “đại gia” quan tâm đến nông nghiệp

Hẳn với nhiều người, “công nghiệp cơ khí” hay “cơ khí chế tạo ôtô” và “nông nghiệp” không có liên quan gì với nhau.

Thế nên, khi ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ôtô Trường Hải tham dự một hội nghị về nông nghiệp lại chia sẻ có ý định đầu tư vào lĩnh vực này đã mang đến nhiều bất ngờ cho những người tham dự.

Dưới góc quan sát của vị “đại gia” trong lĩnh vực công nghiệp này thì nền nông nghiệp Việt Nam hiện có một số đặc điểm, đó là khó có thể phát triển nếu thiếu mô hình công nghiệp trong nông nghiệp. Đồng thời, không có các ngành khác kiếm ra tiền để bù lỗ cho nông nghiệp.

Do vậy, các doanh nghiệp công nghiệp có vốn, có khả năng tổ chức quản trị nên “dấn thân” vào nông nghiệp, để tạo ra mô hình điển hình chuẩn trong sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Trần Bá Dương, khâu vận chuyển, bảo quản sau thu hoạch đang là “điểm yếu” của ngành nông nghiệp hiện nay.

Tuy nhiên, việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp cần dựa trên điều kiện thực tế sản xuất trong nước, không nên bê nguyên xi từ nước ngoài, vì rất khó cạnh tranh với các nước này.

Hiện, công ty này đang xây dựng kế hoạch phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) xây dựng tổ hợp công nghiệp sau thu hoạch lúa tại miền Bắc, bao gồm cả vận chuyển và thu hoạch chế biến, với chi phí tương đối phù hợp, để tạo mô hình hiện đại mang đặc điểm của Việt Nam.

Tự nhận mình là người “ngoài ngành” nhưng rất tâm huyết với lĩnh vực nông nghiệp, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) chia sẻ, hiện nay tỷ trọng doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp quá ít.

Vì vậy, việc phát động doanh nghiệp đầu tư vào ngành cần hướng đến phân khúc nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm chất lượng cao.

Bởi an toàn thực phẩm đang là vấn đề “nhức nhối” của toàn xã hội. Nếu không làm ngay, làm nhanh thì sẽ bị căn bệnh ung thư tấn công, nguy cơ ảnh hưởng đến “giống nòi” người Việt trong tương lai.

Theo ông Tiền, muốn đầu tư nông nghiệp thành công thì doanh nghiệp phải có diện tích đất sản xuất và vốn đủ lớn.

Do vậy, các chính sách hỗ trợ cần hướng đến vấn đề này để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển.

“Để hỗ trợ nhà ở cho người có thu nhập thấp, thông qua Bộ Xây dựng, Chính phủ cho ra đời một gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Vậy với sản xuất nông nghiệp sạch, liệu Chính phủ có chính sách hỗ trợ tương tự, thậm chí có thể cao hơn, bởi đại đa số người dân Việt Nam vẫn làm nông nghiệp ?,” ông Vũ Văn Tiền đặt vấn đề.

Duyên cớ để những “đại gia” như ông Vũ Văn Tiền, Trần Bá Dương quan tâm và có ý định đầu tư vào nông nghiệp có lẽ cũng giống như ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần FPT kiêm Chủ tịch Câu lạc bộ Nông nghiệp Công nghệ cao (DAA).

​Ông Trương Gia Bình chia sẻ: “Chúng ta có dòng máu nông dân trong người, vì thế càng trăn trở với cái nghèo khó của người nông dân, nỗi lo ngộ độc thức ăn của người dân Việt Nam. Chúng tôi khát khao một ngày nào đó nông dân Việt Nam có thể sống sung túc như những nông dân ở xứ sở Bắc Âu và Việt Nam sẽ trở thành một cường quốc nông nghiệp.”

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp trong tổng số 600.000 doanh nghiệp hiện có.

Với số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn quá ít thì việc tham gia của các “đại gia” vào ngành được kỳ vọng sẽ mở ra “chương mới” cho nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, những vướng mắc trong đầu tư nông nghiệp vẫn luôn là rào cản cho các doanh nghiệp có ý định đầu tư, nhất là chính sách đất đai và tín dụng.

Tại hội nghị xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam vừa được tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện DAA kiến nghị Thủ tướng sáng kiến xây dựng Khu tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao.

Thực chất, đây là một mô hình mới được xây dựng để ứng xử với nông nghiệp như công nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư vào ngành, đặc biệt là liên quan đến vấn đề đất đai và có thể cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Theo ông Trương Gia Bình, mô hình này đưa ra cách làm mới nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết giá trị, doanh nghiệp hóa nông nghiệp, nông dân.

Qua đó, sẽ góp phần thay đổi ngành nông nghiệp Việt Nam từ sản xuất truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, từ ngành có giá trị gia tăng và tốc độ tăng trưởng thấp sang ngành có giá trị vượt trội so với các ngành công nghiệp truyền thống và hình thành một chuỗi giá trị nông nghiệp hiệu quả cạnh tranh cùng các sản phẩm có chất lượng.

Đánh giá cao dự án này của DAA Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nếu DAA có đủ điều kiện thành lập, duy trì Khu tổ hợp này, Chính phủ hoàn toàn nhất trí và sẽ tạo điều kiện thuận lợi để DAA triển khai ý tưởng này.

Thủ tướng cũng nêu rõ, không phải chỉ có địa phương được quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao mới được phép đầu tư sản xuất vào lĩnh vực này mà mọi nông dân Việt Nam bất kể vùng miền, quy mô nào đều được khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Tuy nhiên, việc này không nên làm theo phong trào mà cần có hiệu quả, bền vững, phải coi đây là một xu hướng phát triển của đất nước.

Ngoài ra, với những vấn đề đang "trói buộc" sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng đã giao các bộ, ngành liên quan tổng hợp trình Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền sớm sửa đổi, khắc phục.

Chính phủ đang nghiên cứu thành lập thí điểm ngân hàng về quỹ đất và xem xét thành lập thị trường sử dụng đất để nâng cao hiệu quả lĩnh vực này; đi cùng với đó là phát triển thêm một số quỹ bảo hiểm nông nghiệp để hỗ trợ nông dân.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ tín dụng, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hiện đã có gói tín dụng ưu đãi 50.000 tỷ đồng cho các đối tượng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và được giao cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện.

Tuy nhiên, để tránh bị “mắc nghẽn” ở khâu thực hiện, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có cơ chế vay thuận lợi và cho nhiều ngân hàng thương mại triển khai nhằm phù hợp với nguyên tắc cạnh tranh của kinh tế thị trường, đồng thời hạn chế tiêu cực và nâng cao chất lượng tín dụng.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Tại huyện A Lưới, công nghệ cao đang được đưa vào áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ở các mô hình chăn nuôi và trồng trọt, đem lại nhiều tín hiệu tích cực cho nền kinh tế địa phương.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp

A Lưới chủ động lồng ghép các nguồn lực từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp từng bước theo hướng toàn diện, góp phần nâng cao đời sống của người dân và góp phần giảm nghèo bền vững.

A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp
Nền tảng thúc đẩy sản phẩm nông nghiệp phát triển

Được xem là trụ đỡ của nền kinh thế, ngành nông nghiệp luôn được quan tâm để từng bước tận dụng tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Theo đó, HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết (NQ) hỗ trợ sản xuất nông nghiệp (SXNN) nhằm tạo hiệu quả cao.

Nền tảng thúc đẩy sản phẩm nông nghiệp phát triển

TIN MỚI

Return to top