ClockChủ Nhật, 25/06/2017 15:06

Chưa có giải pháp xử lý nuôi tôm vùng cấm ở đầm Lập An

TTH.VN - Việc nuôi tôm thẻ chân trắng tại đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) tồn tại nhiều năm, khiến môi trường bị ô nhiễm. Song, các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra phương án khả thi nào để giải quyết triệt để vấn đề này.

Cấm... vẫn nuôi

Từ năm 2014, hơn 100 hộ dân ngang nhiên nuôi tôm thẻ chân trắng ngay cạnh đầm – khu vực cấm nuôi,  ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái của vịnh Lăng Cô.

Nuôi tôm tại đầm Lập An tồn tại trong nhiều năm

Theo thống kê của UBND thị trấn Lăng Cô, hiện hộ nuôi giảm còn dưới con số 100 với diện tích hơn 10ha bởi những năm gần đây, các hộ nuôi liên tục thua lỗ.

Ông Lê Văn Hùng (tổ dân phố Lập An, thị trấn Lăng Cô), một trong những hộ nuôi tôm tại đây cho biết, đa số các hồ nuôi đặt cạnh đầm Lập An có diện tích khoảng 1.000m2/ hồ, mỗi năm nuôi 2 vụ, mỗi vụ thả khoảng 20 vạn con/hồ. Để có nguồn nước mặn phục vụ việc nuôi trồng, họ dùng đường ống chuyển nước từ đầm Lập An hoặc lấy nguồn nước mặn ngầm dưới lòng đất. Điều đáng chú ý, nước thải của các hồ nuôi tôm này không qua một hệ thống xử lý nước thải nào, thải thẳng ra đầm Lập An.

Theo Quyết định 72 năm 2014 của UBND tỉnh quy định, việc nuôi tôm thẻ chân trắng trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai cầ hội đủ các điều kiện như, cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng phải nằm trong vùng quy hoạch; diện tích hồ nuôi tối thiểu 3.000 m2, sâu tối thiểu 2m; phải có ao lắng làm sạch nước trước khi cấp cho các hồ; vùng nuôi tôm phải có hệ thống xử lý nước thải từ hồ nuôi trước khi thải ra môi trường “… Biết khu vực này cấm nhưng xin cấp phép mãi vẫn không đủ điều kiện nên đành nuôi liều. Mỗi vụ thu hoạch khoảng 2,5 tấn/hồ, trừ chi phí lãi khoảng 50 triệu đồng. Những vụ gần đây, do môi trường nước ô nhiễm cộng với thời tiết diễn biến bất thường nên nhiều hộ dân thua lỗ, phơi hồ”, ông Hùng bày tỏ.

Theo các hộ nuôi tôm tại đây, trước khi đào ao thả tôm vùng đất này là đất nông nghiệp, đất vườn trồng các loại cây ngắn ngày. Sau khi người dân thả nuôi ồ ạt, một số diện tích đất thổ cư cũng được họ đưa vào nuôi trồng. Ông Lê Sung (tổ dân phố Lập An) trần tình: “Diện tích đất đang nuôi của tui hiện nay trước đây là đất trồng khoai. Vùng đất này bị nhiễm mặn nên năng suất thấp, thấy bà con đua nhau nuôi tôm thẻ chân trắng nên tui cũng nuôi tôm. Đa số người nuôi ở đây đều không nắm vững kỹ thuật nuôi. Những năm gần đây, cửa biển bị bồi lấp, thu hẹp dòng chảy, nguồn nước mặn phục vụ nuôi trồng hạn chế. Bên cạnh đó, nguồn nước đầm Lập An ô nhiễm nên ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của tôm. Dù biết cấm nuôi nhưng nếu không nuôi tôm thì không biết làm chi sinh sống. Nuôi tôm thua lỗ nên nhiều người lâm vào cảnh nợ nần, do vậy đã “đâm lao nên phải theo lao””.

