ClockThứ Ba, 24/09/2019 13:15

Bền vững trong xây dựng nông thôn mới – bài 2: Thêm giải pháp phát triển

TTH - Theo kế hoạch, đến cuối năm 2019, Thừa Thiên Huế có 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Với các xã đã đạt chuẩn, sẽ tiếp tục xây dựng để đạt xã NTM nâng cao và xã NTM kiểu mẫu. Phấn đấu cuối năm 2020, toàn tỉnh có 2 xã NTM kiểu mẫu và mỗi huyện có ít nhất 1 xã đạt NTM nâng cao.

Bền vững trong xây dựng nông thôn mới - Bài 1: Hậu nông thôn mới

Đường giao thông nông thôn ở Thủy Phù đã có nhiều thay đổi

Phát huy nội lực

Với mục tiêu trên, bên cạnh kế hoạch tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; thực hiện hiệu quả quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất hàng hóa chủ lực, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của xã gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

Các địa phương tập trung xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đối với sản phẩm chủ lực đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và gắn với định hướng phát triển dịch vụ, du lịch...

Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ (Quảng Điền), ông Hoàng Công Phong thừa nhận, khó nhất của xã trong xây dựng thôn kiểu mẫu chính là thu nhập (tăng 1,5 lần), các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao… Địa phương đang tập trung đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp tại các thôn mẫu, ưu tiên đầu tư nguồn lực đồng bộ hạ tầng khu vực. Tập trung cải tạo, đầu tư cơ sở vật chất cho nhà văn hóa thôn để nơi này trở thành điểm sinh hoạt văn hóa cho người dân trong thôn.

Cùng với huy động xã hội hóa các nguồn lực, UBND xã chỉ đạo các thôn nhân rộng mô hình nhà sạch vườn đẹp, chi hội phụ nữ 5 không 3 sạch, Ngày Chủ nhật xanh… thu hút người dân tích cực tham gia chỉnh trang, tu sửa, dọn dẹp nhà ở, làm nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn; quy hoạch vườn cây, đáp ứng các tiêu chí về xây dựng nông thôn kiểu mẫu. Vận động các hộ dân hiến đất để làm đường nông thôn, xây dựng rãnh thoát nước, tường bao; làm tuyến đường hoa, nâng cao ý thức vệ sinh môi trường; khuyến khích các hoạt động, văn hóa, thể thao, tạo sân chơi lành mạnh, thiết thực cho người dân.

Chủ tịch UBND huyện A Lưới  Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, là huyện miền núi, xuất phát điểm phát triển kinh tế - xã hội của huyện thấp. Đời sống, kinh tế của một số bộ phận người dân còn khó khăn, giá cả nông sản bất thường, không ổn định, thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến kết quả xây dựng NTM.

Tỉnh cần đề xuất với Trung ương có cơ chế, chính sách quy định mức độ đạt chuẩn các tiêu chí của các địa phương miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số đời sống còn rất khó khăn. Nên quy định mức thấp hơn so với các vùng đồng bằng có điều kiện hơn và có chính sách đặc thù về phát triển sản xuất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn ở vùng biên giới.

Ví như, trong sản xuất nông nghiệp theo “chuỗi giá trị” nên có chủ trương giao cho UBND huyện để giao cho đơn vị trong huyện có đủ năng lực tổ chức, thực hiện có hiệu quả vì hiện nay chủ đầu tư là các xã ở miền núi thực hiện vấn đề phát triển theo chuỗi giá trị hiệu quả không cao.

Thêm động lực từ chủ nhật xanh

Là một trong những động lực thúc đẩy phát triển nông NTM kiểu mẫu, nâng cao, chương trình "Ngày Chủ nhật xanh” đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa và mang lại hiệu quả cao, tác động tích cực đến chương trình NTM.

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ, trong nội dung 19 tiêu chí xây dựng NTM, tiêu chí 17, môi trường và an toàn thực phẩm có 8 chỉ tiêu; trong đó, 2 chỉ tiêu quan trọng là xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn và chất thải rắn, nước thải được thu gom, xử lý theo quy định.

