Tỉnh Thừa Thiên Huế có đường biên giới dài khoảng 100km, giáp hai tỉnh Salavan và Sê Kông của nước bạn Lào; hai cửa khẩu là Hồng Vân, A Đớt và tuyến đường bộ qua các cửa khẩu về thị trấn A Lưới và theo Quốc lộ 49 về Huế. Đây là thuận lợi cho sự hợp tác QLBVR, song cũng là thách thức trong việc tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ và động vật hoang dã trái phép.
Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thông tin, vùng biên giới của tỉnh có diện tích trên 122.463 ha, có nhiều cánh rừng nguyên sinh, thứ sinh và tồn tại mẫu rừng nhiệt đới ở dãy Trường Sơn. Đây còn là khu vực có hệ động, thực vật phong phú và đa dạng, chứa đựng nhiều nguồn gen của hơn 1.200 loài. Nhiều loài động, thực vật đang bị đe dọa, trong đó 10 loài thực vật có nguy cơ tuyệt chủng và 48 loài động vật nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Vùng biên giới giữa Thừa Thiên Huế và nước bạn Lào còn là nơi duy nhất có sự hiện diện của ba loài thú lớn mới phát hiện, có giá trị bảo tồn toàn cầu là mang lớn, mang Trường Sơn và sao la. Đây cũng là một trong số ít khu rừng ở Việt Nam có sự xuất hiện của ba loài này và cần sự bảo tồn hợp lý, hiệu quả. Ông Tuấn cho rằng, nếu không có sự đầu tư bảo tồn, phục hồi và phát triển thì không lâu nữa các hệ sinh thái tiêu biểu sẽ biến mất, các loài động, thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng.
Trước yêu cầu bức thiết, những năm qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh và Chi cục Thanh tra Lâm nghiệp tỉnh Sê Kông và tỉnh Salavan đã hợp tác QLBVR, động vật hoang dã khu vực biên giới giữa các tỉnh. Trước hết là việc quản lý chặt chẽ các hoạt động qua lại giữa các địa phương. Người dân khi qua lại biên giới phải dưới sự quản lý của cơ quan an ninh tại cửa khẩu. Việc qua lại cửa khẩu của cư dân phải được xác định rõ mục đích, chịu sự quản lý, kiểm tra chặt chẽ của các lực lượng chức năng. Mục tiêu cuối cùng là ngăn chặn người dân, các tổ chức lợi dụng sự sơ hở của cơ quan chức năng để khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản, động vật hoang dã trái phép.
Trong quá trình hợp tác, ngành lâm nghiệp các tỉnh của hai nước đã tăng cường tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết, toàn diện. Hai bên thúc đẩy các họat động giao lưu, kết nghĩa, phòng, chống và xử lý các hành vi khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản, tài nguyên thiên nhiên qua biên giới... Lực lượng liên ngành giữa các tỉnh tại cửa khẩu Hồng Vân và A Đớt phối hợp chặt chẽ, thường xuyên kiểm ra, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời nhiều vụ khai thác, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã, lâm sản trái phép qua biên giới.
Ông Võ Văn Dự, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng, việc ký kết hợp tác giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và hai tỉnh của nước bạn Lào sẽ tạo ra hành lang pháp lý giúp lực lượng kiểm lâm của hai bên hợp tác chặt chẽ trong công tác phòng, chống khai thác, vận chuyên, mua bán lâm sản và động vật hoang dã trái phép dọc tuyến biên giới. Sở Nông nghiệp và PTNT đang triển khai dự án tăng cường, nâng cao năng lực công tác tuần tra, kiểm tra, bảo vệ rừng, động vật hoang dã, đa dạng sinh học, thông qua việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, bẫy ảnh, máy tính bảng theo dõi diễn biến tài nguyên rừng...
|
Công tác phối hợp, quản lý chặt chẽ nên mấy năm gần đây không để xảy ra tình trạng người dân, các tổ chức vượt biên qua Lào khai thác, vận chuyển, mua bán gỗ trái phép. Địa hình phức tạp, núi non hiểm trở là một trong những khó khăn đối với hoạt động khai thác gỗ, săn bắt động vật trái phép, song cũng là thách thức lớn trong QLBVR.
Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn khẳng định, sự hợp tác giữa các bên đã thật sự mang lại hiệu quả trong công tác QLBVR, cần được phát huy hơn nữa trong thời gian đến. Tại buổi ký kết hợp tác giữa ngành kiểm lâm các tỉnh Salavan, Sê Kông và Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017-2020 được tổ chức giữa tháng 3 vừa qua, ông Tuấn chia sẻ, các hoạt động hợp tác QLBVR giữa ngành kiểm lâm và cơ quan chức năng các tỉnh Thừa Thiên Huế, Salavan, Sê Kông sẽ được tăng cường và cụ thể hơn nữa nhằm hạn chế tối đa hành vi khai thác, kinh doanh lâm sản trái phép qua biên giới.
Ngành kiểm lâm các tỉnh sẽ tăng cường trao đổi thông tin, kiến thức, kinh nghiệm trong việc kiểm soát, ngăn chặn các hành vi phá rừng. Các bên thường xuyên phối hợp kiểm tra, theo dõi nghiêm ngặt các họat động xuất khẩu, nhập khẩu gỗ, lâm sản và các loài động vật hoang dã tại cửa khẩu Hồng Vân- Cutai, A Đớt- Tà Vàng; phối hợp xử lý, giải quyết các trường hợp vi phạm trên cơ sở tuân thủ luật pháp của hai nước. Định kỳ 6 tháng, hai bên trao đổi thông tin, đối chiếu khối lượng gỗ, lâm sản và động vật hoang dã được xuất, nhập khẩu qua biên giới và theo dõi, cập nhật cơ sở dữ liệu.
Tại buổi ký kết hợp tác vừa qua, Chi cục trưởng Chi cục Thanh tra Lâm nghiệp tỉnh Salavan, ông Vangpasot Bunuavongsa chia sẻ, hoạt động hợp tác giữa ngành kiểm lâm và các cơ quan chức năng các tỉnh có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công các QLBVR, các nguồn gen quý hiếm, các loài động, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng, nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Ông Vangpasot Bunuavongsa mong muốn, sự hợp tác giữa các tỉnh cần được duy trì, phát huy hơn nữa, thông qua những việc làm, hoạt động cụ thể, thiết thực và hiệu quả.
Hoàng Triều