ClockThứ Ba, 08/03/2016 09:16

Bảo tồn thú quý

TTH - Quá trình nghiên cứu, tuần tra, ngành kiểm lâm ghi nhận tại các khu rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều loài động vật quý, hiếm nhưng công tác bảo tồn các loài đang gặp nhiều khó khăn.

Nhiều động vật quý hiếm

Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (BTTNPĐ)-Đặng Vũ Trụ thông tin, gà lôi lam mào trắng là loài động vật quý hiếm được phát hiện từ năm 1996 tại một số khu rừng tự nhiên ở huyện Phong Điền, song rất hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng. Trước tình hình nguy cấp, tỉnh đã thành lập Khu BTTNPĐ để bảo tồn gà lôi lam mào trắng; đồng thời tạo điều kiện cho công tác nghiên cứu, điều tra và bảo tồn một số động thực vật quý, hiếm. Quá trình nghiên cứu, khảo sát, tại đây ngành kiểm lâm còn phát hiện thêm một số loài động vật quý, hiếm như gà so Trung bộ, khướu đuôi ngắn, sao la, hổ, khỉ hầu…

Thả khỉ về rừng

Hiện nay, tại Khu Bảo tồn Sao La chưa có thống kê cụ thể số cá thể các loài động vật. Riêng tại Khu BTTNPĐ được xác định có 43 loài thú, thuộc 7 bộ và 20 họ. Trong số đó, có hai loài lần đầu tiên ghi nhận được là sao la mang lớn; 172 loài chim, trong đó 17 loài ghi nhận trong sách đỏ thế giới và 18 loài trong sách đỏ Việt Nam…

Sao la được các thợ săn địa phương ghi nhận bằng mẫu vật, có nguy cơ tuyệt chủng. Khi mới thành lập Khu BTTNPĐ, ngành kiểm lâm phát hiện loài hổ, được ghi nhận bằng dấu chân và quan sát. Cùng thời điểm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh bắt giữ vụ săn bẫy một con hổ cái bị thương, sau đó chữa trị thành công và chuyển giao cho Vườn thú Hà Nội chăm sóc, nhân giống. Điều đó chứng tỏ tại Khu BTTNPĐ còn có loài hổ. Hai loài khỉ hầu là vượn má hung, vọoc chà vá chân nâu… đều là loài đặc hữu của vùng Đông Dương cũng được phát hiện tại đây, nhưng số lượng cá thể rất ít. Một phát hiện mới là loài mang lớn “hiện diện” tại Khu BTTNPĐ.

Từ năm 1998, người dân và lực lượng kiểm lâm phát hiện hai cá thể sao la tại khu rừng trên địa bàn xã Dương Hòa (TX Hương Thủy) và cá thể khác tại bản Bụt, xã Hương Nguyên (A Lưới). Chỉ trong hai năm (1996-1997), ngành kiểm lâm phối hợp với các tổ chức trong và nước thực hiện nhiều đợt khảo sát, tuần tra và xác định loài sao la xuất hiện và phân bố tại 19/40 xã ở các huyện Phong Điền, Nam Đông, A Lưới và TX Hương Trà, TX Hương Thủy. Chính những phát hiện quý giá này, tỉnh quyết định thành lập Khu Bảo tồn Sao La. Quá trình bảo tồn, tại đây ngành kiểm lâm còn phát hiện thêm nhiều loài động vật qúy, hiếm như thỏ vằn, vọoc chà vá chân nâu, khỉ mặt đỏ...

Nỗ lực bảo tồn

“Chúng tôi luôn nêu cao vai trò, tinh thần trách nhiệm trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, các loài động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng. Điều đáng mừng là từ khi thành lập Khu BTTNPĐ đến nay, các lực lượng ghi nhận nhiều loài động vật quý, hiếm như các loài khỉ, sao la, mang lớn… sinh sôi ngày càng nhiều”, ông Đặng Vũ Trụ tự hào. Có được kết quả đó, ngoài công tác vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, lực lượng kiểm lâm thường xuyên bám địa bàn phụ trách, ngăn chặn các đối tượng vào rừng săn bắt động vật. Công tác tuần tra, xử lý vi phạm được triển khai nghiêm túc. Trở ngại lớn lâu nay là người dân thường lén lút vào rừng đặt bẫy lúc đêm khuya, rất khó phát hiện. Các lực lượng phải thường xuyên tuần tra, kiểm soát ban ngày và kịp thời gỡ nhiều bẫy thú. Một số khỉ, mang… bị mắc bẫy được đưa về cứu chữa thành công, thả về rừng tự nhiên.

