ClockThứ Tư, 07/04/2021 07:15

Những cựu binh trên mặt trận mới

TTH - Làm tốt công tác vận động hội viên giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, 5 năm qua, Hội Doanh nhân - Chủ trang trại cựu chiến binh (DN –CTT CCB) đã kết nạp được nhiều hội viên.

Cựu chiến binh lập trang trạiVì mình và vì đồng đội

Những cựu binh trên mặt trận mới

Nhiều mô hình làm kinh tế giỏi

Nói đến trồng rừng ở thị xã Hương Thủy, không ai là không biết đến CCB Lê Văn Tảo (65 tuổi, ở xã Dương Hòa) với hơn 100 ha rừng trồng cho thu nhập quanh năm. CCB Lê Văn Tảo chính là người tiên phong trong việc khai hoang trồng rừng ở vùng gò đồi xã Dương Hòa. Bằng sự kiên trì, không chịu khuất phục của một người lính, ông đã bám rừng, biến mảnh đất gò đồi cằn cỗi thành bạt ngàn màu xanh của tràm, keo.

Rừng không phụ người cựu binh già “chịu thương, chịu khó”, hiện tại, ông có thu nhập từ rừng trên 500 triệu đồng/năm và tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động địa phương, cao điểm lên đến 40-50 lao động.

“Cái khó nhất của phát triển kinh tế là vốn và kinh nghiệm. Những khó khăn đó tôi từng trải qua không ít lần, do đó tôi sẵn sàng chia sẻ mọi kỹ thuật, kinh nghiệm cho các hội viên. Các hội viên thiếu vốn, tôi cũng sẵn sàng giúp đỡ trong khả năng của mình. Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, mà làm sao để giúp đỡ mọi người cùng vươn lên làm ăn, phát triển kinh tế thì khi đó “cái giàu” của mình mới có ý nghĩa”, CCB Lê Văn Tảo bộc bạch.

Sau nhiều lần tưởng chừng bỏ nghề vì thiếu vốn, thiếu đầu ra cho sản phẩm, CCB Hoàng Ngọc Tuyên (Phường Đúc, TP. Huế) giờ đã là ông chủ chuyên sản xuất mây tre xuất khẩu, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động có mức thu nhập ổn định từ 5-7 triệu đồng/tháng.

Ông Tuyên kể: “Để có được ngày hôm nay, tôi đã không ít lần phải “lao đao”. Nghề truyền thống của gia đình tôi chủ yếu làm lộng và một số sản phẩm truyền thống từ nghề mây tre đan như lồng đèn. Nhưng nhu cầu ngày một ít, đầu ra bắt đầu hạn chế, giá thành vật liệu lại ngày càng tăng, để giữ được nghề thì phải phát triển quy mô và tìm đầu ra cho sản phẩm. Biết được khó khăn đó của tôi, Chi hội DN-CTT CCB TP. Huế đã hỗ trợ tôi tìm nguồn vốn qua các kênh ủy thác của Hội CCB, giúp đỡ quảng bá sản phẩm ở các hội chợ Festival Nghề truyền thống. Có thêm vốn, tôi mạnh dạn tìm đầu ra cho sản phẩm để phát triển thêm quy mô sản xuất”.

