Tiêu hủy cây sắn bị nhiễm bệnh khảm lá tại xã Phong An, Phong Điền
Thiệt hại do thông tin chậm, "tiếc của"
Giữa tháng 1/2020, Sở Nông nghiệp &Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có văn bản gửi các địa phương về việc tăng cường chỉ đạo phòng trừ bệnh khảm lá sắn, trong đó yêu cầu nhổ bỏ, tiêu hủy cây bệnh bằng cách đốt bỏ hoặc chôn lấp nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, một số địa phương thiếu sự chỉ đạo quyết liệt, nông dân còn chủ quan, “tiếc của” chưa nhổ bỏ cây sắn bị bệnh dẫn đến thiệt hại nặng nề hơn.
Tại xã Phong Hiền - “vựa sắn” lớn nhất huyện Phong Điền, đa số các hộ dân đã “xuống phân bón” lần 2 sau khi có thông tin buộc nhổ bỏ cây sắn khiến thiệt hại từ vài chục đến cả trăm triệu đồng/hộ.
Ông Dương Tỉnh (thôn Thượng Hòa, xã Phong Hiền) thú thật: Từ tháng 1/2020, địa phương đã họp các hộ dân, thông báo về tình hình dịch bệnh trên cây sắn và khuyến cáo nhổ bỏ không dịch sẽ lây lan. Tuy nhiên, thời điểm đó, bà con nông dân như chúng tôi thiếu thông tin cũng như chưa ý thức được mức độ nguy hiểm của loại dịch bệnh mới này, nên không nhổ bỏ.
Gia đình ông Tỉnh trồng 1,5 ha sắn, tính cả chi phí cày ải, hom giống, phân bón hai lượt đến khi nhổ bỏ mất khoảng 20 triệu đồng.
Hàng trăm hộ dân trồng sắn trên địa bàn xã Phong Hiền, thị trấn Phong Điền đều trồng sắn với diện tích 6-7 ha. Sau khi xuống phân bón đợt 2 để “cứu” cây sắn, mỗi hộ thiệt hại hàng chục triệu đồng.
Ông Nguyễn Đình Hợp - Cán bộ Địa chính - Nông Nghiệp - Môi trường xã Phong Hiền thừa nhận, việc địa phương triển khai nhổ và tiêu hủy cây sắn nhiễm bệnh là chậm trễ. Nguyên nhân, giữa đầu tháng 1/2020, xã đã họp các hộ dân để thông báo về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người trồng nhổ và tiêu hủy cây sắn nhiễm bệnh. Tuy nhiên, thời điểm đó nhiều hộ dân không đồng ý nhổ cây sắn nên trong đợt một triển khai chỉ nhổ được hơn 76ha/266ha toàn xã.
Ngày 25/2/2020, UBND tỉnh mới có quyết định công bố dịch bệnh khảm lá sắn nên thời điểm họp các hộ dân chúng tôi không có cơ sở để buộc các hộ dân nhổ sắn bị dịch bệnh của mình đang trồng. Đến thời điểm hiện tại, địa phương đã triển khai nhổ được 261/266 ha toàn xã. Tuy nhiên, các hộ dân đã xuống phân bón nhiều đợt khiến thiệt hại nặng hơn.
Diễn biến phức tạp
Theo UBND huyện Phong Điền, năm 2020, toàn huyện triển khai trồng khoảng 1.200 ha sắn. Hiện có gần 1.000 ha bị nhiễm bệnh khảm lá, xuất hiện hầu hết ở tất cả các xã, thị trấn. Trong đó, tỷ lệ bệnh gây hại trên 70% là 550 ha và 440 ha bị nhiễm bệnh dưới 70%. Đến nay, toàn huyện đã xử lý, tiêu hủy được gần 400 ha.
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền thông tin, địa phương đã phổ biến, tuyên truyền bệnh khảm lá sắn và tác hại của bệnh đến với bà con nông dân; chỉ đạo tiêu hủy gốc, thân, lá cây bị bệnh bằng cách đốt, chôn lấp để hạn chế nguồn bệnh và nghiêm cấm việc vận chuyển thân, gốc, lá sắn ra khỏi vùng nhiễm bệnh, không được sử dụng thân sắn đã nhiễm bệnh để làm hom giống trồng cho vụ tiếp theo.
“Để hỗ trợ nông dân bị thiệt hại, UBND huyện Phong Điền thống nhất mức hỗ trợ tiêu hủy diện tích sắn bị nhiễm bệnh là 2 triệu đồng/ha đối với diện tích bị nhiễm bệnh trên 70% và 1 triệu đồng/ha đối với diện tích bị nhiễm bệnh dưới 70%”, ông Bình cho biết.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, bệnh khảm lá sắn đang diễn ra trên địa bàn các huyện Phong Điền, Quảng Điền và thị xã Hương Trà. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do người dân sử dụng nguồn giống bị nhiễm bệnh hoặc đang ủ bệnh. Tổng diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá khoảng 1.500 ha. Trong đó, khoảng 750 ha bị nhiễm trung bình - nặng, 740 ha bị mất trắng. Hiện các địa phương đã nhổ bỏ, tiêu hủy khoảng 500 ha.
Đến nay, việc tiêu hủy cây sắn bị nhiễm bệnh còn chậm. Nguồn bệnh đang tồn đọng trên các vùng trồng sắn. Với điều kiện thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao trong thời gian tới, bọ phấn trắng (môi giới truyền bệnh) sẽ phát sinh gây hại. Dự báo bệnh khảm lá sắn tiếp tục phát tán, lây lan cho các vùng chưa nhiễm bệnh, diện tích bị thiệt hại và diện phân bố sẽ tăng, nguy cơ nhiều diện tích mất trắng.
Sở NN&PTNT yêu cầu các địa phương tiếp tục huy động lực lượng nhổ bỏ cây sắn nhiễm bệnh để tiêu hủy. Đối với các địa phương chưa phát hiện bệnh khảm lá sắn cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra, rà soát diện tích trồng sắn, bệnh khảm lá để khoanh vùng dập dịch. Các diện tích chưa gieo trồng cần tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt nguồn giống.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tăng cường tuyên truyền, tập huấn nhận dạng triệu chứng bệnh, tác hại, lây lan của bệnh và các biện pháp phòng trừ cho nông dân trồng sắn theo quy trình kỹ thuật.
Bệnh khảm lá sắn có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (SLCMV), bệnh lây truyền qua môi giới là bọ phấn trắng (Bemisiatabaci) và qua hom giống lấy từ cây bị bệnh. Đây là bệnh nguy hiểm và khó phòng trừ. Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết của bệnh khảm lá sắn là khảm vàng loang lổ trên lá, mức độ hại nặng làm cho lá sắn xoăn, cong queo.
Bài, ảnh: Hà Nguyên