ClockChủ Nhật, 18/10/2020 15:11

Cấp nước xuyên suốt & an toàn trong mùa mưa lũ

TTH - Trong bão số 5 và trận lũ lụt nhiều ngày, Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) vẫn cấp nước an toàn, liên tục và đủ áp cho người dân trên địa bàn. Đó là khẳng định của ông Trương Công Hân, Tổng Giám đốc HueWACO.

Khắc phục sự cố, duy trì cấp nước giữa mưa lũĐảm bảo an ninh nước trong mưa bão

 Ông Trương Công Hân, Tổng Giám đốc HueWACO

Nước dâng cao, lưới điện ở các vùng trũng hầu như ngừng cấp là một thách thức, thưa ông?

Do ảnh hưởng của mưa lũ khiến các nhà máy nước ngập sâu. Tại nhà máy (NM) Hòa Bình Chương, nước sông dâng cao so với bình thường 4m, cao hơn nền nhà 0,62m; NM Phong Thu cách nền NM 0,6m, nước ngập cao hơn mốc lụt năm 1999 là 0,3m. Trạm trung chuyển điều áp Điền Môn mực nước cao hơn nền NM 0,24m, cao hơn mực nước năm 1999 là 5cm… Nước dâng cao, lưới điện ở các vùng trũng hầu như ngưng cấp điện là một thách thức rất lớn đối với HueWACO.

Công ty đã có những giải pháp nào để khắc phục khó khăn đó?

Nước ngập sâu khiến 7/30 NM và 9/33 trạm tăng áp bị mất điện lưới. Đặc biệt, NM nước Vạn Niên, có công suất cấp nước lớn nhất chiếm 75% nhu cầu dùng nước toàn tỉnh, điện lưới không ổn định nên nguy cơ mất nước cho gần 800.000 người dân khu vực TP. Huế và các vùng phụ cận rất cao. HueWACO phải chạy máy phát điện nhiều giờ liền để đảm bảo cấp nước đủ áp cho người dân.

Khắc phục sự cố đường ống ở cầu Khải Định

Do lượng mưa lớn, tốc độ dòng chảy tại các khe suối tăng mạnh, nhiều điểm ngập sâu cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống cấp nước, nhất là khu vực Nam Đông, A Lưới. Mưa lũ khiến ống nước thô D225 từ đập Tà Rê bị trôi. Các đập Sơn Thủy, Phú Vinh, Đông Sơn, A Roàng đều bị tắc đập, trôi ống... Nhiều tuyến ống ở các khu vực bị hư hỏng.

Ông có thể nói cụ thể hơn?

Trong lụt, bão hệ thống điện thường ngưng cung cấp nên hầu hết các NM đều phải sử dụng nguồn điện dự phòng từ máy phát điện. Theo tính toán chi phí sử dụng điện từ máy phát rất cao (19.600 đồng/kWh), gấp 10,7 lần so với sử dụng điện lưới (1.828 đồng/kWh). Hiện có 7 NM đang chạy bằng máy phát điện với số dầu tiêu thụ 4.700 lít, 10.200kWh, tổng chi phí vận hành máy phát điện 200 triệu đồng. HueWACO đã vận hành 150h của 23 máy, tổng giá trị nguyên giá 14 tỷ đồng, công suất hơn 5.000KVA.

Mưa, lũ khiến các tuyến đường nhất là tuyến đường lên A Lưới bị sạt lở, chia cắt. Các đập đầu nguồn nhất là khu vực các huyện miền núi rất dễ tắc đập do lượng đất đá từ đầu nguồn về nhiều. Tiếp cận các đập đầu nguồn rất khó khăn do nước chảy xiết, nguy hiểm rất khó khăn trong việc khắc phục các sự cố.

Sẵn sàng nguồn vật tư, thiết bị dự phòng là giải pháp mấu chốt để đảm bảo cấp nước mùa mưa lũ, phải không, thưa ông?

Chưa hẳn là vậy. Con người mới thật sự là yếu tố quan trọng trong đảm bảo cấp nước an toàn, xuyên suốt trong lụt, bão.

Thực tế trong quá trình khắc phục các sự cố cấp nước đã chứng minh điều đó khi các điểm hư hỏng trong mưa bão đều ở những ví trí rất nguy hiểm, như sông suối với lưu lượng dòng chảy lớn, ngập sâu… Nếu con người không “xả thân” vì mục tiêu chung thì khó khắc phục được. Đó cũng là một nét văn hóa mà HueWACO đã và đang xây dựng vì mục tiêu chung là đảm bảo cấp nước an toàn cho người dân.

HueWACO đã huy động gần 300 CBCNV theo dõi lượng mưa, mức lũ để tiếp tục phòng chống lũ, giảm thiệt hại về người và tài sản, tham gia khắc phục các sự cố cấp nước, để cấp nước sạch liên tục cho dân trong lũ lớn, mặc dù nhiều nhà CBCNV ngập sâu nhưng vẫn tập trung khắc phục bão lụt.

