ClockThứ Bảy, 18/07/2020 06:30

An cư lập nghiệp ở Bến Ván

TTH - Sau 16 năm được định cư do ảnh hưởng dự án hồ Tả Trạch, hàng trăm hộ dân ở khu tái định cư Bến Ván (xã Lộc Bổn, Phú Lộc) có cuộc sống ổn định. Nhiều hộ có kinh tế khá giả.

Bước chuyển ở Lộc Bổn

Nhiều căn nhà khang trang trị giá tiền tỷ của các hộ thuộc diện định cư ở khu tái định cư Bến Ván

Về thông tin chuyển nhượng đất đai tại Bến Ván, Chủ tịch UBND xã Lộc Bổn, ông Võ Đại Thắng cho biết, các trường hợp chuyển nhượng nhà, đất ở khu tái định cư này rất ít, đều được địa phương rà soát kỹ.

Làm giàu trên đất tái định cư

Khu tái định cư Bến Ván được thành lập tháng 7/2004, với tổng số 224 hộ, gồm 1.015 nhân khẩu. Đây là số hộ di dời do ảnh hưởng dự án hồ Tả Trạch. Mỗi hộ định cư được cấp đất ở 500m2 và 2.000m2 đất vườn, ngoài ra mỗi khẩu được cấp 1.200m2 đất nông nghiệp để đảm bảo điều kiện sản xuất.

Theo ông Hồ Đa Thê, Trưởng thôn Hòa Lộc (thuộc khu tái định cư Bến Ván), từ khi định cư đến nay, đời sống của bà con nơi đây khá lên rất nhiều. Từ con số 120 hộ nghèo trong tổng số 224 hộ, đến nay khu tái định cư này chỉ còn hơn 15 hộ nghèo. Nhiều hộ làm ăn khá giả, giàu có, thậm chí có cả xe con, nên việc bán đất đai để chuyển đi nơi khác là rất ít, chủ yếu chỉ một vài hộ già cả, neo đơn, do hoàn cảnh gia đình.

Để minh chứng điều này, ông Thê đưa chúng tôi thăm một vòng quanh khu tái định cư. Khu tái định cư bây giờ nhiều căn nhà khang trang trị giá tiền tỷ mọc lên, nhiều hộ có cả xe con 7 chỗ đời mới đậu trước nhà.

Gia đình ông Nguyễn Chí Lưu sau khi định cư được Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi, đã đầu tư mua bò phát triển chăn nuôi. Tích lũy vài năm, ông tiếp tục mua vài ha rừng và mở rộng buôn bán gỗ dăm, gỗ rừng trồng. Đến nay, ông Lưu đã có trong tay 10ha rừng trồng, cũng là điểm thu mua gỗ dăm, gỗ rừng trồng lớn trong vùng. Mới đây, ông Lưu đã tậu chiếc xe con hơn 1,2 tỷ đồng.

Hộ ông Đặng Thi cũng thuộc diện hộ giàu có trong khu tái định cư. Từ một hộ nghèo được hỗ trợ đào tạo nghề, sau thời gian làm nghề chăm sóc, khai thác rừng thuê, ông Thi tích lũy mua chiếc xe tải chở gỗ thuê cho các chủ rừng. Khi có ít vốn liếng, vợ chồng ông đầu tư mua rừng trồng, đầu tư thêm xe múc để làm ăn. Đến nay, mỗi năm vợ chồng ông Thi thu nhập trên 1 tỷ đồng, trở thành hộ kinh doanh giỏi được Trung ương Hội Nông dân khen thưởng.

Cũng theo ông Hồ Đa Thê, nhiều hộ trước đây là hộ nghèo nhưng nhờ biết tích lũy, chịu khó làm ăn đã trở thành hộ giàu có của xã. Các hộ khác không có điều kiện đầu tư kinh doanh thì trở thành lao động cho các chủ rừng, cơ sở sản xuất, thu mua dăm gỗ, dịch vụ vận tải trong khu định cư, có thu nhập ổn định. Đa số bà con ở đây đều xác định an cư lập nghiệp, ổn định lâu dài tại Bến Ván.

Rà soát kỹ các hộ chuyển nhượng đất

Ông Võ Phương Long, cán bộ Văn phòng UBND xã Lộc Bổn cho biết, khu tái định cư Bến Ván đến nay đã tăng lên 260 hộ. Số hộ tăng lên hầu hết là con cái các gia đình tách hộ, được cha mẹ cho đất ra ở riêng.

