Sang trang
Điều dễ nhận thấy sự đổi thay ở các xã vùng BNVB chính là những con đường bê tông nối dài xuyên qua những rặng cây phi lao trải dài trên cát. Những ngôi nhà mới khang trang. Những ngôi trường mới mái ngói đỏ tươi. Những ngôi chợ mới...
Nhiều tuyến đường sạch - đẹp được đầu tư, mở rộng tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của các em học sinh ở Phong Điền
Bà Nguyễn Thị Hoa, trú tại xã Điền Hải (Phong Điền) cho biết: Ngày trước, các tuyến giao thông ở các xã BNVB toàn là cát trắng. Mùa hè bỏng rát chân, mùa mưa thì ngập nước, ứ đọng, giao thông chia cắt. Giờ, nhiều tuyến đường được bê tông hóa, không chỉ thuận lợi cho việc đi lại mà còn giúp bà con vận chuyển hàng hóa từ vùng BNVB lên phố và ngược lại.
Khai thác tiềm năng để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho Nhân dân là mục tiêu mà chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu cho các xã BNVB hướng đến. Sau hơn 10 năm triển khai, vùng BNVB trên địa bàn tỉnh đã chuyển mình. Đằng sau những con đường bê tông thông thoáng, trong những ngôi nhà kiên cố ấy là một nếp nghĩ mới, cách làm mới của những ngư dân biết vượt qua cái khó, cái nghèo.
Ông Phan Khánh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phong Hải (Phong Điền) khẳng định: Không chỉ Phong Hải mà các xã BNVB được hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ xã ĐBKK đều có sự phát triển vượt bậc. Ngoài các chính sách về giáo dục, y tế, nước sạch, giải quyết việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng... thì người dân, nhất là người nghèo có điều kiện tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, tăng thu nhập gia đình. Diện mạo cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh có nhiều khởi sắc, tạo tiền đề để phát triển kinh tế- xã hội, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu, nghèo giữa các vùng miền trong tỉnh.
Thúc đẩy kinh tế - xã hội
Từ khi xã Phong Hải – xã BNVB đầu tiên của tỉnh được công nhận NTM, cuộc sống của người dân, bộ mặt đô thị ở đây đã bước sang trang mới. Là địa phương có xuất phát điểm khá thấp, song hiện nay, cơ sở hạ tầng của Phong Hải có ít xã nào sánh được, thu nhập bình quân đầu người cũng ở mức cao. Đảng bộ, chính quyền xã vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động sâu rộng đến cán bộ và toàn thể Nhân dân củng cố và phát huy các tiêu chí đã đạt chuẩn và các tiêu chí mới đạt.
Người dân xã bãi ngang của huyện Phú Vang được khám, chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế
Xã Vinh Hưng trước đây là địa phương nằm trong 8 xã ĐBKK vùng BNVB, đầm phá của huyện Phú Lộc. Thế nhưng, sau nhiều năm phấn đấu, cuối năm 2015, Đảng bộ, chính quyền, người dân Vinh Hưng phấn khởi khi được công nhận xã đạt chuẩn NTM.
Ông Trần Văn Ngọc, thôn Phụng Chánh, xã Vinh Hưng tự hào: “Giờ Vinh Hưng đã có thêm hàng loạt công trình hạ tầng; trường trạm được đầu tư xây dựng mới; thêm nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa... Thành quả đó có sự đóng góp không nhỏ của người dân”.
“Vinh Hưng đã tranh thủ hỗ trợ của tỉnh, huyện, đầu tư các công trình phục vụ cho sản xuất. Các công trình được người dân bàn bạc và quyết định, công khai rộng rãi và minh bạch; người dân tự nguyện hiến đất giải phóng mặt bằng. Các tiêu chí NTM ở Vinh Hưng cũng vì thế mà luôn giữ vững và phát triển bền vững”, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vinh Hưng- Nguyễn Quang Huy trao đổi.
“Lâu nay cán bộ, người dân đã hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách của Nhà nước dành cho xã ĐBKK vùng BNVB. Mục tiêu mà Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân xã đặt ra lúc này là, sớm được công nhận xã chuẩn NTM. Năm 2019, là mốc quan trọng để Quảng Thái từ xã BNVB phấn đấu vươn lên xã đạt chuẩn NTM”, Chủ tịch UBND xã Quảng Thái - Hoàng Tuấn Nam khẳng định.
Ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết, để nâng cao hiệu quả bền vững xã NTM, cần chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân về ý nghĩa của chương trình, mục tiêu giảm nghèo của địa phương và các cơ chế, chính sách. Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã ĐBKK vùng BNVB sẽ được chú trọng hơn nữa. Đây sẽ là cơ hội thoát nghèo và là cú hích quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các xã ĐBKK vùng BNVB trên địa bàn.
Nếu như giai đoạn 2013-2015, toàn tỉnh có 31 xã ĐBKK vùng BNVB tập trung ở 4 huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang, thì giai đoạn 2016 -2020 giảm xuống còn 27 xã. Trong đó, Phong Điền có ít xã BNVB nhất, với 5 xã; nhiều nhất là Phú Vang, với 8 xã. |
Bài, ảnh: Anh Phong