ClockThứ Bảy, 02/03/2019 14:35

Hình thành chuỗi cung ứng nông sản từ khâu sản xuất đến tiêu thụ

TTH.VN - Sáng 2/3, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ đã có chuyến kiểm tra, làm việc một số mô hình, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tại huyện Phong Điền. Cùng đi có đại diện các sở, ngành liên quan và lãnh đạo các địa phương.

Phong Điền: Trên 5 ngàn hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấpQuảng Điền hướng đến nông sản sạchCoi trọng nông nghiệp hữu cơĐưa nông sản Việt sạch đến tận tay người tiêu dùngMơ về nền nông nghiệp sạchPhong Điền: Hướng đến nền sản xuất nông sản sạch

Đoàn công tác đã đến kiểm tra tình hình sản xuất lúa hữu cơ, sen, cây thanh trà và rau trên cát và cùng trò chuyện nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người nông dân ở một số địa phương như Phong Hiền, Phong Thu, Phong Bình, Điền Lộc, Điền Môn.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ thăm mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại Phong Hiền

Hiệu quả từ dồn điền đổi thửa

Theo Đề án sản xuất lúa hữu cơ huyện Phong Điền đến năm 2025, thực hiện tại 8 xã của huyện Phong Điền, phấn đấu diện tích gieo trồng lúa hữu cơ trên địa bàn huyện đạt 200 ha vào năm 2020 và đạt 500 ha vào năm 2025.

Từ năm 2016, mô hình sản xuất lúa hữu cơ bắt đầu được triển khai trên diện tích trồng lúa truyền thống tại xã Phong Hiền và giao cho HTX Nông nghiệp An Lỗ thực hiện. Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Ba, Giám đốc HTX An Lỗ cho biết, có được những khoảnh ruộng rộng lớn, sản xuất tập trung như hiện nay là nhờ công tác dồn điền đổi thửa tại địa phương. Từ diện tích thí điểm ban đầu, đến nay đơn vị đã đưa vào sản xuất 22 ha/vụ, với cơ cấu giống gồm DT39, Rioz, DH15, mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 50 tấn lúa hữu cơ.

Điểm khác biệt của sản xuất lúa hữu cơ với sản xuất truyền thống là thực hiện theo phương pháp gieo mạ trên khay, dùng máy để cấy, làm cỏ bằng máy và chỉ sử dụng phân hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật là các chế phẩm sinh học bằng thảo mộc nên không gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe và tạo sản phẩm chất lượng. Đặc biệt, mô hình lúa hữu cơ kết hợp với thả vịt chạy đồng đang mang lại hiệu quả cao trong sản xuất tại xã Phong Hiền. Vịt sau khi thả chừng 2,5 tháng là thu hoạch (trước khi lúa làm đòng), sẽ làm giảm thiểu sâu bệnh và tăng cường lượng phân bón cho cây lúa trên đồng ruộng.

"Hiện, bình quân mỗi sào thu được chừng 2,5-2,7 tạ, lãi hơn giống lúa truyền thống khoảng 500 nghìn đồng/sào. Đầu ra của sản phẩm ổn định ở một số cửa hàng, chợ trên địa bàn tỉnh. Để đồng hành cùng nông dân, HTX đã đảm nhận từ khâu gieo mạ, cấy; đồng thời cung ứng vật tư nông nghiệp phân hữu cơ, chế phẩm sinh học cho nông dân”, Giám đốc HTX Nguyễn Ba khẳng định.

Sau khi nghe báo cáo tình hình sản xuất, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đánh giá, các địa phương cần chú trọng đẩy mạnh công tác dồn diền đổi thửa, sản xuất tập trung. Vấn đề quan trọng thứ hai là thị trường, phải làm sao hình thành được chuỗi phân phối từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ mới đi đến sản xuất bền vững. “Bây giờ cơ chế, chủ trương có rồi, quan trọng là cách làm như thế nào. HTX cần có giải pháp nâng chất lượng lúa hữu cơ, đưa giá trị sản phẩm lúa cao lên và tìm đầu ra ổn định để tăng giá trị cho bà con”, ông Thọ nhấn mạnh.

