ClockThứ Bảy, 16/05/2020 15:18

Căng mình chống hạn

TTH.VN - Khắp các địa phương, nông dân đang tất bật chuẩn bị vụ hè thu song, hàng trăm ha lúa vẫn bỏ hoang và nông dân lo sợ thiếu nước đang là bài toán khó.

Nguy cơ hạn hán, thiếu nước lan rộng ra các tỉnh ven biển Trung BộNam Đông tập trung cứu lúa, hoa màuHạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp

Nông dân Phú Vang tranh thủ tích nước, làm đất chuẩn bị gieo sạ vụ hè thu

Tranh thủ tích nước

Biến đổi khí hậu, hạn hán khiến tình hình sản xuất nông nghiệp thời gian qua điêu đứng. Khi mà nền nhiệt chưa có dấu hiệu hạ thì nông dân đang bắt tay vào làm đất, chuẩn bị gieo sạ vụ mới.

Trên những cánh đồng, những gốc lúa sau thu hoạch cháy vàng, nông dân tranh thủ cày xới, chờ mưa “đánh đất” thêm một lần nữa trước khi xuống giống.

Ông Lê Ngọc Phi (thôn Tô Đà 2, xã Thủy Tân, TX. Hương Thủy) sau khi thu hoạch xong 6 sào lúa đông xuân với năng suất không như mong đợi liền bắt tay vào công tác làm đất, chuẩn bị cho vụ hè thu. Ngoài nguồn giống đang thiếu hụt, hạn hán khiến đồng ruộng của ông thiếu nước. Ông Phi cho biết, đúng theo khung lịch thời vụ, gần một tuần nữa ông sẽ xuống giống, nhưng hiện đồng ruộng hanh hao, gốc lúa vàng rộ một màu. “Nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng, thiếu nước là điều chắc chắn. Những đồng ruộng nơi đây chủ yếu nhờ vào nguồn nước từ hồ Truồi nhưng năm nay, hạn hán khiến nước khan hiếm”, ông Phi chia sẻ.

Thiếu nước vụ hè thu không chỉ diễn ra năm nay, các năm trước “điệp khúc này” đã khiến nông dân khốn đốn. Bây giờ, hàng trăm ha lúa khắp các địa phương vì không có nước tưới đành bỏ hoang, chính quyền địa phương cũng khuyến cáo nông dân chuyển đổi cơ cấu cấy trồng, song đến nay không nhiều diện tích được chuyển đổi. Ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc cho biết, tại địa phương, dù một số diện tích lúa được chuyển sang sản xuất các cây trồng cạn nhưng vẫn còn hơn 100ha ruộng đành bỏ hoang.

Cùng chung thực trạng đó còn có các địa phương vùng cao như Nam Đông, A Lưới.

Tiết kiệm nước đang là giải pháp được các cơ quan chức năng đưa ra; tích trữ nguồn nước là việc nông dân cần phải làm ngay từ bây giờ. Tại một số đồng ruộng, nông dân đang vất vả hơn thường lệ để đắp đập, khơi thông hệ thống kênh mương nhằm dự trữ nguồn nước. “Phải tận dụng tất cả các phương tiện để dự trữ nguồn nước. Trước mắt là để gieo sạ vụ hè thu”, bà Trần Thị Thúy (xã Phú Gia, huyện Phú Vang) quả quyết.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, dự kiến vụ hè thu này, toàn tỉnh sẽ đưa vào gieo sạ khoảng 26.000 ha với cơ cấu giống lúa gồm, Khang dân, TH5, HT1, IR352, HN6…. Đến nay đã gieo sạ khoảng 5.000 ha. Ngành nông nghiệp đang chỉ đạo các địa phương hỗ trợ nông dân về khâu chọn giống và các biện pháp gieo sạ, tích trữ nguồn nước.

Đánh giá tình hình sản xuất nông nghiệp thời điểm này, TS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nông học - Trường đại học Nông lâm, ĐH Huế nói: “Dù chưa hoàn thiện nhưng hệ thống thủy lợi ở Thừa Thiên Huế đủ để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nông dân đang chịu tác động của yếu tố khách quan là thời tiết. Do vậy, bắt buộc phải tranh thủ nguồn nước và chọn giống hợp lý mới vượt qua giai đoạn này”.

