ClockThứ Bảy, 14/03/2020 06:15

Hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp

TTH - Đầu năm đến nay, lượng mưa thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm, khiến nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp thiếu nước, hạn mặn xâm nhập đồng ruộng.

Chủ động đầu vụ đông xuân

Nhiều diện tích lúa ở Trung Sơn (A Lưới) thiếu nước, nguy cơ mất trắng

Hơn 100 ha lúa chết do xâm nhập mặn

Nhiều tháng nay, tại các địa phương Phú Đa, Phú Diên (Phú Vang), tình trạng xâm nhập mặn đã làm nhiều diện tích sản xuất phải bỏ hoang.

Ông Hoàng Trọng Đoài, Chủ tịch UBND xã Phú Diên thông tin, toàn xã có khoảng 180 ha lúa/vụ. Vụ đông xuân năm nay, khoảng 20 ha lúa tại khu vực đê Đông Phá Đông (thôn Kế Sung) gần như không sản xuất được do tình trạng xâm nhập mặn. Tuyến đê Đông Phá Đông dài 7km có nhiệm vụ bảo vệ sản xuất hàng trăm ha lúa tại địa phương. Hạn hán kéo dài, lượng mưa ít khiến nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp ven đê bị nhiễm mặn.

“Đối với những diện tích nằm ven quốc lộ có thể chuyển đổi trồng dưa hấu, màu các loại do chủ động được nguồn nước thủy lợi; còn vùng ven đầm phá thì đành bỏ hoang”, ông Đoài cho biết thêm.

Hạn hán kéo dài, lượng mưa ít, các công trình thủy lợi xuống cấp khiến hàng trăm ha lúa của người dân ở huyện vùng cao A Lưới đứng trước nguy cơ mất trắng.

Ông Hồ Văn Khuých, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Sơn (A Lưới) cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 5 ha lúa chịu hạn hán nặng. Trong đó, tập trung ở các thôn A Niêng – Lê Triêng 1 và thôn Đụt – Lê Triêng 2. Sau khi xuống giống từ đầu năm, nguồn nước thủy lợi không chủ động, gặp hạn hán nên nhiều diện tích có nguy cơ bị chết.

Theo ông Khuých, địa phương đang huy động nhân lực để khắc phục công trình thủy lợi, tìm nước tưới. Ngoài ra, xã cũng đã lên phương án trước mắt là vận động người dân chuyển đổi cây trồng ngắn ngày, từ trồng lúa sang trồng hoa màu. Về lâu dài, địa phương đề xuất kinh phí đầu tư để chuyển sang trồng rau sạch chất lượng cao.

Theo Sở NN&PTNT, trên địa bàn tỉnh có lượng mưa từ đầu năm đến nay thấp hơn nhiều so với trung bình hàng năm (TBHN). Từ tháng 1-3, lượng mưa thấp hơn TBHN khoảng 30%, lượng mưa phân bố không đều giữa đồng bằng và vùng núi. Trong tháng 3 lượng mưa lại thấp hơn TBHN và nắng nóng xuất hiện cục bộ, qua tháng 4 nắng nóng xuất hiện trên diện rộng với tổng lượng mưa thấp hơn TBHN từ 10-25%.

Vụ đông xuân năm 2020, toàn tỉnh đưa vào gieo cấy gần 30.000 ha lúa và hơn 2.300 ha hoa màu các loại. Tính đến nay, có hơn 100 ha lúa bị chết do xâm nhập mặn và khoảng 2.000 ha có nguy cơ thiếu nước tập trung các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới.

Triển khai các giải pháp

Ngay từ đầu năm, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn thực hiện việc vận hành phát điện hợp lý và điều tiết, cấp nước cho hạ du trong mùa khô 2020 theo quy trình vận hành liên hồ đã được Chính phủ phê duyệt và tham mưu UBND tỉnh triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn.

