ClockThứ Ba, 18/01/2022 07:00

Bền vững cho kinh tế trang trại

TTH - Mặc dù có sự đầu tư, phát triển nhưng kinh tế trang trại (KTTT) trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.

Những cựu binh trên mặt trận mớiĐồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế trang trạiKhai thác tiềm năng, lợi thế vùng cát nội đồngNuôi cá tầm ở vùng cao A Lưới

Nuôi cá chình ở thị trấn Sịa

Từng bước đầu tư

Từ vùng rú cát hoang sơ, chừng hơn 10 năm trở lại đây đã được người dân Quảng Điền đầu tư khai thác, phát triển trồng trọt, chăn nuôi trở thành vùng KTTT khá sôi động. Điều kiện đất đai, khí hậu tại đây phù hợp cho việc đa dạng hoá các loại cây trồng, vật nuôi gia súc, gia cầm (GSGC). Tại vùng rú cát các xã Quảng Lợi, Quảng Vinh, người dân trồng keo tràm chắn gió, bảo vệ cây ăn quả, lợn, gà. Trong số nhiều đối tượng nuôi, chăn nuôi GSGC, nuôi cá là chủ lực tại vùng rú cát này.

TT của ông Trần Thiện Chương ở xã Quảng Vinh là một trong số TT xuất hiện khá sớm trên vùng rú cát Quảng Điền. Trải qua một thời gian lận đận do thiên tai, dịch bệnh, chừng 5 năm nay, TT của ông Chương đã đi vào ổn định sản xuất kinh doanh (SXKD). Ngoài chăn nuôi lợn, gà thương phẩm quy mô hàng ngàn con, TT ông Chương còn nuôi gà lấy trứng cung cấp thị trường trên địa bàn tỉnh, thu nhập bình quân mỗi năm từ 300-500 triệu đồng.

Ông Chương chia sẻ, những năm đầu liên tục thất bại do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật, một phần thiếu vốn đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến. Sau những lần thất bại, ông Chương cũng như các chủ TT vùng rú cát Quảng Điền rút ra những bài học kinh nghiệm về phòng trừ dịch bệnh, từng bước có sự đầu tư đúng hướng, thỏa đáng, đáp ứng yêu cầu phát triển mô hình KTTT. Các chủ TT kết nối với các nhà hàng, khách sạn, siêu thị và các DN tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, vừa hỗ trợ sản xuất kết hợp bao tiêu sản phẩm.

Hầu hết các chủ TT ở vùng rú cát Quảng Điền cũng như trên địa bàn tỉnh từng bước đầu tư đúng hướng, ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Các TT tổ chức sản xuất, ươm nuôi giống thủy sản như tôm, cá, ba ba, chăn nuôi lợn hướng nạc, gà công nghiệp. Nhiều chủ TT biết lựa chọn, bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp với trình độ, năng lực canh tác và điều kiện đất đai, khí hậu tại địa phương mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trước xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, một số chủ TT mạnh dạn đầu tư mua sắm trang thiết bị máy móc, từng bước thực hiện cơ giới hóa vào quá trình sản xuất như hệ thống tưới nước tự động, máy cung cấp thức ăn, nước uống tự động cho GSGC. Hệ thống chuồng trại được xây dựng kiên cố, thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Nhiều hộ mua sắm ô tô, máy kéo, máy bơm nước… phục vụ sản xuất.

Những đầu tư hợp lý, thỏa đáng góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi nhưng hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo tính cạnh tranh. Nhiều chủ TT có hợp đồng liên kết với DN theo chuỗi giá trị để tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, các chủ TT yên tâm sản xuất, chủ động đầu ra sản phẩm, giá cả ổn định và mang lại hiệu quả tương đối cao.

Chưa phát huy tiềm năng

Chánh Văn phòng Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Phước Thọ thông tin, KTTT của tỉnh bước đầu được khai thác, có sự đầu tư đúng hướng nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Nhiều địa phương chưa có quy hoạch phát triển KTTT, hoặc có quy hoạch nhưng chưa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội cũng như quy hoạch xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng.

Tại một số xã quy hoạch xây dựng nông thôn mới có quy hoạch KTTT nhưng chưa thật sự sát với thực tiễn của địa phương. Một số xã có điều kiện phát triển KTTT, nhưng không có quy hoạch KTTT trong quy hoạch phát triển sản xuất nên không thể đầu tư về hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện nước... Vậy nên khi hộ nông dân có điều kiện muốn phát triển TT thì địa phương lúng túng trong điều hành, cấp phép sản xuất.

Việc giao đất, cho thuê đất làm TT tại một số địa phương thực hiện còn chậm nên một số TT chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, làm ảnh hướng đến tổ chức SXKD, nhất là vay vốn đầu tư. Trong số 245 TT trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 95 TT đạt tiêu chí theo quy định của Bộ NN&PTNT và chỉ 64 TT được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Mặt khác, chất lượng sản phẩm hàng hóa của TT chưa thật sự đáp ứng yêu cầu thị trường ngày càng khắt khe, hoặc sản phẩm không đăng ký quy trình sản xuất an toàn như VietGAP, Global Gap, hữu cơ. Một bộ phận chủ TT chưa nắm bắt nhu cầu thị trường nên sản xuất còn thụ động, thiếu quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm nên hiệu quả thấp. Nhiều TT đang trong thời kỳ xây dựng, mở rộng diện tích, quy trình nuôi trồng còn áp dụng kinh nghiệm truyền thống nên năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh chưa mạnh.

Theo ông Nguyễn Phước Thọ, để KTTT phát triển, hiệu quả và bền vững, các địa phương cần có quy hoạch gắn với đầu tư hạ tầng như điện, đường, thủy lợi, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào SXKD; hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa an toàn, xây dựng thương hiệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các cấp, ban ngành cần giải quyết, hỗ trợ các TT được tiếp cận, hưởng các chính sách của Nhà nước như chính sách đất đai, khoa học, kỹ thuật, tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực…

Bài, ảnh: Triều Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dấu ấn giảm nghèo bền vững ở Quảng Điền

Với mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, tiến đến đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao, Quảng Điền đã triển khai đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp an sinh xã hội. Trong đó, việc ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội gắn với các mô hình giảm nghèo hiệu quả được ưu tiên triển khai đã góp phần giúp nhiều hộ thoát nghèo.

Dấu ấn giảm nghèo bền vững ở Quảng Điền
Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

Ghi nhận trong 10 tháng đầu năm 2024, thương mại của Trung Quốc đạt được với các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chạm mốc cao kỷ lục, vượt 21 nghìn tỷ NDT (2,91 nghìn tỷ USD). Kết quả này đã nhấn mạnh sự hội nhập kinh tế sâu rộng và kết nối thương mại mạnh mẽ giữa các bên.

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top