Tiếng lành đồn xa, những sản phẩm tinh tế của ông Tuyên được xuất đi các tỉnh, thành lớn như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và xuất khẩu ra nước ngoài.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội DN - CTT CCB tỉnh cho biết, thời gian qua, các cấp Hội Doanh nhân - Chủ trang trại CCB đã thực hiện tốt nhiệm vụ vận động hội viên tích cực làm kinh tế, giúp nhau xóa nghèo. Ngày càng xuất hiện thêm nhiều mô hình phát triển kinh tế mới, có hiệu quả như: mô hình kinh doanh các mặt hàng phục vụ du lịch của CCB Trần Cao Phúc (Chi hội TP. Huế) có doanh thu bình quân hàng năm 800 triệu đồng, tạo việc làm cho 30 lao động, thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/người/tháng; mô hình kinh doanh dịch vụ thương mại, vận tải của CCB Dương Văn Tuấn, Chi hội thị xã Hương Thủy có doanh thu bình quân hàng năm trên 700 triệu đồng. Các hội viên các cấp thường xuyên trao đổi kiến thức sản xuất, kinh doanh, vận dụng khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường để áp dụng vào quá trình hoạt động, tạo hiệu quả rõ nét. Trong 5 năm qua, có trên 1.850 lượt hội viên đăng ký và dự các lớp tập huấn; hội đã kết nạp được 70 hội viên mới.

Hiện tại, Hội Doanh nhân-Chủ trang trại CCB tỉnh có 215 hội viên. Các hội viên phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực: kinh doanh du lịch, dịch vụ, kinh doanh cây cảnh, làm trang trại, gia trại, trồng rừng...

Hội viên Nguyễn Thanh Sơn khám, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo và cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn

Nghĩa tình đồng đội

Không chỉ làm giàu cho bản thân, hội viên Nguyễn Thanh Sơn, Chi hội TP. Huế đã sẵn sàng góp hàng trăm triệu đồng để xây dựng nhà nghĩa tình đồng đội cho các CCB có hoàn cảnh khó khăn. Ông còn tự bỏ tiền riêng để tổ chức nhiều đợt khám bệnh cho người nghèo, hội viên CCB ở các địa phương như Hương Trà, Phú Lộc…

Phát huy bản chất, truyền thống người lính, với tình cảm, trách nhiệm với đồng chí, đồng đội, các hội viên DN - CTT CCB trong toàn tỉnh luôn quan tâm đến công tác tình nghĩa. 5 năm qua, Hội DN - CTT CCB tỉnh đã vận động hội viên đóng góp 360 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng 6 nhà “Nghĩa tình đồng đội”; đóng góp hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ cho CCB nghèo gặp hoàn cảnh khó khăn và làm công tác từ thiện. Điển hình có hội viên Nguyễn Ngọc Thanh đóng góp 300 triệu đồng, hội viên Đinh Xuân Long đóng góp 165 triệu đồng… Hàng năm, các hội viên đều đóng góp kinh phí để thăm hỏi, tặng quà cho các thương binh, gia đình liệt sĩ, những hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Trong 5 năm qua, Hội DN - CTT CCB tỉnh đã quan tâm, tạo điều kiện cho hội viên vay 790 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Trung ương Hội CCB Việt Nam (thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội). Qua đó, góp phần cùng Hội CCB tỉnh giảm hộ CCB nghèo từ 2,01% năm 2016 xuống còn 1,12% năm 2020 và 2,11% hộ cận nghèo xuống còn 1,42% vào năm 2020; hộ khá và giàu tăng lên 46%. Đến nay, Hội CCB ở 92 xã, phường, thị trấn; 7 huyện, thị xã, thành phố cơ bản đã thoát nghèo.

Bài, ảnh: THANH THẢO

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thủy Lương ngày mới

Từ một vùng quê thuần nông với muôn vàn khó khăn, những năm gần đây phường Thủy Lương có nhiều chuyển biến, là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua khối phường năm 2023 của thị xã Hương Thủy.

Thủy Lương ngày mới
Hình thành nhiều sản phẩm du lịch mới

Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 03 của Thành ủy về phát triển du lịch, dịch vụ (DLDV), trọng tâm là phát triển, hoàn thiện dịch vụ, du lịch về đêm, ẩm thực Huế (viết tắt là Nghị quyết 03), nhiều sản phẩm du lịch mới trên địa bàn thành phố hình thành, chất lượng dịch vụ ngày càng nâng lên đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.

Hình thành nhiều sản phẩm du lịch mới
Return to top