Ông Đỗ Văn Đính, Giám đốc Công ty TNHH NNMTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh thông tin, để góp phần chống hạn, đơn vị đã chủ động đắp các đập tạm ở vùng miền núi Nam Đông, A Lưới, nâng đỉnh tràn bằng bao tải đất ở hồ Hòa Mỹ để tăng dung tích của hồ; đã lắp đặt các trạm bơm chuyền ở vùng cao của hệ thống hói 5 xã, 7 xã (Hương Trà); khơi thông dòng chảy các cửa vào của các trạm bơm, cống lấy nước.

Công ty phối hợp với các địa phương quản lý vận hành đóng các đập ngăn mặn Thảo Long, Cửa Lác, cống Quan, cống Truồi, cống Cầu Lông, cống Quán Cửa, cống An Xuân, cống Hà Đồ, cống Mai Dương và các cống trên đê ven phá Tam Giang, đảm bảo ngăn mặn triệt để, chống thất thoát nước.

Các địa phương cũng thực hiện chỉ đạo theo phương châm “4 tại chỗ”. Đối với các vùng không chủ động nguồn nước, thường xuyên bị nhiễm mặn, trong vụ hè thu năm 2020, đề nghị các địa phương có kế hoạch chủ động chuyển đổi sang cây trồng cạn, bố trí giống ngắn ngày hoặc bỏ hoang, tránh gây thiệt hại cho nhân dân.

Sở NN&PTNT yêu cầu các địa phương phải chủ động xây dựng chi tiết kế hoạch ứng phó chống hạn theo kịch bản bất lợi và bố trí kinh phí để triển khai nạo vét các hói, kênh, rạch, lòng hồ, các tuyến kênh chính dẫn nước từ các sông, hói vào kênh mương nội đồng bị bồi lấp để chống hạn cho các diện tích có khả năng bị thiếu nước; kiểm tra, theo dõi quản lý vận hành đóng các cống trên đê ven phá đảm bảo ngăn mặn triệt để, chống thất thoát nước; chủ động làm việc với Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đảm bảo ưu tiên cấp điện ổn định cho sinh hoạt, vận hành các hồ chứa, trạm bơm phục vụ công tác phòng, chống hạn kịp thời.

Đề xuất hỗ trợ kinh phí chống hạn mùa khô 2020

Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh trình Bộ NN&PTNT, Chính phủ, hỗ trợ kinh phí chống hạn trong mùa khô năm 2020 và đầu tư một số công trình thủy lợi trọng điểm. Theo đó, đề xuất hỗ trợ kinh phí điện, dầu vượt định mức và sửa chữa các công trình thủy lợi với kinh phí khoảng 76,3 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí đầu tư một số công trình như hồ chứa nước Thủy Cam với kinh phí khoảng 550 tỷ đồng, sửa chữa đập ngăn mặn Thảo Long xuống cấp với kinh phí khoảng 198 tỷ đồng, nâng cấp đập ngăn mặn Cửa Lác kinh phí khoảng 60 tỷ đồng và sớm cho chủ trương nghiên cứu lập dự án xây dựng hồ chứa nước Ô Lâu Thượng với kinh phí 987 tỷ đồng.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xử lý kịp thời ca bệnh sốt xuất huyết, ngăn muỗi sinh sôi

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có gần 900 ca bệnh sốt xuất huyết, có tuần ghi nhận đạt đỉnh 70 trường hợp dương tính với sốt xuất huyết Dengue. Ngành y tế tỉnh nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp truyền thông, tổ chức vệ sinh môi trường, nâng cao nhận thức cho người dân…

Xử lý kịp thời ca bệnh sốt xuất huyết, ngăn muỗi sinh sôi
Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Ngày 29/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho hay, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 500 ca sốt xuất huyết, trong đó 1 ca tử vong. Sốt xuất huyết (SXH) đã có ở các huyện, thị, thành phố, trong đó TP. Huế gần 340 ca bệnh, Quảng Điền hơn 50 ca, Hương Thủy gần 50 ca…

Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp
Return to top