Mấy ngày nay, thông tin trên mạng lẫn thông tin ngoài xã hội, tôi nghe chuyện giải cứu vịt trời.
Nếu đúng vậy thì đây là lần đầu tiên Thừa Thiên Huế kêu gọi giải cứu sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Trong kinh tế học cố cái gọi là thị trường ngách. Nói nôm na là một thị trường không rộng lớn, nó như là một nhánh rễ cây. Đại ý cái kiểu, có người mở một nhà hàng thật sang trọng, nếu những người có thu nhập trung bình mới bước vào đã choáng ngợp, khi tính tiền lại còn choáng hơn. Ấy là nhà hàng khi mở đã nghĩ ngay đến phân khúc khách sang. Có người kinh doanh nhắm đến số đông, lời ít và cũng có người nhắm đến số ít, lời nhiều…
Thông tin rao bán cho biết, vịt trời hiện nay giá chỉ 100 ngàn đồng một con, nếu làm sạch sẽ chi phí sẽ là 120 ngàn đồng.
So với giá thị trường trước đây, thường là khoảng 250 ngàn đồng một con. Vô nhà hàng chế biến một con thành 3 món có thể đội lên vài trăm nữa (lấy thêm giá dịch vụ) thì cái giá rao bán như trên là quá rẻ.
Đáng tiếc là những thông tin từ người nuôi đến người rao bán không cho biết giá thành làm ra một kg thịt vịt trời là bao nhiêu tiền!? Ở đây có chuyện chưa minh bạch thông tin. Anh muốn mọi người chung tay giải cứu, anh phải cho biết giá thành làm ra một kg thịt là bao nhiêu. Trước đây anh bán giá cao thì lời lãi thế nào, giờ giá như vậy anh lời hay lỗ?.
Trộm nghĩ, vịt trời là một mặt hàng cao cấp (ít nhất về mặt giá). Chỉ có những người thu nhập khá hoặc thấp lâu lâu mới dám ăn một lần, tức là mặt hàng không phổ thông, là đặc sản. Chả ai đi giải cứu đặc sản bao giờ!? Nó giống như con tôm hùm Phú Yên vừa rồi, giá "down" xuống đến mấy mươi phần trăm do cửa khẩu đóng, không xuất khẩu qua Trung Quốc (thị trường chủ yếu xuất khẩu tôm hùm Việt Nam). Thế là thị trường trong nước lên ngôi. Ngay thị trường Huế, nhập ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Sức tiêu thụ nhiều là vì chẳng phải người giàu, thậm chí người có thu không cao cũng gắng mua ăn, là vì họ nghĩ chẳng mấy khi một mặt hàng cao cấp như tôm hùm có cái giá như vậy, thôi thì gắng ăn một lần cho biết!?
Trở lại chuyện vịt trời. Một cơ sở duy trì thường xuyên hàng ngàn con vịt trời, so với các cơ sở nuôi của người nông dân Thừa Thiên Huế được cho là lớn. Vì sao họ duy trì đàn lớn? Vì họ kỳ vọng thì lại lợi nhuận nhiều. Có thể với cái giá mấy trăm ngàn đồng một con như trước đây, họ đã thu một nguồn lợi nhuận không hề nhỏ. Vì lợi nhuận cao đã thúc đẩy họ tăng đàn. Kinh doanh bao giờ cũng vậy, bao giờ cũng có rủi ro, khi được khi mất là lẽ thường tình. Lúc thu lợi nhuận cao thì anh không ư hữ gì đến người tiêu dùng. Lúc giá hạ, không tiêu thụ được thì anh đòi giải cứu? Đây là một mối quan hệ không sòng phẳng.
Đề cập đến vấn đề nêu trên, người viết bài này muốn nói rằng, dù làm bất cứ việc gì, việc minh bạch thông tin là hết sức quan trọng. Minh bạch thông tin sẽ tạo ra niềm tin, sự cảm thông, chia sẻ, và tạo ra mối quan hệ sòng phẳng. Giữa người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng tạo ra một mối liên kết chặc chẽ, bên nào cũng được phần lợi.
Ở đây có phản ứng dây chuyền. Một công ty duy trì đàn thường xuyên cả hàng ngàn con, việc kêu gọi giải cứu là việc không nên. Hay nói chính xác là giá bán bây giờ đang rất rẻ, người tiêu dùng nên mua mà sử dụng. Nhưng vấn đề là phản ứng dây chuyền. Giá cả công ty lớn bán hạ thì những người nuôi nhỏ lẻ cũng phải hạ theo. Mà thường qui mô càng nhỏ thì chi phí càng cao, có thể người nuôi thua lỗ. Nếu có sự giải cứu thì hãy hướng vào những người nông dân nuôi qui mô nhỏ lẻ. Mà muốn làm được điều này, thì hãy quay lại vấn đề như từ đầu bài đã nêu – minh bạch thông tin. Anh sản xuất ra một kg thịt vịt trời giá thành bao nhiêu?
Lê Phương