Nội dung chương trình Ngày Chủ nhật xanh đồng hành chặt chẽ cùng Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giúp phát huy và giữ vững tiêu chí 17, nâng cao ý thức người dân. Việc thực hiện đề án “Ngày Chủ nhật xanh” còn có ý nghĩa trong việc phát huy tính “chủ thể” của người dân, cộng đồng trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM theo hướng thực chất và bền vững; đó cũng là một trong những quan điểm chính trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM.

Tránh tâm lý ỷ lại, thỏa mãn

Tại hội nghị giao lưu trực tuyến về xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bên cạnh các giải pháp xây dựng NTM, một nội dung thu hút sự quan tâm của người dân chính là giải pháp duy trì và phát huy các tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn NTM. Việc chưa có quy định về đánh giá, công nhận lại địa phương (xã, huyện) đạt chuẩn NTM rất dễ xảy ra tình trạng ỷ lại, kéo theo tình trạng tụt hạng các tiêu chí.

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT khẳng định, xây dựng NTM là một quá trình phát triển liên tục nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Các địa phương sau khi đã được công nhận đạt chuẩn NTM phải xây dựng kế hoạch tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao và hoàn thiện, sớm trở thành xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Tại Hà Tĩnh, đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai việc thẩm định, bỏ phiếu thu hồi bằng đạt chuẩn NTM. Theo đó, các xã bị thu hồi bằng công nhận đạt chuẩn NTM nếu vi phạm 1 trong 4 vấn đề: số tiêu chí không đạt chuẩn từ 3 tiêu chí trở lên; nợ từ 5 tỷ đồng trở lên, việc xác định khả năng thanh toán không đảm bảo một cách chắc chắn; có số tiêu chí không đạt chuẩn từ 2 tiêu chí trở lên và nợ từ 3 tỷ đồng trở lên; tỷ lệ hài lòng của người dân thấp (dưới 80%; có từ 5% số người dân được lấy phiếu đề nghị thu hồi bằng) và bị vi phạm một tiêu chí trở lên không đạt chuẩn hoặc nợ từ 3 tỷ đồng trở lên. Đây là một trong những cách làm hay mà tỉnh có thể học hỏi để tránh tâm lý ỷ lại, không tiếp tục phấn đấu của một số xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM.

Bài, ảnh: QUYỀN - ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống

Trong khuôn khổ chương trình thúc đẩy phát triển sản phẩm truyền thống địa phương thuộc đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) Thừa Thiên Huế vừa tổ chức cho các doanh nghiệp (DN) phát triển thị trường tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống
Đối ngoại có trọng tâm, trọng điểm, thu hút nguồn lực phát triển

Với nhiều hoạt động, giải pháp thiết thực, hoạt động đối ngoại của Thừa Thiên Huế góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh địa phương, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), củng cố quốc phòng - an ninh và nâng cao vị thế, hình ảnh Cố đô Huế trên trường quốc tế.

Đối ngoại có trọng tâm, trọng điểm, thu hút nguồn lực phát triển
Vững chắc yêu thương

Lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cùng chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan, tổ chức trong tỉnh, các mạnh thường quân trên các mọi miền đất nước xây dựng vững chắc yêu thương trong lòng người dân biên giới.

Vững chắc yêu thương
Diện mạo mới đô thị Huế

Đô thị Huế đang đổi thay trên một diện mạo mới - diện mạo của đô thị trong lòng thành phố trực thuộc Trung ương.

Diện mạo mới đô thị Huế
Nâng cấp hậu cần nghề cá, phát triển ngành thủy sản bền vững

Các dự án (DA) nâng cấp hậu cần nghề cá, chỉnh trị cửa biển đã và đang triển khai góp phần quan trọng vào giảm thiểu bồi lắng, xâm thực cửa biển, đảm bảo giao thông đường thủy, nâng cao hiệu suất khai thác của cảng cá và khu neo đậu, tránh trú bão ở các địa phương.

Nâng cấp hậu cần nghề cá, phát triển ngành thủy sản bền vững
Return to top