Mực nước tại Thủy điện Bình Điền hiện thấp hơn dự kiến

Hồ chứa thiếu nước

Theo các cơ quan chức năng, việc thếu nước đã diễn ra ngay trong vụ đông xuân kéo dài cho đến nay. Nguyên nhân thiếu nước bởi thời tiết diễn biến cực đoan, lượng mưa thiếu hụt, nắng nóng xảy ra trên diện rộng.

Bởi những yếu tố đó nên hiện mực nước ở các hồ đập lớn trên địa bàn tỉnh đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, khoảng thời gian này năm ngoái, mực nước các hồ chức chỉ đạt dung tích phổ biến từ 50-75% so với thiết kế.

Tại hồ Tả Trạch, mực nước là 35,68m, lưu lượng đến hồ trung bình khoảng 15m3/s, lượng chạy máy trung bình ngày khoảng 25m3/s; mực nước hồ hiện tại thấp hơn cùng kỳ năm 2019 là 3,92m. Lưu lượng đến hồ Thủy điện Bình Điền trung bình khoảng 4m3/s, lượng chạy máy trung bình ngày khoảng 8,3m3/s (lưu lượng đến hồ thấp hơn lưu lượng dự kiến), mực nước hồ hiện tại thấp hơn cùng kỳ năm 2019 là 8,1m, mực nước hồ đang thấp hơn giới hạn mực nước tối thiểu của các hồ chứa…

Các hồ chứa thủy lợi cũng đang trong tình cảnh thiếu nước. Theo Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh, mực nước tại hồ Truồi, hồ Khe Ngang, hồ Hòa Mỹ, hồ Thọ Sơn đa số thấp hơn cùng kỳ năm 2019. Chính điều này đã tác động trực tiếp đến việc sản xuất nông nghiệp của người dân.

Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, trước thực trạng trên, đơn vị đã và đang phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm kê nguồn nước trữ trong các hồ chứa thủy điện theo từng giai đoạn để kịp thời điều chỉnh kế hoạch cấp nước cho hạ du các hồ chứa nước thủy điện, trong đó tập trung ưu tiên cấp nước cho dân sinh, sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác.

“Trước mắt, chúng tôi khuyến cáo nông dân tạo nguồn nước, lồng ghép chương trình chủ nhật xanh với việc khơi thông hệ thống thủy lợi, cống, vớt bèo dọc các tuyến sông, kênh mương. Về lâu dài, rà soát những diện tích bị hạn nặng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, xây dựng các mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với các diện tích không đảm bảo nguồn nước phục vụ gieo cấy lúa vụ hè thu. Liên quan đến hệ thống thủy lợi, chúng tôi sẽ rà soát, đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi từ nhiều nguồn kinh phí và nguồn xã hội hóa…”, ông Hòa nói.

Bài, ảnh: L.Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vui với nông nghiệp Quảng Điền

Kết thúc năm 2024, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Điền đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ.

Vui với nông nghiệp Quảng Điền
“Lên đời” cho phụ phẩm nông nghiệp

Không ngừng học hỏi và đổi mới cách làm, Ngô Thị Tuyết, cô gái 9X ở xã Dương Hòa (TX. Hương Thủy) đã biến những phụ phẩm nông nghiệp của quê hương thành sản phẩm dầu gội chất lượng.

“Lên đời” cho phụ phẩm nông nghiệp
Mô hình mới trên đất Quảng Nhâm

Với điều kiện thổ nhưỡng giàu dinh dưỡng và khí hậu đặc trưng của vùng núi A Lưới, xã Quảng Nhâm đã được chọn là một trong những địa bàn trọng tâm để phát triển vùng trồng dược liệu. Trong tổng diện tích 210ha của dự án tại huyện, xã Quảng Nhâm chiếm 60ha, trong đó cây gấc đóng vai trò chủ lực.

Mô hình mới trên đất Quảng Nhâm

TIN MỚI

Return to top