Ông Hồ Đa Thê, Trưởng thôn Hòa Lộc cho hay, con trai ông sau khi lập gia đình tách hộ, ông đã lập thủ tục tách thửa đất cho con trai mình. “Hầu như số hộ trong khu tái định cư tăng lên đều do các gia đình tách thửa cho con...” - ông Thê khẳng định.

Tìm hiểu về việc mua bán chuyển nhượng đất đai ở khu tái định cư này, ông Thê cho biết, có một số ít trường hợp trong khu định cư chuyển nhượng nhà, đất do điều kiện gia đình. Cụ thể như trường hợp ông La Phước Thạnh, thuộc diện hộ dân định cư ở đây, năm 2019 đã cắt một phần đất 200m2 chuyển nhượng lại cho ông Nguyễn Văn Ngữ, ở thôn Thuận Hóa, cùng xã Lộc Bổn. Hay như trường hợp gia đình ông Nguyễn Thanh Nhã và bà Lê Thị Dư, sau một thời gian sinh sống đã chuyển nhượng lại nhà và đất để chuyển vào Nam sinh sống.

Ông Nguyễn Văn Ngữ, người đến mua đất làm nhà sinh sống ở đây cho biết: “Gia đình tôi làm kinh tế trang trại sát với khu tái định cư này, nên việc mua lại miếng đất ở đây để làm nhà ở nhằm tạo thuận lợi hơn trong công việc hằng ngày. Việc mua bán được lập thủ tục đầy đủ theo đúng quy định của Nhà nước”.

Chủ tịch UBND xã Lộc Bổn, ông Võ Đại Thắng cho biết, các trường hợp chuyển nhượng nhà, đất ở khu tái định cư Bến Ván rất ít, đều được địa phương rà soát kỹ, hầu hết là chuyển về quê sinh sống với con cháu. Việc mua bán chuyển nhượng đều phù hợp với quy định của Luật đất đai và các văn bản liên quan. Chính quyền địa phương đã tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn, nhất là ở khu vực Bến Ván nhằm không để xảy ra tình trạng đầu cơ đất đai. Đồng thời, quan tâm tạo điều kiện về vốn vay ưu đãi, hỗ trợ con giống, cây trồng, tập huấn quy trình sản xuất cho các hộ nghèo ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo chính sách định cư cho người dân.

Bài, ảnh: BÁ TRÍ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người nghèo

A Lưới từ lâu đã gắn liền với hình ảnh đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chăm chỉ làm ăn, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Mơ ước về một ngôi nhà kiên cố để tránh bão lũ, bảo vệ gia đình khỏi thiên tai với nhiều người vẫn còn là điều xa vời. Với sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách ưu đãi về tín dụng, giấc mơ của nhiều người dân dần trở thành hiện thực.

Hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người nghèo
Chủ động ứng phó với sạt lở để an cư

Việc xác định các vị trí có biểu hiện trượt lở đất và các vấn đề địa chất khác có liên quan để đưa vào cơ sở dữ liệu hiện trạng trượt lở đất đá trên địa bàn tỉnh nhằm giúp các địa phương chủ động trong công tác ứng phó, cũng như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

Chủ động ứng phó với sạt lở để an cư
Giúp người nghèo an cư, ổn định cuộc sống

Cùng với các hoạt động trao quà hay hỗ trợ các mô hình sinh kế nhằm giúp hộ nghèo, cận nghèo có việc làm, tăng thu nhập, từ đầu năm đến nay, các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn TP. Huế huy động nguồn lực, hỗ trợ kinh phí xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo, giúp người dân an cư, ổn định cuộc sống.

Giúp người nghèo an cư, ổn định cuộc sống
An cư trong những ngôi nhà Đại đoàn kết

Những ngôi nhà Đại đoàn kết không những giúp người nghèo có nơi an cư, thêm động lực để vươn lên trong cuộc sống, mà còn là minh chứng cho sự tin tưởng, gửi gắm của cộng đồng đối với cơ quan Mặt trận các cấp, với phương châm tất cả vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau.

An cư trong những ngôi nhà Đại đoàn kết
Cư dân làng Phú Hải ngóng ngày an cư

Đã lâu lắm rồi, bên cạnh chuyện dãi dầu mưa nắng mưu sinh, hai chữ “an cư” luôn thường trực trong tâm thức cư dân ở làng Phú Hải, xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) nằm bên cảng biển Chân Mây...

Cư dân làng Phú Hải ngóng ngày an cư

TIN MỚI

Return to top