HueWACO thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng” (chỉ huy tại chỗ, vật tư, trang thiết bị tại chỗ, lực lượng tại chỗ; 3 sẵn sàng gồm chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả). Các NM chuẩn bị đầy đủ nguồn vật tư, hóa chất, máy phát điện.

HueWACO đã chủ động thực hiện công tác kiểm tra, bảo dưỡng đảm bảo 100% máy phát điện dự phòng hoạt động tốt, dự trữ gần 30.000 lít dầu, đảm bảo vận hành cho các NM khi có sự cố mất điện trên 5 ngày. Trung tâm Chăm sóc khách hàng cũng hoạt động liên tục trong những ngày mưa bão để ghi nhận các sự cố về nước nhằm khắc phục kịp thời cho khách hàng.

Mưa lũ đã ảnh hưởng đến chất lượng nước cung cấp?

Hiện, nước đầu vào các NM Vạn Niên – Quảng Tế, Phong Thu, Nam Đông và Tứ Hạ có độ đục nước nguồn lên đến 1.000 NTU (cao hơn 100 lần) so với thời điểm bình thường, hàm lượng chất hữu cơ, sắt, mangan trong nước cũng cao hơn 10 lần so với ngày thường. Hiện, HueWACO đã chủ động hoàn toàn về công nghệ, hoạt động giám sát chất lượng nước cũng được theo dõi liên tục.

Ngày thường, mỗi NM chỉ có 1 đến 2 người vận hành xử lý nước trong 1 ca (8 tiếng) và Phòng Quản lý chất lượng nước sẽ lấy mẫu nước các NM để kiểm tra theo tần suất 1 tuần/lần, thì nay tất cả các NM đã bố trí 100% công nhân vận hành (từ 4 – 8 người trong ca) của NM cùng theo dõi vận hành xử lý và chất lượng nước nguồn. Nước sau xử lý được Phòng Quản lý chất lượng nước kiểm tra hàng giờ để báo cáo. Việc tăng tần suất kiểm tra nước lên hàng giờ sẽ kịp thời phát hiện những bất thường hay mối nguy tiềm ẩn đề xuất phương án xử lý kịp thời.

Các NM cũng tăng cường xử lý than hoạt tính bột để khử màu, mùi và PAC để keo tụ và Javen để xử lý sắt, mangan, khử trùng, kiểm tra kỹ các chỉ số an toàn, chỉ tiêu của nước như: màu sắc, pH, độ đục, vi sinh, độ kiềm, tổng chất rắn hòa tan… để đảm bảo an toàn khi cấp nước đến người dân. Trong tình hình hiện nay, các NM và toàn mạng vẫn duy trì lượng clo dư từ 0,2 đến 0,7 mg/l, ngăn chặn các nguy cơ nước bị nhiễm các vi sinh vật đảm bảo chất lượng nguồn nước cung cấp đến khách hàng.

HueWACO đã nghiên cứu ứng dụng thành công nhiều đề tài duy trì cấp nước an toàn, nhất là trong mưa lũ giúp duy trì độ đục sau lọc xuống dưới 0,02 NTU (thấp hơn 100 lần so với Quy chuẩn của Bộ Y tế), lượng sắt trong nước xuống dưới 0,01 mg/l (thấp hơn 30 lần) và Mn xuống dưới 0,001mg/1 (thấp hơn 300 lần) so với tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế.

Trong trường hợp mất nước do sự cố, HueWACO có thể đảm bảo nguồn cấp nước dự phòng?

Tại các xí nghiệp đều bố trí các bồn chứa nước dự phòng nên nếu xảy ra tình trạng mất nước cục bộ tại các vị trí, các xí nghiệp sẽ đưa các bồn dự phòng này vào hoạt động cấp nước tạm thời cho người dân trong thời gian mưa bão, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng mất nước đến người dân. Với các khu biệt lập hay do máy phát điện chạy không đảm bảo công suất, các xí nghiệp sẽ chủ động điều các xe bồn đến cung cấp cho người dân trong thời gian chờ khắc phục không để người dân không có nước sạch sử dụng.

Nước sạch là nhu cầu không thể thiếu đối với đời sống người dân. Trong và sau lụt, bão càng cực kỳ ý nghĩa quan trọng vì nhu cầu sử dụng sẽ tăng cao. Thiếu nước sạch sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ về dịch bệnh.  Thế nên, tập thể HueWACO vẫn đang ngày đêm bám hiện trường và diễn biến mưa lụt nhằm bảo đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục cho người dân.

HOÀNG LOAN (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản số 10182/NHNN-TT yêu cầu các đơn vị liên quan trực thuộc, các tổ chức tín dụng, NAPAS và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán,... triển khai một số biện pháp để bảo đảm hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt trong thời gian cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025.

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025
Hồ Tả Trạch tăng lưu lượng điều tiết nước

Ngày 16/12, Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 5 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có thông báo gửi các sở, ngành, địa phương về việc điều tiết nước hồ Tả Trạch về hạ du sông Hương.

Hồ Tả Trạch tăng lưu lượng điều tiết nước
Return to top