Cháy lớn ở Điền Hòa ngày 27/7
Ý thức bảo vệ còn thấp
Khi nhận tin báo từ người dân, chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm, vũ trang có mặt tại hiện trường thì rừng đã cháy lớn, lây lan diện rộng. Diện tích rừng bị cháy trải dài từ thôn 1 đến thôn 4, xã Điền Hòa và có nguy cơ lây lan sang các diện tích rừng các vùng lân cận. Hơn 300 cán bộ chiến sĩ, kiểm lâm, người dân và 5 xe chứa nước công suất lớn tham gia chữa cháy.
Đến tối 27/7, vụ cháy được khống chế. Ngày 28/7, lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương tiếp tục bám các điểm cháy, phòng ngừa, ngăn chặn cháy rừng có thể tái bùng phát trở lại. Cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tính riêng từ đầu mùa nắng nóng đến nay, tại vùng cát Ngũ Điền xảy ra 5 vụ cháy rừng lớn, nhỏ gây thiệt hại khá lớn đến diện tích rừng tràm, rừng phòng hộ ven biển, chống cát bay, cát nhảy. Mùa nắng nóng năm trước từng xảy ra nhiều vụ cháy rừng keo tràm tương tự ở xã Điền Hòa, Phong Hải…
Chủ tịch UBND xã Điền Hòa, ông Nguyễn Đăng Phúc nhận định, ngoài vụ cháy lớn kéo dài từ trưa đến tối 27/7 đang được điều tra nguyên nhân, còn lại các vụ cháy trước đó đều xác định do tác động trực tiếp của con người là chính. Một số hộ đốt thực bì, đốt nhang, vàng mã tại các ngôi mộ cạnh rừng, vứt bỏ tàn thuốc cẩu thả… là nguyên nhân dẫn đến cháy rừng.
Ông Phúc cho rằng, các địa phương và một bộ phận người dân chưa thật sự quan tâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR), phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) mùa nắng nóng. Diện tích rừng ở Ngũ Điền không lớn, địa hình không phức tạp như ở miền núi nhưng các ban ngành chức năng, chủ rừng, người dân chưa quan tâm tuần tra, BVR; thiếu sự giám sát thường xuyên nhằm kịp thời phát hiện, nhắc nhở người dân đốt thực bì và các hành vi khác để ngăn chặn, khống chế các vụ cháy ngay từ đầu.
Chủ động hơn
Các lực lượng, người dân Điền Hòa chủ động giám sát, phòng rừng cháy trở lại
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phong Điền, ông Nguyễn Bá Thạo cho rằng, diễn biến thời tiết phức tạp, nắng nóng khắt nghiệt dẫn đến nguy cơ cháy rừng rất cao, khó lường. Với lực lượng kiểm lâm quá mỏng rất khó phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chính quyền và người dân địa phương mới chính là lực lượng quan trọng trong bảo vệ, PCCCR mùa nắng nóng.
Từ sau vụ cháy lớn diễn ra trưa 27/7, ngành kiểm lâm huyện chủ động bố trí, phân công lực lượng túc trực, tuần tra thường xuyên tại các khu rừng keo tràm ở Ngũ Điền và các địa phương ven biển. Ông Thạo khẳng định: “Ngành kiểm lâm đã cảnh giác, chủ động hơn trong ứng phó, BVR mùa nắng nóng! Thà vất vả tuần tra, giám sát để ngăn chặn kịp thời, còn hơn gian khổ, nguy hiểm khi phải chữa cháy lan rộng mà rừng vẫn cứ thiệt hại lớn”.
Ông Thạo đề nghị, ngoài nhân lực, vật lực tại chỗ của ngành kiểm lâm - lực lượng vũ trang, cần sự chủ động, tích cực quản lý, BVR từ phía chính quyền và người dân các địa phương. Ngoài ý thức chấp hành quy định về quản lý, BVR, PCCCR, người dân cần tin báo kịp thời với các ban ngành, chính quyền địa phương khi vừa mới phát hiện các vụ cháy hoặc người có hành vi vi phạm dẫn đến cháy rừng.
Bên cạnh đó, diện tích rừng phòng hộ ven biển, chắn sóng, chống cát bay, cát nhảy ở Ngũ Điền và toàn tỉnh nói chung cần được giao khoán quản lý, bảo vệ cụ thể, gắn với cơ chế, chính sách hưởng lợi nhằm nâng cao hiệu quả BVR. Đồng thời, xây dựng hệ thống bể chứa nước và các thiết bị, máy móc đặt tại các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao nhằm chủ động ứng phó kịp thời khi xảy ra cháy rừng.
Bài, ảnh: Hoàng Triều