Bà con túc trực 24/24h tại những lồng cá neo lại ven sông Bồ khi nước vẫn còn cao
An Lưu là thôn trồng hành lá trọng điểm của phường Hương An (TP. Huế). Ngay khi nước rút, bà con đã ra ruộng kiểm tra, trao đổi thông tin và hỗ trợ nhau khắc phục một số điểm bị ngập bùn hai ngày qua. Bà Hồ Thị Thuyết, người có 6 sào hành đang tỉa những cây hành dập nói: "Mần được chi thì mần chơ phải cứu lấy công sức mình đầu tư. Ruộng phải chăm sóc hơn trước. Đoạn mô hư, mình nhổ bỏ. Ở đây bà con ai cũng trong tâm thế sống chung với lũ nên phải thích nghi thôi".
Tại vùng Hương Xuân, thủ phủ ổi Vietgap nổi tiếng ở TX. Hương Trà, nhiều vườn ổi vẫn chìm trong nước lũ. Muốn vào gặp các chủ vườn, chúng tôi phải lội qua một chặng đường ngập ngang đầu gối. Bà con ở đây đang chờ nước rút dần để kiểm tra tình trạng vườn ổi. Ai cũng âu lo vì ổi là cây chủ lực giúp người dân phát triển kinh tế, thoát nghèo. Ông Lê Văn Câu, chủ nhân 3 sào ổi cho biết: "2 sào ổi ngoài ruộng tui ngập hơn 1m. Vườn ổi trong nhà thì ngập 0,5m. Nếu ổi ngâm nước dài ngày sẽ ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng quả. Vụ này mà hỏng thì cuối năm không có ổi cung cấp cho thị trường".
Tại rốn lũ Quảng Điền, nước rút đến đâu, bà con kiểm tra, tìm cách cứu diện tích hoa màu còn lại. Người trồng rau thì xối bùn, chăm bón từng cây; người nuôi thủy sản thì trực chốt theo dõi sức khỏe cá. Đặc biệt ở vùng sông Bồ, nơi tập trung hàng trăm lồng cá của người dân hai huyện, thị Quảng Điền, Hương Trà, các chủ hộ triển khai rửa dọn và vệ sinh lồng nuôi.
Anh Lê Quang Hóa, một hộ nuôi cá diêu hồng được bà con chòm xóm hỗ trợ gia cố, bảo vệ lồng cá còn lại trong số 8 lồng bị thiệt hại trong mưa lũ. Anh Hóa chia sẻ: "Mọi người động viên, chia sẻ, giúp đỡ kịp thời khi gia đình tôi gặp khó khăn. Vụ ni coi như thất bát. Thôi thì làm lại từ đầu chơ mình gắn bó nghề này đã quen".
Chưa có thống kê thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp do nước chưa rút hoàn toàn. Theo ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, tinh thần của ngành là sau khi nước rút, tập trung kiểm tra, thống kê diện tích rau, màu, hoa, lồng, ao hồ nuôi thủy sản... hư hỏng để có hướng khắc phục. Tiến hành sữa chữa, vệ sinh lồng bè để bảo vệ lượng thủy sản còn lại. Ưu tiên khắc phục diện tích rau màu để cung cấp cho thị trường, ổn định cuộc sống người dân.
Thừa Thiên Huế Online ghi nhận một số hình ảnh ở các vùng sản xuất nông nghiệp sau mưa lũ:
Ông Lê Văn Câu, thôn Trung Thôn, Hương Xuân, Hương Trà thường xuyên ra vườn xem mực nước, tình trạng ổi
Kiểm tra ổi lồng trong túi. Nếu ổi ngâm nước lụt sẽ dẫn đến tình trạng quả thối, rụng hoặc kém phát triển
Bà Hồ Thị Thuyết chăm hành lá và thu tỉa cây hư thối trên cánh đồng An Lưu
Hành dập úng, đổ ngã bị nhổ bỏ
Nông dân vựa rau Quảng Thành (Quảng Điền) vớt vát lại các luống rau khi nước vừa rút
Một vùng trồng tràm Lộc Thủy (Phú Lộc) thiệt hại hoàn toàn. Vùng nguyên liệu này phải chờ thời tiết thuận lợi mới có thể bắt đầu trồng vụ mới
Hiệp sức đưa các lồng cá về vị trí an toàn
Cho cá ăn và theo dõi "sức khỏe" cá lồng thường xuyên
Trời ngừng mưa, ông Lê Văn Kỳ, phường Thủy Vân, TP. Huế bắt tay chăm hoa cảnh phục vụ cho mùa hoa tết.
Clip Nông dân ra đồng kiểm tra vùng sản xuất
Nhóm PV-CTV (Thực hiện)