ClockThứ Bảy, 28/11/2020 12:24

A Lưới: Khắc phục thủy lợi, không bỏ ruộng hoang

TTH - Chủ tịch UBND huyện A Lưới, ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, bằng mọi giá phải sửa chữa, khắc phục hồ đập, kênh mương thủy lợi đảm bảo sản xuất nông nghiệp, nhất là vụ đông - xuân sắp đến.

Ứng phó hạn, mặn cho vụ hè thuRau màu Quảng Điền thiệt hại nặng vì khô hạn

Cụm công trình đầu mối Cầu Máng hư hỏng nặng

Hệ thống thủy lợi thiệt hại nặng

Chủ tịch UBND xã A Roàng, ông Hồ A Lua thông tin, các trận bão, lũ lớn liên tiếp vừa qua làm nhiều hạng mục công trình, kênh mương thủy lợi trên địa bàn hư hỏng, bồi lấp. Đập thủy lợi thôn A Roàng 2, đường ống thủy lợi thôn A Lô… hư hỏng nặng.

Trong số hệ thống thủy lợi hư hỏng, thiệt hại phải kể đến các kênh mương, thủy lợi Kim Sơn, xã Hồng Kim bị san lấp 200m; đập dâng Khe Triết, xã Đông Sơn bị lũ cuốn trôi hoàn toàn; đập thủy lợi thôn A Roàng 2, đường ống thủy lợi thôn Ka Lô và nhiều công trình trên địa bàn xã A Roàng bị hư hỏng nặng; đập đầu mối thủy lợi A Tin, thủy lợi Chi Hòa bị bồi lấp hoàn toàn. Cụm công trình đầu mối Cầu Máng phục vụ tưới cho 20 ha lúa ở khu tái định cư xã Hồng Thượng bị hư hỏng nặng.

Đất đồi phía bờ tả của vai tràn hồ thủy lợi A Lá bị sạt lở chiều dài 20m, rộng 10m, cao 5m, kéo theo cây cối đổ ngã, đất đá vùi lấp vào phần đuôi tràn với khối lượng ước tính khoảng 1.000m3. Nhà quản lý và nhiều trạm bơm thủy lợi bị tốc mái tôn và xà gồ khoảng 200m2. Hơn 445,5m kênh mương bị sạt lở mái và sập tường. 1.400m đê bao, bờ vùng bị sạt lở, vỡ đê. Hệ thống đường ống dẫn nước bị trôi và vỡ 556m. Đất cát bồi lấp lòng kênh, đầu mối đập dâng và các đập tạm bị vỡ 7.000m3...

Khắc phục tạm thời cho vụ đông xuân

Ông Hồ Văn Tôi, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn cho rằng, bỏ hoang đồng ruộng là điều không thể đối với địa phương vì vấn đề an ninh lương thực, an sinh xã hội. Sau bão, lũ, chính quyền địa phương yêu cầu các HTX huy động lực lượng, tạm trích kinh phí sửa chửa tạm thời các công trình thủy lợi, nạo vét đồng ruộng, kịp thời sản xuất vụ đông - xuân.

Người dân và các hội, đoàn thể cùng với sự hỗ trợ của lực lượng bộ đội biên phòng ra quân thau vét đồng ruộng, đến nay cơ bản hoàn thành. Một số công trình hư hỏng nhẹ cũng được gia cố tạm thời. “Riêng đập dâng Khe Triết bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, đến nay chưa thể triển khai khắc phục vì đòi hỏi kinh phí lớn. Địa phương cần sự hỗ trợ kinh phí của các cấp, ngành để xây dựng lại công trình này”, ông Tôi kiến nghị.

Ông Văn Lập, Trưởng phòng NN&PTNT A Lưới thông tin: Trên địa bàn huyện có 58 công trình thủy lợi hư hỏng, bồi lấp, ước thiệt hại gần 10 tỷ đồng và hơn 130 ha ruộng lúa, hoa màu bị bồi lấp trầm trọng. Trước mắt, các địa phương, HTX tự trích kinh phí, tổ chức nạo vét đồng ruộng, sửa chữa, gia cố tạm thời các công trình hư hỏng nhẹ, kịp thời sản xuất vụ đông - xuân.

Đối với các xứ đồng bị bồi lấp nhẹ, các địa phương huy động lực lượng đoàn thể, Nhân dân và các thiết bị máy móc nạo vét bằng thủ công. Các diện tích đồng ruộng bị bồi lấp nặng, huyện sẽ có phương án hỗ trợ kinh phí cho các địa phương, Nhân dân nạo vét bằng thiết bị máy móc, cơ giới. Những công trình thủy lợi, diện tích ruộng lúa chưa thể sửa chữa, nạo vét kịp thời có thể tạm thời chuyển đổi sang trồng ngô nhằm không để bỏ hoang và đảm bảo đời sống Nhân dân thời kỳ giáp hạt.

Theo quan điểm của huyện, bằng mọi nỗ lực, biện pháp huy động, tranh thủ nguồn lực kinh phí để sửa chữa, khắc phục hệ thống thủy lợi, nạo vét đồng ruộng phục vụ sản xuất lúa; hạn chế tối đa việc chuyển đổi các diện tích lúa sang trồng ngô và hoa màu. Tuy nhiên, nguồn kinh phí của huyện có hạn, Nhân dân còn nhiều khó khăn nên cần sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh nhằm sớm triển khai sửa chữa, khắc phục các công trình.

Theo Phòng NN&PTNT huyện A Lưới, vụ lúa đông-xuân của huyện bắt đầu triển khai gieo cấy từ giữa tháng 12 trở đi; đối với lúa cạn bắt đầu làm đất, gieo cấy ngay sau khi thu hoạch đông-xuân (khoảng từ 20/4 – 30/5 năm sau). Việc khắc phục hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu cần phải khẩn trương, kịp thời.

Bài, ảnh: HOÀNG THẾ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đua với sóng dữ

Dẫu biết đó là cuộc đua không dễ để cân sức, nhưng các lực lượng ứng phó với tình huống khẩn cấp chống sạt lở bờ biển do ảnh hưởng của cơn bão số 6 (TRAMI) vừa qua đã đua với thời gian, với những con sóng dữ bằng quyết tâm cao nhất giữ cho được bờ biển.

Đua với sóng dữ
A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp

A Lưới chủ động lồng ghép các nguồn lực từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp từng bước theo hướng toàn diện, góp phần nâng cao đời sống của người dân và góp phần giảm nghèo bền vững.

A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp
Hiểu Luật An ninh nguồn nước để nuôi trồng thuỷ sản

Đó là nội dung của hội thảo diễn ra ngày 29/10 tại TP. Huế do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển xã hội (CSRD) phối hợp tổ chức, thông qua dự án “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất định hướng phát triển thuỷ sản-mô hình nuôi cá lồng tại huyện A Lưới”. Đại diện lãnh đạo Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi Biến đổi khí hậu (CEWAREC) và CSRD dự, chỉ đạo hội thảo.

Hiểu Luật An ninh nguồn nước để nuôi trồng thuỷ sản
Return to top