ClockThứ Ba, 30/07/2019 13:45

Bất cập quản lý chất cấm trong nông nghiệp – kỳ 2: Quản lý, giám sát chưa “đến nơi đến chốn”

TTH - Trước thực trạng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có chứa hoạt chất độc hại, cấm sử dụng được sử dụng tràn lan cho thấy công tác quản lý, giám sát, thu hồi vẫn còn buông lỏng.

Bất cập quản lý chất cấm trong nông nghiệp - Kỳ 1: Mua thuốc cấm dễ như... mua rau

Nông dân vẫn còn lạm dụng thuốc BVTV

Kẽ hở  

Dù nhiều nông dân đã biết các loại hoạt chất độc hại, chất cấm trong thuốc BVTV nhưng vẫn “cố tình” sử dụng. Một phần đến nay vẫn chưa có các loại thuốc diệt cỏ nào hiệu quả hơn thuốc 2,4-D, Paraquat nên người dân vẫn lựa chọn, lén lút sử dụng các loại thuốc này.

Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch UBND xã Quảng Phước (Quảng Điền), cán bộ phụ trách nông nghiệp của các địa phương thường chỉ một vài người nên không thể kiểm tra, giám sát hết diện tích, cũng như người dân trong quá trình sản xuất, sử dụng thuốc BVTV. Chính quyền địa phương chỉ có trách nhiệm tuyên truyền, vận động thông qua hệ thống loa đài truyền thanh, còn chấp hành hay không phần lớn phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm của nông dân.

Ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Điền cho rằng, số lượng cán bộ BVTV của đơn vị quá mỏng, chỉ một vài người không đủ khả năng theo dõi, nắm bắt, xử lý người dân sử dụng các thuốc BVTV bị cấm với diện tích sản xuất toàn huyện đến 5.000-6.000 ha mỗi vụ. Đây cũng là bất cập và thực trạng chung tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh Hồ Đắc Thọ thông tin: Từ khi sáp nhập các trạm BVTV, trạm khuyến nông, trạm chăn nuôi và thú y vào tháng 11/2018- thành lập trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, Chi cục TT&BVTV không còn có vai trò quản lý Nhà nước đối với mạng lưới BVTV cơ sở.

Khó khăn hiện nay là lực lượng cán bộ làm công tác thanh tra, giám sát của chi cục rất mỏng, chỉ hai người nên không thể quản lý, giám sát hết toàn bộ khoảng 278 cơ sở kinh doanh và nhiều hộ buôn bán thuốc BVTV nhỏ lẻ tại các thôn, xã. Trong khi đó, chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm, chưa thật sự quyết liệt trong công tác quản lý, giám sát các hộ buôn bán thuốc BVTV nhỏ lẻ theo quy định của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật.

Ông Thọ cũng thừa nhận, do lực lượng quá mỏng nên hằng năm đơn vị chỉ tổ chức tranh tra, kiểm tra khoảng 3 đợt, mỗi đợt chỉ một số đại lý kinh doanh thuốc BVTV. Theo quy định, mỗi cơ sở thường được kiểm tra mỗi năm một lần, cấp giấy chứng nhận an toàn nếu không vi phạm. Chỉ khi có dấu hiệu, thông tin phản ánh các cơ sở kinh doanh vi phạm, chi cục mới tiến hành kiểm tra đột xuất.

Riêng đối với đoàn kiểm tra liên ngành của Sở NN&PTNT chỉ thanh tra, kiểm tra tại các công ty, đại lý kinh doanh lớn. Đây chính là một trong những hạn chế, tạo “kẽ hở” cho các đại lý, cơ sở kinh doanh thuốc BVTV vi phạm.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Hướng đến sản xuất hữu cơ, an toàn  

Theo Chi cục TT&BVT tỉnh, quá trình sản xuất nông nghiệp chỉ nên quản lý cỏ dại chứ không phải diệt trừ cỏ dại nhằm bảo vệ tài nguyên đất, phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững; chỉ áp dụng biện pháp sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ các loài cỏ dại có khả năng cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng. Giải pháp lâu dài là nghiên cứu, tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi nhận thức, từng bước chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp bằng thuốc hóa học sang chế phẩm sinh học, thảo mộc, tiến tới sản xuất hữu cơ, an toàn…”.

Từ khi Bộ NN&PTNT có những quyết định loại bỏ các thuốc BVTV có chứa hoạt chất độc hại ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng, Chi cục TT&BVTV tỉnh đã thông báo đến với các địa phương, tổ chức, cá nhân biết các loại thuốc cấm buôn bán, sử dụng.

Ông Hồ Đắc Thọ đề xuất, để hạn chế tối đa, tiến đến ngăn chặn triệt để tình trạng kinh doanh, mua bán và sử dụng các thuốc BVTV có chứa hoạt chất độc hại, cấm sử dụng cần sự phối hợp đồng bộ từ các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và lực lượng BVTV từ tỉnh đến cơ sở. Trước hết phải tăng cường thời lượng, các đợt tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với các hộ kinh doanh và người sử dụng về sự nguy hiểm của thuốc BVTV có chứa hoạt chất độc hại.

Hơn ai hết, chính người dân phải tự nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ an toàn tính mạng cho bản thân và cộng đồng bằng cách bài trừ các loại thuốc BVTV độc hại.

Chính quyền sở tại có trách nhiệm, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý triệt để các hộ kinh doanh, người sử dụng các loại thuốc BVTV có chứa hoạt chất cấm. Các địa phương thống kê đầy đủ các hộ buôn bán nhỏ lẻ để có biện pháp quản lý chặt chẽ.

Chi cục TT&BVTV đang xây dựng kế hoạch tuyên truyền “dài hơi” theo phương thức “cuốn chiếu”, từng đợt tại các cơ sở, đại lý kinh doanh thuốc BVTV.

Đi đôi với tuyên truyền, các chế tài xử lý các vụ vi phạm cần phải nghiêm khắc theo quy định nhằm đảm bảo đủ sức răn đe đối với các đại lý, cơ sở kinh doanh và người sử dụng vi phạm, tùy thuộc vào mức độ vi phạm, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Siết chặt quản lý phương tiện ô tô vi phạm tốc độ

Tình trạng xe container, đầu kéo, xe hợp đồng chở khách, xe chạy tuyến cố định vi phạm tốc độ dù đã được kiểm tra, xử lý nhắc nhở thường xuyên, song vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn. Giải pháp đặt ra vẫn là quản lý chặt chẽ hơn nữa, xử lý nghiêm hơn nữa các phương tiện vi phạm để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này.

Siết chặt quản lý phương tiện ô tô vi phạm tốc độ
QUẢN LÝ TRẬT TỰ ĐÔ THỊ VÀ AN TOÀN GIAO THÔNG:
Vào cuộc tích cực, không ngại va chạm

Đó là quan điểm và tinh thần chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh trước thực trạng người dân xây dựng, lắp đặt các biển hiệu, biển quảng cáo lấn chiếm công trình, vỉa hè, che khuất hệ thống an toàn giao thông (ATGT), phần đường dành cho người đi bộ… làm ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, trật tự ATGT.

Vào cuộc tích cực, không ngại va chạm
Return to top