Dự trữ rơm cuộn chăn nuôi bò ở A Lưới trong mùa rét
Còn nhớ, cuối năm 2020 đầu năm 2021, trên địa bàn huyện A Lưới chịu rét đậm rét hại đã làm gần 1.000 con gia súc bị chết mà trong đó chủ yếu là trâu bò.
Mới đây, Phòng NN&PTNT huyện A Lưới đã vận động bà con trên địa bàn triển khai mô hình thu gom rơm cuộn nhằm dự trữ thức ăn cho trâu bò. Song song với đó là việc gia cố chuồng trại, chuyển từ tập quán chăn nuôi thả rong đến nuôi nhốt trong mùa giá rét. Ngoài các bãi chăn thả tự nhiên, chính quyền địa phương cũng dành quỹ đất, tập trung phát triển diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi trâu bò.
Ông Hồ Văn Hết (thôn Phú Thượng, xã Phú Vinh, huyện A Lưới) cho biết, từ nhiều đời nay, bà con chăn nuôi đều “thả cho trời”, có khi trâu bò trên nương rẫy cả tháng không thấy mặt, khi cần thiết mới lùa về. Đợt mưa rét cách đây ít năm chuồng trại sơ sài, chăn nuôi thả rong khiến trâu bò chết khá nhiều. Mới đây, địa phương vận động mua rơm cuộn dự trữ, phối trộn với thức ăn là phế phẩm nông nghiệp có sẵn, đàn trâu bò gia đình có 23 con, mỗi lúc rét được nhốt trong chuồng, tiêm phòng đầy đủ nên không có con nào bị chết.
Ông Phạm Viết Ninh, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Phú Vinh thông tin, tại địa phương, các hộ dân thôn Phú Thượng, Phú Thành, Phú Xuân tự bỏ vốn để phát triển đàn trâu bò, đến nay toàn xã có trên 230 con của 48 hộ tham gia nuôi. Từ nhiều năm nay, việc chăn thả rong, chuồng trại sơ sài mỗi lúc gặp thời tiết bất lợi thường thiệt hại rất nhiều. Nhằm dự trữ nguồn thức ăn ứng phó đợt rét cuối năm, chính quyền xã vận động các hộ dân mua 300 cuộn rơm dự trữ cùng các phương án chuẩn bị gia cố chuồng trại, tận dụng nguồn thức ăn phụ phẩm nông nghiệp. Trên địa bàn cũng có 4 hộ dân tham gia trồng cỏ voi nhằm cung cấp thức ăn cho trâu bò mỗi mùa rét.
Ông Văn Lập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới cho biết, toàn huyện có tổng đàn trâu bò gần 1.000 con, năm 2022 các địa phương đã tiến hành dự trữ gần 600 cuộn rơm cho gia súc trong mùa giá rét. Việc sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp như rơm cuộn, bã bia, bã sắn… để phối trộn làm thức ăn nuôi hiện đang được các cơ sở chăn nuôi trâu bò hướng đến. Việc sử dụng rơm cuộn nhằm dự trự thức ăn trong mùa mưa rét, hạn chế việc đốt rơm rạ sau thu hoạch cũng là những giải pháp để người nông dân hướng tới một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn nhằm tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như một nguồn lợi để gia tăng chuỗi giá trị nông nghiệp, giúp tăng thu nhập của nông dân.
Trước đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh (Sở NN&PTNT) đã phối hợp Phòng NN&PTNT huyện A Lưới tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống đói rét và dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại các xã Trung Sơn, Hồng Kim, Lâm Đớt của huyện A Lưới. Qua kiểm tra cho thấy, công tác phòng, chống đói rét được chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn cho các hộ chăn nuôi thực hiện khá tốt.
Từ sự vận động của chính quyền địa phương, các hộ chăn nuôi đã thay đổi nhận thức và đã chủ động dự trữ nguồn thức ăn để đảm bảo cho trâu bò trong mùa mưa rét, đồng thời đã gia cố, che chắn chuồng trại và thực hiện nuôi nhốt trâu bò tại chuồng trong mùa rét.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thông tin, triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ về giảm nghèo bền vững tại các huyện miền núi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp Hội Chữ thập đỏ tỉnh triển khai khảo sát, đánh giá thực trạng dự án “Ngân hàng bò” tại A Lưới, đã thành lập 2 tổ và khảo sát tại 35 hộ chăn nuôi bò tại 6 xã. Kết quả còn 71 con/31 hộ, trong đó có 20 bò đực và 51 con bò cái, bò cơ bản có sức khỏe tốt, đã được tiêm phòng, có trọng lượng từ 40kg đến 230kg, ngoài ra còn có một số bò cái đang mang thai.
Nhằm phát triển và nâng cao sản lượng, chất lượng đàn bò A Lưới, đầu năm 2022, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã hỗ trợ cho tỉnh 35 liều tinh bò Wagyu, chi cục cùng Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện A Lưới chọn lựa chọn các hộ dân chăn nuôi và đã phối 34 liều/8 xã thuộc huyện A Lưới, hiện số bò đang mang thai là 21 con, dự kiến giữa tháng 12 sẽ có bê lai Wagyu ra đời.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tính đến năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh có 37 máy cuốn rơm, trong đó 7 máy thuộc mô hình Trung tâm Khuyến nông triển khai, 30 máy do nông dân tự đầu tư; 1 mô hình phối trộn thức ăn cho bò đang được triển khai tại Phong Điền (sản phẩm phối trộn tạo ra thức ăn hỗn hợp cho bò gồm rơm cuộn, bã sắn, bã bia và rỉ mật). Đây là mô hình cần nhân rộng cho các địa phương trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến để tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập của nông dân và xóa đói giảm nghèo.
Bài, ảnh: Hà Nguyên