Đồng hành cùng nông dân

Toàn huyện Phong Điền có gần 400 ha sen, trong đó tại xã Phong Hiền có 80 ha, là một trong những cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Ông Trần Việt (thôn Sơn Tùng, xã Phong Hiền) cho biết, mô hình trồng sen lấy hạt tại địa phương mang lại thu nhập khá cao, khoảng 6 triệu đồng/sào (500m2). Tuy nhiên, hiện tại dịch bệnh diễn ra khá nhiều (năm 2018 làm chết hơn 100 ha) và đầu ra còn bấp bênh, tư thương ép giá khiến nông dân thua thiệt.

Tham quan mô hình trồng rau trên cát tại xã Điền Lộc

Ông Hồ Thắng, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh cho rằng, đối với cây sen trên địa bàn tỉnh, đơn vị đã phê duyệt danh mục làm thương hiệu Sen Huế và đã giao cho Hội Nông dân tỉnh triển khai thực hiện. Huế với nhiều giống sen quý có từ trước, đơn vị cũng đã có đề tài nghiên cứu gen gốc sen Huế. Khi lấy lại được nguồn gen gốc, sẽ cho sản xuất đại trà làm thương hiệu.

Đối với cây thanh trà ở xã Phong Thu, toàn xã có 140ha, mang lại thu nhập lớn cho nông dân với bình quân mỗi ha (200 cây) khoảng 70 triệu đồng. Mặc dù đã xây dựng được thương hiệu tuy nhiên, nhiều nông dân cho biết, do chưa có đầu ra ổn định, chưa được các đơn vị bao tiêu sản phẩm và khâu bảo quản khó khăn nên mỗi khi đến vụ, thu hoạch đại trà, trái thanh trà ở Phong Thu thường bị tư thương ép giá.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đặt vấn đề: “Hiện tại vùng sen Phong Điền người dân chủ yếu tự sản xuất và cung cấp nguồn giống; số khác lấy từ địa phương khác về. Tại sao chúng ta không thành lập trung tâm hoặc HTX chuyên cung cấp giống sen và sản xuất cung ứng ra thị trường các sản phẩm làm từ sen tại Phong Điền?”. Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu các sở, ngành liên quan lưu tâm, nghiên cứu vấn đề này. Riêng đối với cây thanh trà, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu địa phương nghiên cứu thành lập HTX chuyên về cây thanh trà và học hỏi mô hình tổ chức sản xuất, bảo quản hiệu quả tại HTX thanh trà Thủy Biều.

Mô hình trồng cây thanh trà tại xã Phong Thu đang gặp khó trong khâu bảo quản, đầu ra cho sản phẩm

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng hiện nay, phải làm sao khi thông qua kênh tiêu thụ nông sản hữu cơ, nông sản sạch, người sản xuất phải có hiệu quả kinh tế cao hơn các sản phẩm bình thường. Xu hướng hiện nay tất yếu phải hình thành nên chuỗi cung ứng sản xuất nông sản sạch cho người nông dân từ sản xuất đến tiêu thụ, với sự liên kết với các doanh nghiệp, là con đường tất yếu đưa đến sản xuất bền vững.

Kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu các địa phương cần mở hướng phát triển sản xuất nông nghiệp mang tính hàng hóa có chất lượng và giá trị kinh tế cao. Đồng thời, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện ở các vùng quy hoạch phát triển sản xuất tập trung, hàng hóa chất lượng cao; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho nông dân.

Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: “Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 và hướng đến năm 2025, thời gian qua huyện Phong Điền đã tích cực triển khai một số mô hình sản xuất nông sản sạch, sản xuất theo hướng VietGAP, mô hình sản xuất hữu cơ… Nhằm hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, huyện đã làm “cầu nối” với các doanh nghiệp liên kết để thu mua sản phẩm, tiến hành đăng ký thương hiệu sản phẩm, mẫu mã bao bì,… hướng đến nền nông nghiệp bền vững".

Bài, ảnh: Hà Nguyên

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dập tắt đám cháy ở cơ sở vàng mã trong đêm

Sáng 5/12, ông Trần Công Phước, Chủ tịch UBND xã Phong An, huyện Phong Điền xác nhận, vào chiều tối 4/12, tại nhà ông Nguyễn Chánh Thương ở Đội 2, Bồ Điền, Phong An xảy ra vụ cháy ở gác lửng 2 tầng.

Dập tắt đám cháy ở cơ sở vàng mã trong đêm
Return to top