Một buổi tuyên truyền bảo vệ rừng ở Phong Mỹ (Phong Điền)

Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh nhận xét, từ khi thành lập Khu Bảo tồn Sao La và Khu BTTNPĐ, công tác bảo tồn đa dạng sinh học, các loài động vật qúy hiếm mang lại hiệu quả cao hơn. Quá trình nghiên cứu, khảo sát, các chuyên gia, ngành kiểm lâm phát hiện thêm nhiều loài động vật quý hiếm, qua đó hoạch định cơ chế, chính sách và công tác tác bảo tồn. Tuy nhiên, số lượng cá thể động vật quý được phát hiện rất ít. Chẳng hạn tại Khu BTTNPĐ có khoảng 5 cá thể hổ, trong tổng số cả nước khoảng 100 con, đạt mức báo động có nguy cơ tuyệt chủng. Số lượng sao la, gấu chó, gấu ngựa, mang Trường Sơn, mang lớn, thỏ vằn… cũng rất hiếm, nguy cấp…

Ông Tuấn cho rằng, nguyên nhân các cá thể quý, hiếm là do phân bố không tập trung, rừng núi chia cắt nên khả năng giao phối, sinh sản thấp. Một trở ngại lớn trong việc bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, các loài động vật nói riêng tại các khu bảo tồn, là mặc dù đã được thành lập nhưng đến nay vẫn chưa có quy hoạch cụ thể, do khó khăn về kinh phí. Vì chưa có quy hoạch nên không thể đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển, bảo tồn động vật một cách hiệu quả. Chi cục Kiểm lâm kiến nghị các ban, ngành, cấp trên tiến hành quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch. Nếu tiềm năng du lịch tại các khu bảo tồn được khai thác, phát huy sẽ tạo nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động bảo tồn một cách hiệu quả.

Mặc dù nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, bảo vệ, song thời gian qua vẫn xảy ra nhiều vụ săn bắt, vận chuyển, kinh doanh động vật hoang dã trái phép, trong đó có một số loài quý, hiếm. Hằng năm, cán bộ kiểm lâm gỡ từ 5.000-7.000 cái bẫy thú. Chi cục Kiểm lâm vừa bắt giữ vụ vận chuyển tê tê trái phép, sau đó thả vào rừng thuộc Khu Bảo tồn Sao La. Trước đó, cán bộ kiểm lâm huyện Phong Điền cũng đã bắt giữ hai con gấu do một người dân săn bắt, vận chuyển từ Phong Mỹ (Phong Điền) về phường An Hòa (TP Huế) tiêu thụ, sau đó chuyển công an xử lý hình sự. Một số vụ săn bắt, vận chuyển hổ từng xảy ra đã bị xử lý hình sự, phạt hành chính…

Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo tồn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Chương trình MTQG 1719), huyện A Lưới đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần gìn giữ di sản vô cùng quý báu này.

Bảo tồn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Truyền thông bảo tồn đa dạng sinh học

Ngày 9/11, Hạt Kiểm lâm TX. Hương Thủy phối hợp với Trường TH&THCS Dương Hòa (TX. Hương Thủy) tổ chức chương trình truyền thông với chủ đề Hội thi tìm hiểu kiến thức về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cho học sinh nhà trường năm 2024.

Truyền thông bảo tồn đa dạng sinh học
Bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích tại Hương Trà

Về tổng thể, các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn TX. Hương Trà đã được tu bổ, tôn tạo dưới sự quản lý của các cơ quan chuyên môn và theo quy định của Luật Di sản văn hóa. TX. Hương Trà cũng đang đối mặt với một số vướng mắc liên quan đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản này.

Bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích tại Hương Trà
Thảo luận Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi):
Phân cấp, phân quyền tạo ra hiệu quả cao trong trùng tu di sản

Tại phiên thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) chiều 23/10, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nguyễn Thị Sửu đã dẫn chứng về công tác bảo tồn, trùng tu di sản Huế để góp ý cho dự thảo.

Phân cấp, phân quyền tạo ra hiệu quả cao trong trùng tu di sản
Bảo tồn di sản văn hóa bằng công nghệ số

Ứng dụng công nghệ số trong tái hiện, khám phá di tích lịch sử văn hóa đang mang lại nhiều trải nghiệm thú vị, sinh động cho du khách, giúp di sản trường tồn với thời gian.

Bảo tồn di sản văn hóa bằng công nghệ số
Return to top