Chưa có phương án khả thi

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Đăng Trung, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô thừa nhận: “Hầu hết các hộ dân nuôi tôm cạnh đầm Lập An đều trái phép, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của hệ thống đầm phá. Hiện, việc nuôi tôm của bà con đang gặp khó khăn và thua lỗ do vậy nhiều hồ bỏ hoang. Từ hơn 100 hộ nuôi trước đây bây giờ giảm xuống còn 68 hộ dân”.

Nước thải đổ thẳng ra đầm mà không qua hệ thống xử lý nào

Theo ông Trung, việc xử lý các hộ dân vi phạm gặp không ít khó khăn, mặc dù nhiều năm tuyên truyền vận động nhưng tình trạng này không giải quyết triệt để. “Người dân nuôi tôm thẻ chân trắng đổ một số tiền khá lớn vào để đầu tư nên việc cưỡng chế, tháo dỡ các đầm tôm là điều không thể. Chúng tôi chỉ biết xử lý vi phạm hành chính về việc nuôi tôm không cấp phép”.

Nói về việc cấp phép cho những hổ tôm này, ông Trung nói: “Diện tích mỗi hồ tương đối nhỏ. Địa phương thường xuyên vận động người dân không nuôi, nếu nuôi phải hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép. Tuy nhiên khu vực đất này chồng lên vùng quy hoạch nên không thể cấp phép”

Ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phú Lộc cho biết: “Việc nuôi tôm tự phát trên đầm Lập An diễn ra trong nhiều năm, người dân nuôi tự phát không có quy trình đảm bảo. Chúng tôi đã kiểm tra, tuyên truyền vận động người dân và giao địa phương sở tại giám sát chặt chẽ và xử lý”.

Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay: “Nuôi tôm thẻ chân trắng cần đảm bảo các điều kiện theo quyết định 72, UBND các xã, thị trấn phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các tổ chức, các đoàn thể tổ chức tuyên truyền, quán triệt và vận động người dân chấp hành nghiêm Quy định này. Ngoài ra, cần thường xuyên thanh kiểm tra, giám sát việc nuôi tôm chân trắng đảm bảo các quy định của pháp luật; xử lý các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền. Nuôi tôm thẻ chân trắng tại đầm Lập An là vi phạm quy định, ảnh hưởng đến hệ sinh thái cũng như nguồn lợi thủy sản. Phía Sở có trách nhiệm hướng dẫn về kỹ thuật cũng như phổ biến các quy định, các địa phương cần phải quản lý chặt chẽ vấn đề này”.

“Nhà nước nên có quy định, quy hoạch tổng thể đầm Lập An rõ ràng, khu vực nào nuôi trồng, khu vực nào là bãi đẻ, du lịch để tạo sinh kế cho người dân. Đồng thời, cần nghiên cứu chuyển đổi mô hình nuôi hiệu quả để khuyến khích chuyển đổi. Hiện, đất mà người dân tự ý đầu tư nuôi tôm là đất lâm nghiệp, nông nghiệp, đất vườn, đất ở, một phần lấn chiếm đất công. Chúng tôi chỉ xử phạt hành chính về việc không cấp phép còn ra quyết định thu hồi bắt buộc phải cưỡng chế rất khó bởi đụng vào miếng cơm manh áo của người dân”, ông Dương Đăng Trung đề xuất.

Bài, ảnh: Thọ Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ

Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của bão số 6 đã gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, tài sản, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, các đơn vị tăng cường lực lượng xuống địa bàn giúp dân khắc phục hậu quả.

Giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ
Thêm 1 tàu hàng trật bánh tại khu gian Thừa Lưu-Lăng Cô

Thông tin từ ngành đường sắt tại Thừa Thiên Huế cho biết vào sáng 29/9, vào lúc 21h21 ngày 28/9, tàu AH1 đầu máy D18E 603, thuộc Xí nghiệp đầu máy Vinh kéo 21xe với trọng tải chở hàng 926 tấn. Khi đến km 752+350 khu gian Thừa Lưu- Lăng Cô, đầu máy bị trật bánh trục số 01 cách mép ray 70cm bên phải theo hướng tàu chạy.

Thêm 1 tàu hàng trật bánh tại khu gian Thừa Lưu-Lăng Cô
Return to top