Cơ quan chức năng khuyến cáo người nuôi nên thu hoạch tôm khi đã đạt kích cỡ, tránh thiệt hại do thời tiết, dịch bệnh
Tôm chết rải rác
Nhiều cơn bão liên tiếp cuối năm 2020 khiến các vuông tôm chân trắng ven biển bị ảnh hưởng. Đê thủy sản bị xói lở, hạ tầng thiệt hại ngay thời điểm người nuôi bước vào vụ đông.
Hiện, khi mà con tôm đang trong giai đoạn phát triển thì tình hình mưa rét kéo dài, nhiệt độ hồ nuôi xuống thấp khiến tôm sinh trưởng kém. Tại nhiều diện tích nuôi, tôm chân trắng chết rải rác.
Xã Phong Hải, huyện Phong Điền là một trong những vựa tôm thẻ chân trắng lớn nhất tỉnh. Những ngày qua, người nuôi tôm đứng ngồi không yên khi tôm xuất hiện hiện tượng đen mang, vỏ tôm chuyển sang màu vàng nhạt và bị nấm. Hiện tượng này xuất hiện phổ biến ở nhiều hồ nuôi khiến tôm chết vài chục cân ở mỗi hồ. Anh Nguyễn Thận (xã Phong Hải) lo âu: “Hiện tượng này lần đầu tiên xuất hiện ở Phong Hải. Sau một năm có nhiều trở ngại, người nuôi tôm rất hi vọng vào vụ đông này. Nếu dịch bệnh xảy ra, thiệt hại sẽ rất lớn”, anh Thận lo âu.
Ngoài dịch bệnh, người nuôi tôm tại các địa phương cũng lo lắng về thời tiết. Anh Nguyễn Xi, một hộ nuôi tôm ở xã Vinh An (huyện Phú Vang) cho rằng, tôm chân trắng thích hợp với nền nhiệt độ khoảng 25oC. Khi nhiệt độ xuống thấp như hiện nay sẽ kéo theo tốc độ tăng trưởng của tôm thấp hơn so với bình thường. Ngoài ra, mưa lạnh, đáy hồ nuôi không được vệ sinh thường xuyên khiến thức ăn dư thừa, xác chết của tôm phân hủy tạo nên các chất độc hại cho tôm.
“Nếu thời tiết lạnh còn kéo dài, chưa bàn đến dịch bệnh thì quá trình nuôi của chúng tôi sẽ kéo dài bởi tôm sinh trưởng rất chậm. Theo đó, chi phí nuôi sẽ tăng lên khiến thu nhập bị ảnh hưởng đáng kể. Đáng lý ra, nuôi vụ đông chúng tôi phải đầu tư hệ thống bạt che chống rét nhưng chi phí quá lớn nên rất ít hộ nuôi đầu tư. Dù vụ đông là vụ nuôi chính nhưng nhiều năm trước, do trời lạnh nên nhiều hộ sau khi thu hoạch tôm dù đạt sản lượng tốt nhưng vẫn không có lãi”, anh Xi bày tỏ.
Nuôi tôm vụ đông dù tạo ra hiệu quả về giá, nhưng thách thức dịch bệnh luôn thường trực. Các yếu tố nhiệt độ, độ mặn tăng cao, biến đổi môi trường… sẽ làm suy giảm sức đề kháng của tôm, dẫn đến nguy cơ dịch bệnh. Bây giờ, nhiều hộ dân đang tính đến phương án “chắc ăn”, nghĩa là thu hoạch khi ngay khi tôm đạt kích cỡ nhất định. “Thông thường tôi chờ đến giáp tết hoặc sau tết nguyên đán mới thu hoạch tôm bởi lúc này, giá sẽ rất cao, nhưng hiện nay, tôi quyết định thu hoạch sớm bởi thời tiết đang bất lợi. Nếu tiếp tục nuôi chờ giá, chi phí sẽ cao và dịch bệnh khó lường hơn. Vừa rồi, vụ tôm của tôi đạt sản lượng khá cao, kích cỡ đạt 70 con/kg”, anh Hồ Văn Hoàng (xã Điền Hòa, huyện Phong Điền) nói.
Tạo ô xy cho hồ nuôi là khâu quan trọng để tôm sinh trưởng
Thường xuyên kiểm tra nguồn nước
Theo các cơ quan chức năng, thời điểm hiện nay đang là điều kiện tốt vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển trên tôm. Sau khi xuất hiện thông tin tôm chân trắng bị bệnh ở xã Phong Hải, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cắt cử cán bộ đến địa phương này nắm tình hình và xác định nguyên nhân.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh cho rằng, chính mưa lũ kéo dài kết hợp với đợt rét hiện nay khiến các hồ nuôi tôm bị thiếu ô xy dẫn đến hiện tượng tôm chết rải rác. “Qua kiểm tra, chúng tôi chưa ghi nhận dịch bệnh xảy ra trên diện rộng và cũng đã lấy mẫu kiểm tra bệnh đốm trắng, nhưng cho kết quả âm tính. Mặc dù vậy, các địa phương cần phối hợp với cơ quan môi trường kiểm tra nguồn nước”, ông Hưng thông tin.
Hiện nay, ngoài những doanh nghiệp lớn, quy trình nuôi tôm của đa số người dân trên địa bàn tỉnh vẫn chưa hoàn thiện, đặc biệt trong thời điểm khí hậu diễn biến cực đoan. Dù chi phí đầu tư lớn nhưng người nuôi tôm chủ yếu tự phát, dựa vào kinh nghiệm là chủ yếu. Do vậy, khi mưa lạnh kéo dài, họ tỏ ra lúng túng.
Một chuyên gia ngành thủy sản cho rằng, để tránh tình trạng tôm chân trắng lâm vào cảnh dịch bệnh, chết hàng loạt, người nuôi cần sử dụng men vi sinh định kỳ để ổn định môi trường, hạn chế khí độc làm sạch môi trường hồ nuôi, đặc biệt là tầng đáy. Ngoài ra, tôm cũng cần được bổ sung sung vitamin, men tiêu hoá… nhằm tăng cường sức đề kháng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trương Văn Giang cho hay, chính sự biến động về nhiệt độ khiến những diện tích tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng, một số vùng nuôi, tôm bị sốc nhiệt dẫn đến chết. “Thời tiết đang bất lợi nên ngoài việc chăm sóc, người dân cần nuôi, thu hoạch theo đúng khung lịch thời vụ. Các yếu tố như, mật độ nuôi, môi trường nước, chế độ ăn cũng cần phải đảm bảo”, ông Giang nói.
Bài, ảnh: L.Thọ