Chế biến gỗ tại Công ty Chế biến gỗ xuất khẩu Thừa Thiên Huế
Đầu ra rộng
Cơ hội lớn mở ra cách đây 3 năm đối với gia đình ông Bùi Văn Sơn ở thôn Chầm, phường Hương Hồ (TX. Hương Trà) khi Hội Chủ rừng Phát triển bền vững tỉnh (FOSDA) thuyết trình về lợi ích của rừng gỗ lớn (RGL) với chu kỳ 8 năm.
Ông Sơn mạnh dạn chuyển đổi gần 3 ha rừng gỗ nhỏ sang sản xuất RGL, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững tiêu chuẩn FSC (FSC). Sau 2 năm có 1,7ha cho thu hoạch, sản phẩm đạt chất lượng, được doanh nghiệp thu mua với giá hợp đồng ban đầu, thu lãi 250 triệu đồng/ha.
Vừa chuyển toàn bộ diện tích còn lại sang trồng RGL, theo ông Sơn, khó khăn lớn nhất với bất kỳ loại nông sản nào vẫn là đầu ra sản phẩm. Nhưng với RGL, đã có các đơn vị doanh nghiệp chủ động hợp tác, hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao, ổn định, thậm chí thu mua khi rừng đổ gãy do thiên tai nên thuận lợi cho người trồng rừng.
Theo FOSDA, đến nay, toàn tỉnh có hơn 9.000ha RGL, có chứng chỉ FSC của các tổ chức, hộ gia đình. Có được kết quả này, ngoài nỗ lực của các hộ cá nhân, thời gian qua còn được các công ty tạo điều kiện cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để duy trì diện tích rừng kéo dài trong 8 năm, tham gia chứng chỉ FSC. Chẳng hạn, Công ty Scansia Pacific cho mỗi hộ vay 12 triệu đồng/ha/3 năm với lãi suất thấp hơn các ngân hàng thương mại 2%/năm.
Khảo sát rừng gỗ lớn ở xã Lộc Bổn
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Công ty Scansia Pacific đánh giá, bước đầu có nhiều hộ nắm bắt xu thế, thấy được lợi ích từ trồng RGL nên tích cực tham gia. Phía công ty cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm gỗ lớn với giá cao hơn giá thị trường tại thời điểm bán 15%. Trường hợp gặp rủi ro do thiên tai, bão lũ gây đổ gãy, các hộ trồng RGL cũng được công ty cam kết thu mua theo hợp đồng ban đầu mà không bị ép giá.
Gỗ phải đúng quy cách
Ông Nguyễn Hữu Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thông tin, thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 14 cơ sở, nhà máy chế biến lâm sản, hằng năm sử dụng khoảng trên 1 triệu tấn nguyên liệu gỗ. Sản phẩm và bán thành phẩm được sản xuất chủ yếu dăm gỗ, ván bóc, gỗ thanh, đồ gỗ, ván dăm. Tổng doanh thu năm 2019 đạt 1.344.575 triệu đồng, năm 2020 ước khoảng 1.400.000 triệu đồng.
Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng hằng năm trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng nguyên liệu gỗ của các nhà máy. Sản phẩm chế biến chủ yếu dăm gỗ chiếm 98% trên tổng sản lượng sản phẩm gỗ qua sơ chế và chế biến. Sản lượng dăm gỗ hằng năm nêu trên cho thấy hạn chế trong thực hiện kế hoạch trồng RGL của tỉnh thời gian qua. Nếu khai thác rừng trồng 4 tuổi, tuy giải quyết thu nhập trước mắt, nhưng làm giảm tới 2/3 giá trị thu nhập của người trồng rừng so với trồng RGL trên dưới 8 năm tuổi.
Chủ tịch FOSDA, ông Võ Văn Dự thông tin, thông qua FOSDA, các Chi Hội Chủ rừng Phát triển bền vững cơ sở, các HTX liên kết với các Công ty CP Chế biến lâm sản Minh An và Công ty CP Chế biến lâm sản Hòa Nga, tổ chức hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Hợp đồng bắt buộc sản phẩm gỗ tròn do các hộ cung ứng phải là gỗ được thu hoạch trên diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC, theo quy cách gỗ khi giao tại nhà máy có đường kính tối thiểu từ 13cm trở lên.
Phía các công ty đảm bảo mua gỗ theo yêu cầu và quy cách cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua là 15%, hỗ trợ toàn bộ chi phí đánh giá và cấp chứng chỉ rừng FSC. Đối với gỗ loại dưới quy cách còn được công ty hỗ trợ 150.000 đồng/tấn; hỗ trợ vốn vay trồng rừng cho hộ gia đình tham gia chứng chỉ FSC đối với rừng trồng từ năm thứ 4 trở lên với mức 4 triệu đồng/ha/năm với lãi 0,5%/tháng (thấp hơn lãi vay thương mại khoảng 2%/năm).
Theo Công ty Minh An và Công ty Hòa Nga, đến nay, lượng gỗ nguyên liệu theo yêu cầu và quy cách trên địa bàn tỉnh mới chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu và công suất của các nhà máy. Những công ty này đều là đơn vị liên kết của Công ty Scansia Pacific tại địa phương trong chuỗi cung ứng gỗ FSC của Tập đoàn IKEA- là nơi chuyên sản xuất nội thất lắp ráp, thiết bị, phụ kiện nhà và bán lẻ đồ gỗ lớn nhất thế giới. Các hỗ trợ về tài chính cho hộ trồng rừng đều do Công ty Scansia Pacific đảm bảo, thông qua các Công ty Minh An, Hòa Nga và FOSDA. Mô hình này là chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và thương mại lâm sản thành công nhất hiện nay trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước.
Theo FOSDA, hiện nay diện tích đất và rừng sản xuất toàn tỉnh trên 140 ngàn ha, gồm rừng sản xuất là rừng tự nhiên là 51.445,04 ha (hiện đang thực hiện đóng cửa rừng) và khoảng 90 ngàn ha rừng trồng sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 9.000 ha RGL. Giai đoạn 2015-2020, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) lâm sản hầu như không tăng, trong khi sản xuất lâm nghiệp liên tục tăng trưởng trong khâu trồng rừng nguyên liệu. Điều này đặt ra vấn đề tất yếu là thông qua liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến sản phẩm với các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Đồng thời có biện pháp thu hút đầu tư cho chế biến sâu, tăng tỷ trọng KNXK sản phẩm hoàn chỉnh, sản phẩm công nghệ cao; giảm mạnh tỷ trọng KNXK nguyên liệu thô, sản phẩm sơ chế (dăm); tăng giá trị KNXK lâm sản cả về số lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm.
Bài, ảnh: Hoàng Triều