Tạo chuỗi nông sản an toàn
Cửa hàng giới thiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm huyện Phú Lộc nằm tại số 82 đường Lý Thánh Tông (thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc) bày bán thường xuyên 26 mặt hàng chủ lực của các hội viên nông dân, bao gồm các sản phẩm tiêu biểu của địa phương như tinh dầu tràm Lộc Thủy, mắm Lộc Bình, các rau củ quả theo mùa và nhiều loại đặc sản, hải sản khác. Đặc biệt, mặt hàng cà gai leo của hội nông dân xã Lộc Hòa-một sản phẩm mới rất được khách hàng ưa chộng và bán chạy nhất.
Cửa hàng hiện bày bán thường xuyên 26 mặt hàng chủ lực của các hội viên nông dân trên địa bàn huyện Phú Lộc
Với vị trí “đắc địa” nằm trên tuyến Quốc Lộ 1, sát khu vực chợ nên rất thuận tiện để người dân đến xem, lựa chọn và mua hàng. Sản phẩm được giới thiệu tại cửa hàng đều là những nông sản sạch, có chứng nhận an toàn của các cơ quan chức năng nên được nhiều người chào đón.
Chị Trần Thị Lệ Thanh, một người dân cho biết: “Giá cả các mặt hàng nông sản tại cửa hàng chỉ chênh lệch vài ba ngàn so với các điểm bán khác nhưng đổi lại đều là nông sản an toàn có chứng nhận của địa phương nên khách hàng rất yên tâm khi tiêu dùng”.
HND huyện Phú Lộc cho biết, nhằm thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản an toàn; đồng thời xây dựng điểm cung cấp các sản phần an toàn cho các đơn vị tiêu thụ và người dân trên địa bàn huyện, đơn vị đã phối hợp với Hội LHPN, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện thành lập “Cửa hàng giới thiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm huyện Phú Lộc”.
Bà Đặng Hoàng Ái Thụy, Chủ tịch HND huyện Phú Lộc, cho biết: “Cửa hàng với mục đích tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện tốt và tuân thủ quy định pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm; kêu gọi lựa chọn, sử dụng nông sản sạch, đảm bảo sức khỏe. Qua đó, từng bước xây dựng chuỗi nông sản sạch phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, đẩy mạnh công tác liên kết tiêu thụ nông sản. Xây dựng địa điểm tin cậy giúp người dân an tâm sử dụng thực phẩm nông sản. Đồng thời, giúp giới thiệu để liên kết tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp tại địa phương”.
Nhân rộng mô hình
Theo chủ trương của HND huyện Phú Lộc, việc thành lập cửa hàng nông sản sạch cũng nhằm khuyến khích các đơn vị sản xuất nông sản tại địa phương chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng an toàn để cung cấp cho thị trường. Bà Đặng Hoàng Ái Thụy, thông tin, từ khi cửa hàng hoạt động hiệu quả, hội viên nông dân tích cực sản xuất thêm nhiều nông sản khác nhau để làm phong phú thêm các mặt hàng. Ví dụ như ở HND xã Lộc Vĩnh, ngoài dưa hấu là mặt hàng chủ lực được bày bán tại cửa hàng, bà con tiếp tục trồng thêm khoai tây, lạc,… để cung ứng sản phẩm cho cửa hàng, phục vụ nhu cầu của khách.
Qua khảo sát nhiều mô hình trên địa bàn tỉnh, điều dễ nhận thấy là việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn chủ yếu bằng hình thức thương lái, thông qua mạng lưới chợ truyền thống. Do vậy việc bị chèn ép về giá là điều khó tránh khỏi. Thị trường tiêu thụ cũng quanh quẩn trong huyện, trong tỉnh và các vùng lân cận; tỷ lệ nông sản có mặt tại các mạng lưới cửa hàng, siêu thị, nhà hàng,… còn rất ít ỏi. Và, một thực tế là nông dân phải bán qua rất nhiều khâu trung gian, nên giá cả từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dùng bị đẩy lên.
Ngoài phục vụ nhu cầu mua hàng người dân địa phương, cửa hàng sẽ hướng đến giới thiệu các sản phẩm đặc sản tiêu biểu phục vụ du lịch
Ông Phan Văn Xuân, Phó Chủ tịch HND tỉnh khẳng định, thời gian qua, hoạt động kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh được quan tâm đặc biệt. Các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm nông sản, đặc sản đã đặt hàng cung ứng nông sản thường xuyên hơn. Nhiều hội nghị kết nối trong và ngoài tỉnh được tổ chức, giúp tiêu thụ nông sản cho bà con. Cùng với đó, các cấp hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh, cũng đã phối hợp hỗ trợ thành lập nhiều cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông sản cho nông dân. Việc khuyến khích sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch cũng là hoạt động có ý nghĩa nhằm tuyên truyền hội viên nông dân, phụ nữ trong việc sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp an toàn, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đánh giá về hoạt động hiệu quả của cửa hàng, ông Phan Văn Xuân cho rằng, sự ra đời của các cửa hàng nông sản như ở Phú Lộc một khi hoạt động hiệu quả sẽ trở thành đầu mối quan trọng, giúp liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân, và cũng là địa chỉ cung ứng thực phẩm sạch, an toàn cho thị trường.
Trên cơ sở hoạt động hiệu quả của cửa hàng này, HND huyện Phú Lộc cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, đoàn thể trên địa bàn mở thêm một cửa hàng tương tự tại thị trấn Lăng Cô, cùng với việc phục vụ nhu cầu mua hàng người dân địa phương, cửa hàng sẽ hướng đến giới thiệu các sản phẩm đặc sản tiêu biểu phục vụ du lịch.
Bài, ảnh: Hà Nguyên